THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:55

Thanh Hóa: Đảm bảo mức sống NCC bằng hoặc cao hơn mặt bằng ở khu dân cư

 

Lễ trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể xuất sắc tại hội nghị


Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng, các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách về NCC với cách mạng, đảm bảo thực hiện hiệu quả, kịp thời và đúng quy định.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 8 vạn người có công với tổng kinh phí trên 7,1 tỷ đồng; chi trả trợ cấp thường xuyên cho 78 nghìn đối tượng với kinh phí 129 tỷ đồng và chế độ đối với thân nhân người có công khoảng 19 nghìn người với kinh phí gần 24,6 tỷ đồng. Việc chăm sóc sức khỏe đối với NCC và thân nhân được quan tâm thực hiện, trong 5 năm toàn tỉnh đã tổ chức điều dưỡng luân phiên và điều dưỡng tại gia đình cho 180.474 lượt NCC với số tiền 232 tỷ đồng; 26.389 hộ NCC đã và đang được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, việc thực hiện chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Đến nay, 98% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận cũng được đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã thảo luận, góp ý về những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền cho biết: Pháp lệnh ưu đãi NCC ngày càng được hoàn thiện phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mở rộng diện đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi đối với NCC, phù hợp với thời kỳ lịch sử cách mạng, đó là mở rộng giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; nhất là chế độ tiền tuất đối với thân nhân thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... sự phát triển của nền kinh tế, khả năng tài chính của đất nước, cả về chế độ trợ cấp và các chế độ ưu đãi khác như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo, nhà ở cho người có công và thân nhân...

 

Lễ trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc

trong việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng

 

Quy định rất cụ thể rõ ràng các tổ chức, cá nhân, cơ quan thực thi đầy đủ đúng pháp luật, đảm bảo chính xác, thống nhất và thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta, thực sự đã là nguồn lực chính bảo đảm xã hội, nâng cao đời sống người có công, và cũng thông qua đó làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi, thực hiện chế độ đối với NCC.

Phó Chủ tịch cũng đề nghị: Trong thời gian tới, Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp lệnh của Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phải lan tỏa, lồng ghép được nhiều chương trình như: an sinh xã hội, công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho đối tượng chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn, nhất là thương bệnh binh nặng, gia đình tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học..

Tập trung rà soát, xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn sót theo quy định; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, nhất là các chế độ chính sách mới được ban hành.

Tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên nghiên cứu và tổng hợp những bất cấp, hạn chế trong việc triển khai thực hiện những chính sách đối với người có công với cách mạng để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng đối với người có công. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ, báo tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sỹ; bảo vệ, nâng cấp, tu bổ các công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức có trách nhiệm, có tâm huyết, liêm khiết, có lòng tận tụy, kiên nhẫn làm công tác người có công từ tỉnh đến cơ sở để làm công tác đầy tình nghĩa này.

Thực hiện sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình làm tốt công tác đối với người có công; tăng cường công tác quản lý của các cấp, các ngành, chế độ trách nhiệm của cơ quan làm công tác chính sách, trách nhiệm của cán bộ chuyên môn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xem xét xử lý những sai phạm, tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi người có công, đảm bảo viêc thực hiện các chủ trương chính sách, chế độ ưu đãi ngày càng tốt hơn.

Nhân dịp này, 8 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. 33 tập thể và 96 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo điều hành, tham mưu tổ chức thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách giai đoạn 2013-2017 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tặng Giấy khen.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh