CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Thanh Hóa: Chủ doanh nghiệp “mất tích”, ôm theo nhiều khoản nợ

Quyền lợi của người lao động bị xâm phạm

Công ty TNHH TS Vina (gọi tắt Công ty Vina) là doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đi vào hoạt động năm 2014, chủ của DN này là người Hàn Quốc. Trong quá trình hoạt động, Công ty thường xuyên chậm trả lương cho người lao động, nợ chế độ ốm đau, thai sản của người lao động, nợ kinh phí công đoàn, đặc biệt là nợ BHXH từ tháng 4/2017 đến nay với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Trước việc chây ỳ của Công ty Vina, hàng trăm công nhân đã nhiều lần ngừng việc tập thể, đình công. Cụ thể, từ 1/2018 đến hết tháng 12/2019, đã diễn ra 5 vụ công nhân ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi. Nhiều đoàn liên ngành của tỉnh, trung ương về kiểm tra nhiều lần và đã xử phạt đối với Công ty Vina hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: "Trong quá trình hoạt động, Công ty Vina đã không tuân thủ quy định luật lao động, quyền lợi của người lao động bị xâm hại, dẫn đến xảy ra các vụ nghỉ việc tập thể, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của địa phương. Tính đến ngày 31/1/2020, DN này vẫn còn nợ lương của công nhân, riêng nợ tiền BHXH đã trên 18 tỷ đồng. Hiện giờ chúng tôi không thể liên lạc được với chủ DN là người Hàn Quốc. Vụ việc đã ngoài khả năng giải quyết của huyện, chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh để có hướng giải quyết".

Trước sự việc Công ty Vina nợ lương, nợ đọng BHXH kéo dài, công nhân Lê Thị Liên cho biết: "Tôi làm việc công ty từ năm 2015, công ty thường xuyên chậm lương, nợ các khoản phụ cấp, đặc biệt là không đóng BHXH cho công nhân, khiến quyền lợi của chúng tôi bị ảnh hưởng. Vì công ty không đóng BHXH nên nhiều lao động sinh con cũng không được hưởng chế độ thai sản theo quy định".

 Còn công nhân Hoàng Thị Hương bức xúc: "Công ty đang nợ chúng tôi lương tháng 11 và 12/2019 đến nay chưa trả, tôi phải vay mượn bạn để có tiền chi tiêu cho gia đình dịp tết vừa qua. Cứ tưởng ra tết công ty sẽ thu xếp trả lương, đóng BHXH cho công nhân, giờ giám đốc bặt vô âm tín, chúng tôi biết kêu ai?. Mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc, đòi quyền lợi cho chúng tôi"

Thanh Hóa: Chủ doanh nghiệp “mất tích”, ôm theo nhiều khoản nợ
 - Ảnh 1.

Người lao động mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc, xử lý vi phạm đang diễn ra tại Công ty Vina, đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ nợ lương, nợ BHXH của hàng trăm công nhân, Công ty Vina còn nợ bà Trịnh Thị Liên- người nấu ăn trong bếp tập thể của công ty với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. 

Bức xúc trước sự việc này, bà Trịnh Thị Liên cho hay: "Có thời điểm công ty nợ tôi lên đến gần 3 tỷ đồng, sau nhiều lần đòi nợ họ thanh toán còn gần 1,5 tỷ. Cuối năm 2018, vì công ty không thanh toán tiền, khiến tôi phải ngừng việc nấu ăn cho công nhân. Ông chủ DN hứa sẽ trả dần cho tôi mỗi năm 100 triệu đồng, giờ họ về nước mấy tháng nay không thấy đâu cả, chúng tôi biết kêu ai bây giờ?. Cũng chung cảnh ngộ như bà Liên, anh Trịnh Văn Ngọc, nhận hợp đồng vận chuyển công nhân, hàng hóa với Công ty Vina từ năm 2015, đến nay công ty vẫn còn nợ anh Ngọc số tiền gần 500 triệu đồng, nguy cơ không đòi được nợ.

Đề nghị khởi tố vụ án

Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 20/2/2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 33 doanh nghiệp FDI với khoảng 143.602 lao động. Có 32/33 doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt việc chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân, lao động đúng kỳ với thu nhập bình quân là 5.650.000 đồng/người/tháng. Chỉ có duy nhất Công ty Vina thường xuyên vi phạm các quy định về luật lao động, không thực hiện đầy đủ quyền lợi cho công nhân, lao động.

Thanh Hóa: Chủ doanh nghiệp “mất tích”, ôm theo nhiều khoản nợ
 - Ảnh 2.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa trao đổi với PV

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh cho biết: "Đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay, Công ty Vina đã nhiều lần vi phạm các quy định về luật lao động, như nợ lương, không đóng BHXH cho người lao động, khiến quyền lợi của công nhân bị xâm phạm. Các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, trung ương đã xử phạt nhiều lần nhưng DN này vẫn không thay đổi. Cái khó bây giờ là ông chủ DN này không có tài sản ở đây. Cụ thể là họ thuê lại cơ sở hạ tầng của Tổng Công ty Tiên Sơn để hoạt động, nên rất khó cho các cơ quan chức năng giải quyết". 

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Vina không trực tiếp đứng ra thuê đất, làm các thủ tục đầu tư như các DN FDI khác trên địa bàn, mà DN này đã thuê lại cơ sở hạ tầng của Tổng công ty Tiên Sơn, nên khi xảy ra vụ việc các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa không có cơ sở pháp lý để giải quyết triệt để vụ việc.

"Hành vi không đóng BHXH, BHTN, BHYT của Công ty Vina đã vi phạm Quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, lao động và thực hiện nghiêm minh các quy định của Pháp luật. Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đơn vị chức năng khởi tố vụ án, có biện pháp yêu cầu ông Giám đốc Công ty Vina có trách nhiệm giải quyết các chế độ liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động thuộc công ty và nộp đầy đủ tiền BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định của pháp luật"- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Sau nhiều lần xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, đình công, UBND huyện Yên Định đã lập đoàn Kiểm tra để kiểm tra về việc chấp hành pháp luật Lao động đối với Công ty Vina. Kết quả cho thấy, Công ty Vina đã vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, cụ thể như: vi phạm về công tác an toàn, vệ sinh lao động, BHXH; công tác bình đẳng giới cũng chưa được DN này thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Chưa hết, Công ty Vian hiện đang giữ 50 sổ BHXH của người lao động đã nghỉ việc, nhưng chưa trả sổ cho người lao động.


Đoàn kiểm tra UBND huyện Yên Định còn chỉ ra những vi phạm về bảng lương, bảng chấm công (từ 1/2018 đến 10/2019), như: Công ty huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định trong tháng. Ngoài ra, tính đến tháng 4/2019, tiền đoàn phí Công đoàn do người lao động đóng và kinh phí công đoàn (2%), Công ty Vina đã không chuyển về tài khoản Công đoàn cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng. Trong quá trình sử dụng lao động, Công ty này chưa thực hiện phân loại lao động theo nghề, công việc nặng nhọc, độc hại để thực hiện chế độ cho người lao động. Công ty chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ sức khỏe cho công nhân. Cụ thể, từ 4/2017 đến nay có 392 người chưa được nhận các chế độ của người lao động như ốm đau, thai sản (35.037 ngày) với số tiền trên 3,8 tỷ đồng. Mặc dù vậy, trên bảng chấm lương hàng tháng công ty vẫn trích thu 10,5% tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, nhưng không nộp về cơ quan BHXH với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng.

Để vụ việc sớm được giải quyết, trả lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hàng trăm công nhân, lao động, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ngành, chức năng vào cuộc, làm rõ những sai phạm đang diễn ra ở Công ty Vina. 

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh