THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Thanh Hóa: Chủ động tháo gỡ giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định việc làm cho người lao động

Bài 1:  Doanh nghiệp vượt khó, ổn định việc làm cho người lao động

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Thế nhưng hiện đa phần các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thiếu nguyên liệu đầu vào, nguy cơ ngừng sản xuất, lao động mất việc làm đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa hiện nay...

Doanh nghiệp cầm cự sản xuất

Sau khi rà soát từ các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, mới đây (25/2) Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thanh Hóa báo cáo UBND tỉnh cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động như các công ty: may măc, da giầy… vẫn ổn định, duy trì hoạt động bình thường, chưa xảy ra tình trạng lớn thiếu hụt việc làm. Tuy nhiên, nếu tình trạng dịch Covid-19 kéo dài, lan rộng ở nhiều nước thì doanh nghiệp có nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Từ thực tế khó khăn của các doanh nghiệp, phóng viên báo Dân sinh đã tìm hiểu thông tin thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khẳng định, thời gian qua doanh nghiệp đang cầm cự sản xuất, nếu tới đây không nhập được nguyên liệu đầu vào sẽ phải đóng cửa sản xuất, hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm.

Tại Công ty may Tùng Phương, đóng trên địa bàn xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) là một trong những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 700 lao động, đang có nguy cơ phải ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Thanh Hóa: Chủ động tháo gỡ giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định việc làm cho người lao động  - Ảnh 1.

Công nhân tại Công ty may Tùng Phương

Ông Chu Văn Hương, Giám đốc Công ty may Tùng Phương chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian qua đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp chúng tôi. Nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất được công ty nhập từ Trung Quốc, nhưng từ khi có dịch đến nay chúng tôi không nhập được nguyên liệu. Số nguyên liệu làm từ tết đến nay là nguyên liệu nhập từ trước đó. Thời gian tới, nếu không nhập được nguyên liệu đầu vào, dự kiến hết tháng 3/2020, công ty sẽ phải ngừng sản xuất, hơn 700 lao động sẽ phải nghỉ việc. Chúng tôi rất lo lắng!"

Cũng theo ông Hương, ngoài khó khăn về nguyên liệu sản xuất, hiện Công ty may Tùng Phương còn tồn đọng số lượng lớn hàng may mặc đã thành phẩm trị giá khoảng 5 triệu USD không thể xuất bán, khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong vấn đề vốn.

Chị Lê Thị Loan đang làm việc tại Công ty may Tùng Phương cho biết: "Tôi làm việc ở đây đã gần 2 năm, mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, mọi chế độ đầy đủ, lại gần nhà tôi rất yên tâm. Tuy nhiên, chúng tôi mới được thông báo, nhiều khả năng hết tháng 3 tới sẽ phải nghỉ việc vì công ty không nhập được nguyên liệu sản xuất do dịch Covid-19. Chúng tôi mong công ty vượt qua khó khăn để ổn định việc làm".

 Ông Vũ Công Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty may xuất khẩu Trường Thắng cho biết: "Hiện công ty có hơn 1.000 lao động, thực hiện hợp đồng may gia công trực tiếp cho đối là Trung Quốc, Hồng Kông, sau khi thành phẩm sẽ xuất sang thị trường Châu Âu, Mỹ. Do dịch bệnh, nguyên liệu sản xuất thiếu, từ tết đến giờ công ty đã cắt giảm từ 5 - 10% lao động các bộ phận gián tiếp. Đây là quyết định rất khó khăn, nhưng vì sự sống còn của doanh nghiệp, chúng tôi đành phải cắt giảm lao động gián tiếp. Tới đây khả năng rất cao là phải ngừng sản xuất, vì thiếu nguyên liệu".

Thanh Hóa: Chủ động tháo gỡ giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định việc làm cho người lao động  - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp ngành dệt may tỉnh Thanh Hóa mong muốn được giảm lãi suất vay, tăng hạn mức vay, gia hạn tiền thuế trong lúc khó khăn.

"Trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ thông qua các cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa", ông Thắng mong muốn.

Doanh nghiệp mong được giảm lãi suất, tăng hạn mức vay

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, ông Vũ Công Thắng cho biết: "Hiện các thành viên của Hiệp hội rất khó khăn. Cả tỉnh có khoảng hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc với khoảng 100 nghìn công nhân lao động. Chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp giúp các doanh nghiệp như: Giảm lãi suất vay, tăng hạn mức vay để trả lương cho người lao động, có vốn quay vòng duy trì sản xuất; giãn, gia hạn các khoản thuế đã đến hạn nộp; không phạt lãi suất đóng chậm bảo hiểm xã hội".

 Bà Trần Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông sản Phú Gia cho biết: Công ty sản xuất quy trình khép kín về thức ăn và chăn nuôi, tạo việc làm ổn định cho 150 công nhân lao động, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Từ khi có dịch Covid-19 công ty gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào là khoáng vi lượng, phụ gia nhập từ Trung Quốc. Mặc dù công ty đã xoay hướng sang nhập hàng từ thị trường Châu Âu nhưng giá khá cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, vốn thu hồi kém, dù vậy lãnh đạo công ty quyết tâm vượt khó, duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.

Giám đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng có dư nợ gốc hoặc lãi đến thời hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2020 cho đến khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đến này…

"Trong bối cảnh này, chúng tôi rất mong các cấp nhà nước quan tâm, hỗ trợ kịp thời như: hỗ trợ giảm lãi suất, tăng hạn mức vay để doanh nghiệp có vốn phát triển thêm sản xuất, duy trì việc làm cho lao động", bà Hiền kỳ vọng.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến ảnh hưởng trực tiếp tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngày 25/2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 207/THHI về việc "Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh do viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19)".

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn: "…Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến thời hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2020 cho đến khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đến này…"

Bài 2: Thanh Hóa: Chủ động gỡ khó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh