CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Bài 2: Thanh Hóa: Chủ động gỡ khó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất

Trao đổi với phóng viên báo Dân Sinh, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết, Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới các doanh nghiệp có lưu thông, thương mại với Trung Quốc, chủ yếu là hàng may mặc, da giầy. Đặc biệt là du lịch, xuất nhập khẩu nông sản.

Mặc dù có nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nhưng đa phần các doanh nghiệp vẫn đang khắc phục khó khăn, tự xoay sở để tìm cách tháo gỡ cho mình. Trên cơ sở đó, VCCI Thanh Hóa đã chủ động có báo cáo, đề xuất với tỉnh xem xét. Trong lúc khó khăn như thế này, tỉnh cần có kích lệ đầu tư trong bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp, đây là cơ hội để tỉnh cải cách thủ tục hành chính.

Bài 2: Thanh Hóa chủ động gỡ khó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất  - Ảnh 1.

Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu trao đổi với PV

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã không chịu khoanh tay ngồi một chỗ, mà họ đã vượt khó, chủ động tìm các nhà cung cấp nguyên liệu mới thay thế cho thị trường truyền thống trước đây.

Đối với VCCI Thanh Hóa đã chủ động có báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó có nội dung kiến nghị rất sát sườn. Cụ thể, VCCI Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp khác nhau, trước mắt tập trung vào một số giải pháp như:

Thành lập tổ công tác rà soát các dự án đã có chủ trương đầu tư, đang thực hiện thủ tục đầu tư, giải quyết sớm hơn về mặt thủ tục so với thời gian quy định để giúp doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện dự án, sớm triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để doanh nghiệp không cảm thấy bị phiền hà trong bối cảnh họ đang phải nỗ lực khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Khoanh nợ thuế, giãn thời gian nộp thuế; Giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh.

Chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020 và văn bản số 1117/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

VCCI Thanh Hóa đã chủ động kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn

VCCI Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của doanh nghiệp đang vay vốn tại ngân hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời xem xét có gói cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vực dậy hoạt động hậu dịch bệnh.

Tiếp tục rà soát cắt giảm bớt quy trình và thủ tục hành chính về đầu tư để khơi dậy tinh thần đầu tư của doanh nghiệp.

Bài 2: Thanh Hóa chủ động gỡ khó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất  - Ảnh 3.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa trao đổi với PV

Trước những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể công nhân, lao động sẽ mất việc làm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Vũ Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 70 doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), với 143 nghìn công nhân, lao động. Đây là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, chủ yếu sản xuất may mặc, da giầy có đối tác chủ yếu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan.

Nguyên liệu sản xuất đa phần các doanh nghiệp FDI nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên theo báo cáo từ công đoàn cơ sở, đến thời điểm này đa phần các doanh nghiệp vẫn đủ nguyên liệu đầu vào để duy trì sản xuất. Tất nhiên, có một vài bộ phận nhỏ cho công nhân làm việc 7h/ngày (trước đây 8h/ngày); có bộ phận được nghỉ thứ 7; bộ phận cho nghỉ phép năm. Đây cũng là cách để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong bối cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất; công nhân, lao động vẫn được hưởng chế độ lương, phụ cấp khác như trước đây. 

Có thể nói đến thời điểm hiện tại đa phần các công ty vẫn duy trì tốt việc làm cho công nhân, lao động. Các doanh nghiệp đã chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân, lao động đúng kỳ.

Tuy nhiên, báo cáo từ công đoàn cơ sở cho thấy, đến hết tháng 3/2020, nhiều doanh nghiệp sẽ hết nguyên liệu đầu vào. Trước thực trạng này, hiện các doanh nghiệp đang đưa ra các giải pháp lựa chọn nguyên liệu sản xuất từ các thị trường khác, thay thế cho thị trường Trung Quốc, nhằm bổ sung nguyên liệu kịp thời, chứ không thể để cho công nhân, người lao động nghỉ việc.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền cho người lao động hiểu, đây là yếu tố khách quan, chứ không phải chủ quan của doanh nghiệp. Vì vậy, người lao động phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn, trường hợp xấu nhất phải nghỉ việc thì cũng phải chấp hành, tuyệt đối không phản ứng, không kêu gọi đình công với doanh nghiệp.

"Với trách nhiệm của mình, sau khi nắm bắt thực tế phản ánh của người lao động thông qua công đoàn cơ sở; kể cả doanh nghiệp thông qua hội nghị giao ban, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét và có văn bản để gửi cho các cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người lao động và doanh nghiệp để gửi các sở, ban, ngành có liên quan giải quyết, tháo gỡ kịp thời"- ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng 3/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kimh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. “Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này; các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh