THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:33

"Chung chi" liên thông để vận chuyển gỗ lậu

 

Làm luật để vận chuyển gỗ

 Khi mới gặp D. giới thiệu tên đầy đủ là T. C. D. (SN 1983) trước đây làm cán bộ trong ngành viễn thông huyện Bảo Lạc, hiện đã chuyển công tác sang cơ quan khác cũng trên địa bàn huyện. Trong vai những người đi tìm mua gỗ quý hiếm, được D. khoe : “Nhiều người ở thị trấn Bảo Lạc đều lấy gỗ của tôi, người thì chuyển ra khỏi huyện, kẻ thì đóng đồ dùng. Nếu chuyển ra khỏi địa phương với số lượng ít thì đi chui, không phải “làm luật” chuyển bằng xe máy, cần thiết thì trực tiếp tôi lái xe tải đã hết niên hạn sử dụng để vận chuyển”. Cũng theo lời D, ở thị trấn Bảo Lạc ông chủ khách sạn Đức Tài lấy một tấn gỗ bừu kháo đóng một bộ bàn ghế và ốp tường toàn bộ văn phòng làm việc của doanh nghiệp. Được biết ông chủ khách sạn này hiện đang là Bí thư thị trấn Bảo Lạc???

Gỗ được cất dấu bằng cách dùng tấm bạt xanh che kín ở huyện Bảo Lâm.

Như muốn tạo lòng tin với chúng tôi, D. dẫn về ngôi nhà 3 gian cũ kỹ, giới thiệu nhà của anh ta, bên trong là bộ bàn ghế bằng bừu kháo, có người trả 160 triệu  nhưng anh ta không bán, nếu được 170 triệu đồng sẽ bán. Sau khi cho chúng tôi xem xong bộ bàn ghế, D dẫn sang quán phở gia đình có tên Thu Trang, do vợ anh quản lý. Tại đây anh trưng bày một bừu gỗ kháo, thông đỏ, một khúc gỗ ngọc am. Theo D,  thì đây chỉ là hàng trưng bày, để khi khách vào ăn, nghỉ, xem nếu thích, sẽ bán. Nhờ chiêu trưng bày này anh ta đã có nhiều phi vụ làm ăn lớn, bán được cả trăm khối gỗ quý.

Xem xong mẫu gỗ, D. bảo chúng tôi theo anh ta vào xã, nơi thu gom gỗ gửi tại thôn Tua Tổng (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc). Di chuyển khoảng 20km từ thị trấn vào Xuân Trường giữa trưa nắng, D dẫn chúng tôi vào hai hộ dân, thấy dưới sàn nhà là hàng tấn gỗ được gọi bừu nghiến, thông đỏ, kháo. Đó là gỗ dạng bừu (nu), còn mua gỗ dạng thanh thì giá khác. Gỗ kháo rộng 30 cm x dày 6cm x dài 2,2m có giá 6 triệu đồng một thanh, loại 20cm x 6cm x 2,2m giá 4 triệu đồng. Còn các loại bừu thì bán đổ đồng 40.000 đồng/kg, khúc nhỏ nhất phải có đủ cân nặng là 20kg.

Thấy chúng tôi bảo những loại gỗ này đắt, muốn tìm mua gỗ nghiến cho rẻ. D. bảo: “Gỗ nghiến lấy bao nhiêu cũng được, nhưng phải báo trước để tôi đi xem, vì loại gỗ này phải vào Bảo Lâm, hoặc sang Hà Giang mới có. Ở đây gỗ ngọc am còn khoảng 10 tấn, gần đây người ta rất hay mua bừu kháo, dạ hương, gù hương… để đóng bàn ghế nên tôi chủ yếu buôn loại này. Năm 2014, tôi chuyển hai chuyến về TP. Cao Bằng cho con của một lãnh đạo tỉnh, còn vận chuyển qua huyện Thông Nông để sang Trung Quốc thì nhiều lắm”. Thấy chúng tôi tò mò, vận chuyển thế nào để đưa gỗ ra khỏi  địa bàn mà không bị cơ quan chức năng thu giữ, xử lý. D. nhanh nhảu đáp: “Khi qua các cửa khẩu nhỏ như Cốc Pàng, khi chở gỗ đến chỉ cần gọi đồn trưởng đồn biên phòng ra xem, mặc cả chi mỗi chuyến vài chục triệu đồng. Hai chuyến năm ngoái tôi vận chuyển về TP.Cao Bằng, “làm luật” mỗi chuyến hết 30 triệu, đưa số tiền đó cho một nhân vật “uy tín” của Công an huyện Bảo Lạc, họ sẽ lo hết các cửa. Công an, kiểm lâm làm “luật” xong là Ok. Ở trên tỉnh thì làm luật với cảnh sát môi trường, kiểm lâm cơ động, quản lý thị trường...cũng Ok hết”.

Bên trong góc chợ huyện là nơi cất dấu gỗ của một số đối tượng.

Cũng theo lời D, nếu không muốn chuyển gỗ về tỉnh thì đi đường từ Bảo Lạc ra huyện Nguyên Bình, đến đoạn nhà nghỉ Phia Boóc rẽ phải qua đèo rồi sang thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) rồi về xuôi. Hoặc qua Bảo Lâm rồi qua huyện Bắc Mê (Hà Giang), là ổn. 

Kiểm lâm, công an tỉnh có xử lý?

Theo Nghị định 32/CP, đối với gỗ nghiến thuộc nhóm IIA hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, một số vùng chỉ có gỗ nghiến nếu không khai thác, thì lấy đâu ra gỗ mà dùng. Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng cũng đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, đồng thời các Hạt cũng phối hợp với chính quyền xã, và tham mưu cho UBND tỉnh công tác bảo vệ rừng. Hồi tháng 12/2014,  tôi(người viết) đến chúc Tết một số Hạt kiểm lâm và thấy tình trạng lợi dụng việc tận thu, đấu giá gỗ nghiến ở Sơn Lộ, nhiều người dân chặt phá diện tích lớn gỗ nghiến, nhưng hỏi thì Chi cục Kiểm lâm trả lời đang trực tiếp chỉ đạo các Hạt tiến hành kiểm tra, rà soát xử lý những người vi phạm???

Trước đó, năm 2007, có khoảng 9 cây nghiến lâu năm đã bị người dân chặt hạ, nhưng vụ việc đến năm 2010 mới phát hiện và thu hồi bàn giao cho xã, sau huyện Bảo Lạc đã ra quyết định bán đấu giá. Thực tế, ai cũng biết nếu cán bộ kiểm lâm địa bàn, chính quyền xã và người dân phối hợp chặt chẽ thì không ai có thể phá rừng được.  Trong việc bảo vệ rừng, kiểm lâm chỉ có trách nhiệm một phần, bên cạnh đó là trách nhiệm của địa phương. Theo Thông tư liên tịch số 98 giữa kiểm lâm, công an, biên phòng nêu quy chế phối hợp, nhưng chủ yếu là ở cấp tỉnh, xuống địa phương (xã, huyện) thì chưa có. Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang cũng đã ký quy chế phối hợp nhưng chưa có dấu đỏ, dù UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp xuống cấp huyện, xã, thôn, bản trong việc bảo vệ rừng gỗ quý hiếm.

Một xưởng cưa tích trữ khá nhiều gỗ ở thị trấn Pác Miầu(huyện Bảo Lâm).

 Chính quyền địa phương cho rằng, gỗ do người dân khai thác mang về làm nhà, nhưng dùng không hết họ đem bán. Việc tịch thu số gỗ đó thì không được, bởi họ để trong nhà, muốn kiểm tra phải có lệnh khám nhà, thông thường cứ 10 nhà có gỗ thì 2-3 nhà đem bán. Kiểm lâm trên địa bàn dù có danh sách nhưng không biết họ giao dịch lúc nào.???  Việc buôn bán gỗ lậu diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tình trạng khai thác diễn ra nhiều nhưng nóng nhất là sau tháng 8, vì khi đó con em đi học cần đóng tiền học, nên phụ huynh vào rừng, chặt cây, đốn gỗ là chuyện phổ biến.

Nhiều năm qua, việc phá rừng, buôn bán, vận chuyển gỗ quý hiếm đã trở thành vấn nạn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Sự việc đã được báo chí phản ánh nhiều lần, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, thực trạng này diễn ra ngày càng rầm rộ và tinh vi. Trước tình trạng trên, thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền tỉnh Cao Bằng cần nhìn nhận nghiêm túc và có những biện pháp hiệu quả, để kiểm soát tình trạng nêu trên. 

Hoàng Tưởng-Thanh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh