Thái Nguyên: Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thiết thực tri ân
- Người có công
- 13:16 - 08/06/2017
Bí thư tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ thăm, tặng quà gia đình chính sách.
Huy động các nguồn lực chăm lo người có công
Hiện nay, Thái Nguyên đang quản lý thực hiện chính sách ưu đãi với trên 130.000 người có công với cách mạng, chiếm 10,86% dân số. Trong thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Kết quả, đã trợ cấp thường xuyên cho trên 23.000 người; cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 300 người; tổ chức điều dưỡng luân phiên và hàng năm cho trên 16.000 người; mua BHYT cho trên 31.000 người; thực hiện trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho trên 23.000 người với tổng kinh phí trên 650 tỷ đồng/năm, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.018 hộ gia đình người có công…Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, từ đó đã tạo được sự ủng hộ và đồng thuận của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngày từ đầu tháng 3/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 Năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Theo đó, toàn tỉnh sẽ tổ chức một số hoạt động như: Tổng kết phong trào Đền ơn đáp nghĩa, biểu dương người có công, thân nhân người có công tiêu biểu; thăm, khám bệnh, cấp thuốc cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng; dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn thuộc Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn; thăm, tặng quà của tỉnh cho 100% hộ gia đình chính sách người có công, thương binh nặng đang nuôi dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng người có công; dâng hương, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ…
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bùi Tuấn Thịnh cho biết, năm 2017 là năm ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh hơn nữa công tác thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động thực hiện tốt chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Do đó, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân để huy động nguồn lực chăm lo cho người có công. Ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây mới, cải tạo nhà cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở; thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm sóc người có công gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền về các văn bản pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân chưa được sâu rộng; công tác xét duyệt hồ sơ đối với người có công còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều trường hợp bị mất hết giấy tờ; vẫn còn xuất hiện hồ sơ thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học giả mạo; việc huy động hỗ trợ, vận động ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” còn hạn chế...
Tu sửa các công trình nghĩa trang liệt sĩ
Ông Thịnh cho biết thêm, thời gian tới Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, các thương binh và gia đình liệt sĩ, đặc biệt là tuyên truyền về Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tập trung giải quyết các hồ sơ đối với người có công còn tồn đọng theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đồng thời, tăng cường tiếp nhận phản ánh đồng thời rà soát lại các đối tượng hưởng không đúng chế độ để có thể thu hồi hoặc đề xuất thu hồi chế độ, tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịp 27-7 tới, tỉnh Thái Nguyên chủ trương “Không để hộ gia đình chính sách nào khó khăn mà không được giúp đỡ. Về phía Mặt trận, ngoài trách nhiệm chủ trì, phối hợp, Mặt trận còn trực tiếp tổ chức các đợt vận động quyên góp, ủng hộ người có công trong toàn tỉnh. Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu vận động được 5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị. Trong đó, các huyện, thành phố trong tỉnh phấn đấu vận động được 3,5 tỷ đồng, các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh vận động khoảng 1,5 tỷ đồng.
“Mục tiêu đề ra như vậy, nhưng Mặt trận Thái Nguyên phấn đấu vận động càng nhiều càng tốt vì càng nhiều nguồn lực, các đối tượng chính sách, gia đình người có công được hưởng lợi càng lớn. Mặt trận dự kiến phối hợp với ngành công thương đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, miền núi. Mỗi một phiên chợ được tổ chức, chúng tôi sẽ trực tiếp hỗ trợ, tặng quà cho khoảng 10 gia đình, chính sách ở những điểm như thế. Như vậy, nếu tổ chức được 4 điểm, Mặt trận sẽ hỗ trợ cho khoảng 40 hộ gia đình. Còn đối với việc xây dựng nhà ở cho người có công, gia đình chính sách, Mặt trận tỉnh Thái Nguyên cũng đang phấn đấu hỗ trợ khoảng 30 nhà trở lên, trị giá mỗi căn nhà ước khoảng 50 triệu đồng”, ông Minh cho biết thêm.