THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:02

Tết Royah Hji ở làng Chăm An Giang

Từ lâu đời, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có người Chăm cư trú sinh sống tại các xã đầu nguồn của con sông Hậu, thuộc địa phận huyện: Tân Phú, An Phú, Châu Phú, Phú Tân và thị xã Tân Châu.

Tuy sống xen kẽ với người Kinh, nhưng người Chăm chủ yếu tập trung ở 9 làng, với dân số khoảng gần 20.000 người, sống bằng nghề dệt lụa, thổ cẩm truyền thống, buôn bán nhỏ, chài lưới, chăn nuôi và trồng trọt.

Những năm gần đây nhờ những chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu qủa, nên đời sống vật chất, tinh thần tại 9 làng Chăm được nâng cao. Tại huyện An Phú, có trên 70% hộ gia đình người Chăm có mức sống từ trung bình đến khá, giàu.          

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang làm cho diện mạo ở các làng Chăm ngày càng khởi sắc đi lên. Nhờ đời sống ngày một được nâng cao, nên những năm gần đây người Chăm tổ chức Tết truyền thống Royal Haji cũng tưng bừng, náo nhiệt hơn, các Thánh đường được trang hoàng lộng lẫy hơn.

Trong những ngày lễ hội Royal Haji, mọi người từ trẻ tới già, nam cũng như nữ đều mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình.

Sáng ngày khai lễ khoảng từ 7 giờ chỉ đàn ông con trai từ 15 tuổi trở lên tập trung tại các Thánh đường của làng mình để thực hiện nghi thức hành lễ (phụ nữ và trẻ em hành lễ tại gia).

Họ thực hiện bổn phận của tín đồ Hồi giáo với những quy định về giáo lý, giáo luật một cách tôn nghiêm, đầy thành kính. Sau đó, mọi người lần lượt bắt tay nhau và nói lời xin lỗi, xóa bỏ những lỗi lầm hay hiềm khích, nếu có trong năm cũ.

 Khoảng 10 giờ trưa, kết thúc buổi hành lễ, mỗi nhà đều mang đến Thánh đường một mâm cơm, để tất cả đàn ông con trai cùng ăn một bữa cơm thân mật, chúc mừng năm mới.

 Hàng năm sau khi kết thúc tháng ăn chay Ramadam là đồng bào Chăm An Giang chính thức bước vào vui Tết truyền thống Royah Hji

Bữa cơm với rất nhiều món ẩm thực mang tính truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm, nhưng tuyệt đối không có bia, rượu, hay thức uống có men gây say (theo quy định của đạo Hồi).

Những ngày này, mọi người trong các làng Chăm khi ra đường gặp nhau đều nói câu “am má” nghĩa là “xin tha thứ” và người kia cũng đáp lại như vậy. Tất cả đều vui vẻ toát lên tình nhân ái, vị tha, đoàn kết của cộng đồng người Chăm nơi đây.

Theo một giáo cả cho biết, trong những ngày Tết truyền thống  Royal Haji, người Chăm An Giang còn thực hiện nghi lễ Qur ban, thịt một con vật như bò, dê để làm lễ dâng tế thánh Allah, sau đó được chia đều cho cả cộng đồng người Chăm trong làng cùng thưởng thức.

Được biết, những năm gần đây vào dịp lễ Royah Haji các làng Chăm An Giang được hỗ trợ hàng trăm con bò để dùng vào nghi lễ Qur ban.

Trong dịp này, những người Chăm trong làng làm ăn khá giả, sẽ trích ra một khoản tiền rồi đích thân đi tới những hộ nghèo để chia sẻ, giúp đỡ trực tiếp.

Bằng những việc làm nghĩa tình thiết thực ấy, nên cộng đồng người Chăm trong các làng rất gắn bó mật thiết với nhau và gọi lễ hội Royah Haji là “Royah yêu thương” là vậy.  

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh