Tiếng đàn Goong Tây Nguyên kết mọi người lại gần nhau hơn
- Văn hóa - Giải trí
- 13:35 - 02/10/2017
Bản nhạc tâm tình
Trong ánh chiều tà, đi dọc các buôn A, B, C của thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - nơi người dân tộc Ja Rai sinh sống, ta sẽ được hoà mình vào âm hưởng du dương thánh thót, lúc cao vút, lúc trầm bổng. Trên bậc thềm ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, gốc đàn chống vào bụng, đôi mắt lim dim chìm đắm trong bản nhạc êm ái, đó là nghệ nhân Y Coh Hra hay gọi là Ma Pho (59 tuổi, buôn C1, thị trấn Ea Súp). Dứt tiếng đàn, ánh mắt xa xăm: “Cây đàn Goong là người bạn tâm tình của người dân tộc Ja Rai chúng tôi, những cặp trai gái nên duyên vợ chồng đều nhờ đàn Goong. Vào những đêm trăng sáng trai gái thôn bản ngôi quay quần bên bếp lửa, những cô gái say sưa nghe những bản nhạc tâm tình của các chàng trai. Trong những dịp lễ hội của đồng bào nơi đây không thể thiếu tiếng đàn Goong, âm thanh ấy lúc rạo rực như tiếng chim Chơ Rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, hiền dịu như suối chảy róc rách. Tiếng đàn Goong đã tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, đã cố kết mọi người lại gần nhau hơn, tạo nên không khí mùa xuân, không khí lễ hội của cả buôn làng, của cộng đồng Tây Nguyên".
Nghệ nhân Y Bung Hra chỉ cách làm một cây đàn Goong
Ông mân mê cây đàn, đôi mắt xa xăm: “Ngày xưa tiếng đàn Goong có mặt ở mọi nơi, theo bước chân các chàng trai, cô gái trên đường đi nương rẫy, kề bên nhau tâm sự trong ngày lễ hội ở buôn làng. Tiếng đàn Goong đầy tình tự bây giờ liệu còn ai nghe không khi thanh niên giờ chỉ mê những âm thanh sôi động của những dòng nhạc sống, mê xem ti vi hơn mê đàn? Goong có còn vang tiếng trong những đêm xuân để trai gái lại gần với nhau? Mang nặng câu hỏi ấy trong lòng nên mỗi khi ôm đàn, ông đánh bằng cả niềm tiếc nuối khôn nguôi.
Cách đó vài ngôi nhà, trên bậc cửa ngôi nhà xây cấp 4, nghệ nhân Y Bung Hra, năm nay đã bước sang tuổi 107, đôi tay nhẹ nhàng lướt nhẹ bản nhạc êm ái, già chia sẻ: "Đàn Goong do ông bà mình sáng tạo ra để gửi gắm nỗi lòng vào đó. Nỗi lòng ấy là niềm vui, nỗi buồn bật thành câu hát, Goong biến những bài hát xưa cũ ấy thành tiếng đàn thánh thót. Có người nghe hiểu hết, có người lại khó cảm được. Đàn Goong độc đáo vì chuyển tải kho tàng âm nhạc của người Gia Rai một cách giản dị, tự nhiên. Đó là kho báu về văn hóa dân tộc mà ông bà để lại, là những lời tự sự, là tiếng lòng sâu kín không dễ giãi bày nhưng mang tính giáo dục cao. Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có khoảng 7-8 người có thể sử dụng đàn Goong một cách thành thạo. Tuy nhiên, đàn goong đang đứng trước nguy cơ mai một, dần rơi vào quên lãng".
Nghệ nhân Y Coh Hra say sưa đánh đàn Goong.
Nghệ nhân mở xưởng mỹ nghệ, bảo tồn văn hóa
Nghệ nhân Rơ Châm Tih người dân tộc Ja Rai (SN 1973) ở làng Jút, xã Iadêr, huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai đam mê các loại nhạc cụ dân tộc mộc mạc và tinh tế của đồng bào Tây Nguyên. Ông mở lớp dạy nghề, lập xưởng sản xuất mỹ nghệ vừa bảo tồn văn hóa, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Rơ Châm Tih chia sẻ về cơ duyên với lĩnh vực kinh doanh đồ mỹ nghệ: Người nước ngoài rất thích âm thanh mộc mạc mà mê hoặc phát ra từ quả bầu khô, ống lồ ô, tre nứa. Một lần vào TPHCM biểu diễn, có vị khách thích cây đàn t’rưng bèn hỏi mua với giá 300 nghìn đồng. Ông đồng ý, ý định kinh doanh hình thành từ đó. Năm 2000, Rơ Châm Tih được nhà nước hỗ trợ dựng một ngôi nhà sàn tại khu đất rộng ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku để thành lập hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ. Sau đó ông chuyển cơ sở sản xuất về gần nhà, tiện quản lý.
Nghệ nhân Rơ Châm Til (bìa trái) giới thiệu đàn Goong với du khách nước ngoài
Rơ Châm Tih yêu tiếng đàn Goong trầm bổng, ông luôn đau đáu về loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của người dân tộc Ja Rai. Ông tình nguyện dạy chế tác, sử dụng nhạc cụ miễn phí cho nhiều thanh thiếu niên trong làng, hướng dẫn học trò tỉ mẩn từng thao tác để tạo ra sản phẩm tinh xảo. “Để làm một chiếc đàn Goong không khó, trước tiên cần chọn một ống nứa hoặc tre thật già có chiều dài 70 – 80 cm, hong khô trên gác bếp lửa, từ 1-2 quả bầu khô, to, tròn được lấy ruột phơi khô, 12 dây kẽm hoặc dây đàn ghi ta và một ít tre hoặc gỗ để làm tai đàn. 2 đầu được gắn 2 quả bầu khô giúp âm thanh của đàn được to và trong hơn so với 1 bầu. Để sử dụng được đàn Goong, người học phải luyện tập ít nhất từ 2-3 tháng làm quen các nốt trầm bổng của đàn và sau đó mới bắt đầu học và đánh theo các bài hát tâm tình mà các già làng thường đánh. Khi đánh gốc đàn được chống vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn vừa dùng ngón tay đánh”, nghệ nhân Rơ Châm Til chia sẻ.
Nhà thơ Văn Công Hùng – người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên nhận xét: Rơ Châm Tih là người đa tài. Tih vừa là nghệ nhân chế tác, biểu diễn nhạc cụ, vừa làm thầy dạy kiêm nhà kinh doanh đồ mỹ nghệ. Mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm ổn định của Tih rất hay, giúp người dân có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với nhạc cụ cổ truyền, như vậy công tác bảo tồn văn hóa mới bền vững.