THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:40

Nghệ nhân người Cill giữ gìn nghề thổ cẩm

Bà Ha Bông cho biết' "Nghề dệt thổ cẩm chính là linh hồn của dân tộc Cill và Cơho ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Chị em dân tộc thiểu số ở xã Lát chúng tôi làm cái nghề này, trước hết là vì nghề truyền thống phải gìn giữ. Còn bảo rằng dệt thổ cẩm để đổi lấy gạo thì khó lắm! Có những chị ở làng Bnơ C này được tổ chức hội phụ nữ huyện, xã đưa về tận làng dệt Chăm ở Ninh Thuận tập huấn, học nghề...; đến khi về, tay nghề vào hạng đẳng cấp cao trong làng nhưng vẫn không thể sống bằng nghề dệt thổ cẩm ấy thế nhưng vì không muốn nét đẹp của dân tộc, của cộng đồng bị phai phôi nên có khó, có khổ mấy cũng phải gìn giữ và xem đó là điều hạnh phúc”. Bà Bông cũng cho biết, có những đợt gạo trong nhà chỉ còn có vài lon nhưng có hội thi hay hội diễn văn nghệ ở địa phương bà lại tình nguyện ra trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho hàng trăm du khách xem. Bởi những nghệ nhân thuần thục nghề thổ cẩm như bà còn rất ít.

 

              Nghệ nhân Ha Bông

Con dâu bà Ha Bông là Ka Chương cũng được bà Ha Bông miệt mài truyền nghề thổ cẩm cho. Chị Chương bảo, nghề máu thịt của cộng đồng, không ai mặn mà nữa thì các tầng lớp sau sẽ không biết đến các đường nét tinh hoa của dân tộc mình mất thôi. Rồi, noi theo gương mẹ, bà Chương lại truyền lại cho lớp trẻ. Bà Ha Bông kể, coi như tâm huyết mình có người tiếp nhận rồi. Nó (chỉ chị Chương) chỉ bảo bày vẽ cho mấy đứa con gái nhỏ trong xã đâu vào đó lắm. Ngày xưa tôi lặn lội đi xuyên các cánh rừng Tây Nguyên học hỏi được bao nhiêu kinh nghiệm thì giờ đây truyền hết cho các thế hệ sau thôi.

Thỉnh thoảng, ngày cuối tuần những thợ dệt lành nghề như bà Ha Bông lại dẫn theo nhiều phụ nữ khác đến các điểm du lịch để trình diễn. Họ dệt ở đó, ở chỗ có đông du khách, trước hết là để giữ nghề, sau đó là còn nhằm mục đích giới thiệu với du khách về nghề truyền thống của người Cill. Cô bé Chil Ben năm nay chưa đến mười tuổi nhưng có đến hơn 5 năm được bà Ha Bông truyền dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm tâm sự, được học cái nghề này từ sớm thích lắm. Học nghề dệt được sản phẩm đẹp nên càng thích hơn. Không cần phải đi đâu chơi xa hay không cần phải chơi ở quán Internet mất thời gian mà chỉ tập chung học dệt thôi.

 

         Sản phẩm bà Bông dệt nên rất đẹp

Theo bà Ha Bông, trong nhiều năm qua, chính quyền từ cấp xã, cấp huyện, đến cấp tỉnh và cấp trung ương đều có nhiều cố gắng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó của đồng bào dân tộc thiểu số. Và thổ cẩm chính là một nét chấm phá trong chuỗi giá trị ấy. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra quyết định công nhận làng nghề dệt thổ cẩm ở Lạc Dương đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Tuy nhiên cho đến năm 2017 này, các chính sách ưu tiên phát triển các làng nghề, các nghệ nhân như bà Ha Bông vẫn chưa được quan tâm mạnh mẽ. Đặc biệt, các sản phẩm dệt vẫn còn thiếu đầu ra đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nghề dệt thổ cẩm vẫn chưa phát huy hết được bản sắc của mình. 

THI HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh