THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:25

Tạo điều kiện hơn nữa cho người thất nghiệp tham gia học nghề

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp

 

Thứ trưởng cho biết, chính sách BHTN quy định trong Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách BHTN trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009). Đây là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ, duy trì phát triển việc làm, ngăn ngừa thất nghiệp; thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động chóng tìm được việc làm mới. Đồng thời, người lao động còn được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Sau gần 9 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, là công cụ quản trị thị trường, đem lại lợi ích cho người lao động và người sử dụng, từng bước xã hội hóa nguồn hình thành Qũy BHTN, phù hợp với thông lệ quốc tế và kinh nghiệm các nước đã thực hiện thành công chính sách bảo hiểm việc làm/bảo hiểm thất nghiệp; được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Tính đến thời điểm này, đã có bao nhiêu người được hưởng chính sách BHTN, thưa Thứ trưởng?

Về số người tham gia BHTN, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì số người tham gia BHTN liên tục tăng qua các năm: nếu như năm 2009 mới có 5,993 triệu người tham gia BHTN thì đến năm 2016 đã tăng lên 11,061 triệu người (tăng 84,5%). Tính đến hết tháng 9/2017 số người tham gia BHTN là 11,262 triệu người (bằng 85,6% so với số người tham gia bảo hiểm xã hội).

Về tiếp nhận và giải quyết hưởng các chế độ BHTN gồm:

Tư vấn, giới thiệu việc làm: Số lượt người được tư vấn chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng TCTN và có xu hướng tăng theo từng năm: tính đến tháng 11/2017 tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 3.944.283 người bằng 110% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Chỉ tính riêng tháng 11/2017, số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm bằng 162% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Một số địa phương có tỷ lệ người được tư vấn, giới thiệu việc làm cao là Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng...

Hỗ trợ học nghề: Theo báo cáo của các địa phương thì tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan lao động tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số lượng người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm: Tính đến hết tháng 11/2017 số người được hỗ trợ học nghề là 121.560 người. Riêng tháng 11/2017, số người được hỗ trợ học nghề là 32.185 người, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 12,7% so với trung bình năm 2016. Một số địa phương có số người có quyết định hỗ trợ học nghề nhiều là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Nội...

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Đây là một chế độ hỗ trợ người lao động thông qua người sử dụng lao động để phòng ngừa nguy cơ thất nghiệp, duy trì việc làm đối với người lao động tham gia BHTN. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, chưa có người sử dụng lao động nào có nhu cầu hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trợ cấp thất nghiệp: Tính đến tháng 11/2017, số người hưởng TCTN là 3.572.422 người. Số người tham gia BHTN tăng nên số người có quyết định hưởng TCTN có xu hướng tăng qua từng năm (năm 2016 tăng 13% so với năm 2015; 11 tháng đầu năm 2017 tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số những người có quyết định hưởng TCTN thì người lao động ở độ tuổi 24-40 chiếm tỷ lệ cao, lao động nữ mất việc làm nhiều hơn lao động nam. Một số địa phương có số người hưởng TCTN cao là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa, Long An... Các địa phương có ít người hưởng TCTN là Điện Biên, Lai Châu,...

Người lao động nộp đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TT DVVL Thái Bình

Bảo hiểm y tế: 100% người đang hưởng TCTN đều được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh và sớm trở lại thị trường lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2010 tổng chi các chế độ BHTN là 457,11 tỷ đồng thì đến năm 2016 chi các chế độ BHTN là 5.171 tỷ đồng; Kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2016 là 58.668 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Qũy vẫn đảm bảo an toàn.

Quá trình thực hiện chính sách BHTN đã cho thấy, hiện mức hỗ trợ học nghề khá thấp so với nhu cầu thực tế. Xin Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, có sự thay đổi  nào về chính sách để phù hợp hơn?

Thực tế, theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, người lao động có nhu cầu học các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, tin học văn phòng, lái xe, thiết kế quảng cáo,.. với thời gian ngắn để có nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm nhanh chóng có thể tìm kiếm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Khi xây dựng Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá mức chi phí học nghề hiện hành để đưa ra mức hỗ trợ học nghề phù hợp, cơ bản đáp ứng được mức học phí của các nghề phổ biến mà có nhiều người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Với một số nghề có mức học phí cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì người lao động phải bỏ một phần chi phí khi tham gia khóa học nghề.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg theo hướng thay đổi mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ học nghề nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người thất nghiệp khi tham gia học nghề

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ có biện pháp để cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người lao động; phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh