Bình Dương: Giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp
- Bài thuốc hay
- 00:15 - 22/12/2017
- Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ người lao động tìm việc làm, ổn định cuộc sống
- Cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
- Quyết liệt thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp
- Nghiên cứu "phủ sóng" chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho lao động phi chính thức
Chú trọng đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Bình Dương, năm 2016 Bình Dương có 60.439 người nộp hồ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh (Trung tâm) đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 60.880 lao động và có 2.327 người được hỗ trợ học nghề. So với những năm trước, số lượng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề tăng khá cao. Trung tâm đã liên kết với 3 trường nghề trên địa bàn tỉnh, đây đều là các sở dạy nghề công lập có uy tín lâu năm, 100% nghề được đào tạo là trình độ nghề sơ cấp, những nghề được chọn để tư vấn cho người thất nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp địa phương.
9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có hơn 45.100 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp có khoảng 97% (43.745) số người lao động được hưởng chế độ thất nghiệp. Đồng thời có xấp xỉ 100% (khoảng 45.000) lao động thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, trong khi đó lao động được hỗ trợ học nghề tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp rất được Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương quan tâm, quán triệt từ khâu tiếp nhận hồ sơ, tư vấn nghề, đến khâu đào tạo đều được chú trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đây là một trong những Trung tâm có sự đầu tư cho công tác đào tạo nghề và đạt hiệu quả nhất trên cả nước. Thống kê cho thấy, số lượng người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề tại Trung tâm tăng dần qua các năm: năm 2014 là 1.302 người, năm 2015 là 1.411 người, năm 2016 là 2.327 người (tăng 164.9 % so với cùng kỳ năm trước).
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, với mục đích giúp người lao động vừa thất nghiệp có trong tay một nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, giúp họ dễ dàng tìm được việc làm sau học nghề, hiện tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đang hỗ trợ đào tạo 22 nghề sơ cấp cho người thất nghiệp, cụ thể như Điện công nghiệp – dân dụng, bảo trì máy may công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, lái xe ô tô, thiết kế tạo mẫu tóc, nấu ăn đãi tiệc, vi tính văn phòng, pha chế thức uống, kế toán doanh nghiệp…; trong đó tỷ lệ học viên đăng ký học nghề lái xe ô tô nhiều nhất chiếm tới trên 40%, tiếp theo là các nghề như điện công nghiệp, bảo trì máy may công nghiệp... Bắt kịp với nhu cầu liên tục thay đổi của thị trường lao động Trung tâm còn mở thêm một số nghề mới như: phiên dịch tiếng Hàn (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hoa) thương mại…
Để đảm bảo chất lượng học viên học nghề, Trung tâm đã đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho các tiết thực hành nghề tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. Khi tham gia các khóa học nghề, học viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản, được tiếp xúc với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, kinh nghiệm, được thực hành lên đến 70% thời gian học. Sau khóa học, học viên yên tâm với tay nghề vững chắc, được đào tạo bởi các trường nghề uy tín, hoc viên lại tiếp tục được Trung tâm hỗ trợ tìm việc làm phù hợp với năng lực và tay nghề.
Người lao động đăng ký tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương
Được sự đồng ý của Sở LĐ-TB&XH tỉnh và Sở Nội vụ Bình Dương, Trung tâm đã thành lập Câu lạc bộ Nhân sự Bình Dương thu hút sự tham gia của đông đảo người làm công tác nhân sự tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là cầu nối giữa doanh nghiệp và Trung tâm. Việc kết nối này có ý nghĩa rất lớn trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp sau học nghề, tiến tới ký kết dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đây được coi là giải pháp quan trọng giúp người thất nghiệp lựa chọn đúng nghề thị trường lao động đang cần, giúp họ sớm có việc làm sau học nghề, có thu nhập ổn định nâng cao đời sống người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng quy trình thực hiện chính sách BHTN theo “mô hình một cửa”
Ngoài trụ sở chính, để tạo thuận lợi hơn cho người lao động, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương mở 3 chi nhánh vệ tinh đặt tại các huyện Bến Cát, Dĩ An và Tân Uyên để tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN.
Để giúp người lao động cũng như người sử dụng lao động hiểu rõ được quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi tham gia BHTN, hay những lợi ích của dịch vụ việc làm công, Trung tâm luôn chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp cho người lao động tại Trung tâm, tại các sàn giao dịch việc làm; tuyên truyền bằng các tài liệu in như sổ tay, tờ rơi, áp-phích tại các điểm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp; tuyên truyền qua website của Trung tâm, qua các hội nghị do Trung tâm tổ chức…
Trung tâm cũng trang bị hệ thống máy tra cứu thông tin đa năng phục vụ cho người lao động cũng như doanh nghiệp đến Trung tâm có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin cần thiết trước khi giao dịch, điều này đã góp phần giảm tải thời gian hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho cho người lao động về chính sách và quy trình tư vấn giới thiệu việc làm, giải quyết hưởng BHTN và hỗ trợ học nghề.
Hiện nay, các ngành nghề người thất nghiệp cần được hỗ trợ học khá đa dạng, nhu cầu tìm việc làm mới, ổn định cũng tăng. Đáp ứng đòi hỏi đặt ra, Trung tâm đã áp dụng mô hình một cửa liên thông về tư vấn giới thiệu việc làm, BHTN, học nghề đạt hiệu quả và nâng cao số lượng cũng như chất lượng phục vụ người lao động. Năm 2017, ngoài việc tập trung giải quyết chế độ BHTN theo quy định Trung tâm đặc biệt chú trọng đến các hoạt động thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTN đến đông đảo người lao động – nhất là ở các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. Cùng với đó là phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.