Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ người lao động tìm việc làm, ổn định cuộc sống
- Bài thuốc hay
- 23:33 - 18/12/2017
Giúp lao động tìm việc mới
Từng là một trong những lao động bị mất việc do công ty cắt giảm nhân sự, Chị Nguyễn Mai Loan xã Minh Hoàng, Phù Cừ, Hưng Yên đã sớm tìm được việc làm mới tại phiên giao dịch việc làm của tỉnh. Chị Loan cho hay, trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp chị đã nhận được thông báo của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Hưng Yên mời đến tham gia buổi tư vấn về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tại đó, chị đã được nhân viên của công ty TNHH Nhựa An Phú Việt đóng trên địa bàn huyện Mỹ Hào tư vấn các chế độ phúc lợi và các yêu cầu công việc tại công ty. Nhận thấy chế độ phúc lợi khá tốt và công việc phù hợp với bản thân nên chị đã quyết định gửi hồ sơ và được nhận vào làm tại công ty. Hiện nay, mỗi tháng thu nhập của chị ổn định ở mức 7 triệu đồng.
Tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp.
Còn với anh Dương Thành Chung, quê ở xã Dị Sử (Mỹ Hào) trước đây từng làm việc tại Công ty TNHH sản xuất thùng xe chuyên dụng KPI. Nhưng do một số lý do cá nhân anh đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty và nộp hồ sơ tại Trung tâm giới thiệu việc làm để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Sau khi nhận trợ cấp và được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu khóa học nghề cơ khí, anh đã quyết định tham gia. Sau khi học xong, anh đã mở cửa hàng cơ khí tại nhà phục vụ bà con trong xã ổn định kinh tế gia đình.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Hiệp, Từ ngày 1/1/2010, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị định số 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Trung tâm đã bố trí cơ sở vật chất, cán bộ, cũng như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm thực hiện tốt chính sách BHTN. Ngay trong năm đầu tiên đã có 464 người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 274 người có quyết định hưởng BHTN, số người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm là 415 người. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, nhằm tạo thuận lợi cho người lao động, Trung tâm đã mở văn phòng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này đã có 26.872 lượt người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 24.955 lượt người có quyết định hưởng BHTN, số người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm là 32.487 lượt người.
“Điểm quan trọng là khi Trung tâm Dịch vụ việc làm duy trì hoạt động của sàn giao dịch việc làm và được bổ sung nhiệm vụ thực hiện chính sách BHTN đã tạo thành chuỗi giá trị trong quy trình khép kín của vòng tròn cung - cầu lao động. Người lao động sau khi được định hướng nghề nghiệp, có thể tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm” – ông Hiệp cho biết thêm.
Tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin tuyển dụng
Nhằm đưa các thông tin tuyển dụng đến gần hơn với người lao động, đặc biệt là lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các vùng nông thôn, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả giúp lao động mất việc sớm trở lại thị trường lao động.
Lao động khai báo thất nghiệp.
Bà Ngô Thị Hải Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 6.277 người lao động đến Trung tâm để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 53 hồ sơ của người ở địa phương khác; Trung tâm đã trình Lãnh đạo Sở ký Quyết định cho 6.023 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 6.285 người; phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề cho 397 người lao động… Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm diễn ra vào thứ 5 hàng tuần tại Sàn giao dịch Việc làm Bắc Ninh và tại các Sàn giao dịch việc làm lưu động ở nhiều cơ sở, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc kết hợp tư vấn, tiếp nhận và giới thiệu việc làm mới cho người lao động mất việc làm. Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở thực hiện hỗ trợ, đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu nhằm giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm mới ngay khi kết thúc khóa đào tạo... “Thời gian tới, Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm mới nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho người lao động khi bị mất việc ổn định cuộc sống và tìm kiếm công việc mới” – bà Thanh cho biết.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2009 là năm đầu thực hiện chính sách BHTN theo quy định của Luật BHXH 2006, số người tham gia mới đạt trên 5,9 triệu người, thì đến tháng 9/2017 số người tham gia lên trên 11,26 triệu người, chiếm tới 85,6% trên tổng số người tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, chi TCTN gần 742 ngàn lượt người, tăng 22,74% so với cùng kỳ năm 2016; chi hỗ trợ học nghề cho 39.903 người, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2016, bằng 5,38% so với số người hưởng TCTN.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm cho biết, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp đã có 230 điểm tiếp nhận và ủy thác tại các quận/huyện với tổng số cán bộ nhân viên thực hiện bảo hiểm thất nghiệp là 1.507 người. Trong thời gian tới, các Trung tâm dịch vụ việc làm phải tiếp tục đảm bảo giải quyết đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn cho người lao động (LĐ) đối với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đối với người LĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cập nhật tình hình biến động LĐ của các DN trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt giữa các ngành LĐ-TB&XH, Bảo hiểm Xã hội, công đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,… trong việc tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình giải quyết Bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cập nhật tình hình biến động lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.