THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Tăng cường chính sách xác nhận, trợ giúp xã hội đối với trẻ tự kỷ

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Phòng Chính sách trợ giúp xã hội, Cục Bảo trợ xã hội cho biết, sẽ sửa đổi một số quy định nhằm hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật, trẻ tự kỷ. Ảnh: XQ

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Phòng Chính sách trợ giúp xã hội, Cục Bảo trợ xã hội cho biết, sẽ sửa đổi một số quy định nhằm hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật, trẻ tự kỷ. Ảnh: XQ

Những vướng mắc trong xác nhận khuyết tật của trẻ tự kỷ

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tính đến năm 2022 ở Việt Nam có hơn 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ và gia tăng trong thời gian vừa qua. Mặc dù trẻ tự kỷ được pháp luật công nhận là một dạng khuyết tật và được bình đẳng trong tiếp cận hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước như các trẻ em khuyết tật khác. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này vào cuộc sống vẫn còn nhiều trở ngại cần được thống nhất và tháo gỡ.

Một trong những khó khăn đó là việc xác nhận khuyết tật cho trẻ tự kỷ. Mặc dù trẻ tự kỷ được công nhận là một loại khuyết tật, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào giải thích rõ ràng đó là loại khuyết tật gì. Luật NKT nêu rõ trẻ tự kỷ cũng được coi là NKT bởi về dạng tật, nhưng Điều 3 Luật NKT thì chỉ nêu có 6 dạng tật gồm: Khuyết tật vận động; nghe, nói; nhìn; thần kinh, tâm thần; trí tuệ và khuyết tật khác. Trong Luật NKT cũng như Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật này đều không đề cập đến cụm từ tự kỷ và thực tế, tự kỷ cũng bị lồng ghép vào các dạng khuyết tật chung nêu trên mà không được phân cụ thể vào dạng tật nào.

Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chia sẻ ý kiến tại một Hội thảo nhằm bổ sung,hỗ trợ chính sách cho người khuyết tật. Ảnh: XQ

Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chia sẻ ý kiến tại một Hội thảo nhằm bổ sung,hỗ trợ chính sách cho người khuyết tật. Ảnh: XQ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, đại diện nhóm chuyên gia đến từ Mạng lưới trẻ tự kỷ Việt Nam cũng chia sẻ: Khi triển khai Luật NKT cho thấy, quy định pháp luật hiện hành còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ về mức độ khuyết tật. Một số địa phương chỉ cấp giấy chứng nhận khuyết tật đối với những trẻ bị khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng, chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trẻ khuyết tật nhẹ dù đã tham gia xác nhận khuyết tật.

Cũng do chính sách chưa đầy đủ, rõ ràng và nhận thức của cán bộ địa phương trong việc xác nhận trẻ khuyết tật còn hạn chế nên một số địa phương đã từ chối làm giấy xác nhận khuyết tật cho trẻ tự kỷ, làm ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận các dịch vụ trợ cấp xã hội cho nhóm đối tượng này. Ngoài ra, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật còn thiếu đại diện cơ sở giáo dục trong việc đánh giá, phân loại, nên việc xác nhận trẻ KT gặp nhiều khó khăn

Cũng theo bà Yến, trong Luật NKT về xác định dạng tật có yêu cầu “kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về rối loạn phổ tự kỷ hoặc các loại bệnh hiếm”, nhưng không có danh mục bệnh hiếm để Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã, phường đối chiếu thực hiện. Nhiều trường hợp NKT đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, tuy nhiên trong khoảng thời gian 05 năm (đối với trẻ từ đủ 6 tuổi trở lên), hoặc 03 năm (đối với trẻ dưới 6 tuổi), có thay đổi dạng khuyết tật hoặc mức độ khuyết tật (như nặng hơn, hoặc đã phục hồi) thì Hội đồng Giám định y khoa không xác định lại những trường hợp này vì thời hạn của biên bản lần 1 nên không có căn cứ để cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật. Một số trường hợp khi Hội đồng xác định mức độ khuyết tật kết luận mức độ khuyết tật nhẹ, nhưng khi ra Hội đồng giám định y khoa lại kết luận mức độ là đặc biệt nặng… gây khó khăn, cản trở cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã và gây bức xúc trong dư luận.

Trẻ tự kỷ được tham gia các lớp hướng nghiệp, học nghề tại nhiều trung tâm giáo dục trên cả nước. Ảnh: XQ

Trẻ tự kỷ được tham gia các lớp hướng nghiệp, học nghề tại nhiều trung tâm giáo dục trên cả nước. Ảnh: XQ

Hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ tự kỷ

Bên cạnh những bất cập trong việc xác định tình trạng khuyết tật đối với trẻ tự kỷ, một số những vấn đề được người dân và các cấp quản lý quan tâm đó là việc nhận diện nhóm đối tượng NKT khó khăn trên địa bàn; giải quyết những thách thức trong tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho NKT tại địa phương; đề xuất giải pháp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; quy trình tham mưu xây dựng chính sách an sinh xã hội cho NKT…

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Phòng Chính sách trợ giúp xã hội (Cục Bảo trợ xã hội), Cục Bảo trợ xã hội đang xem xét, sửa đổi một số nội dung nhằm bổ sung đối tượng trợ giúp xã hội là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được quy định hưởng chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm: trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc trẻ em; trẻ em có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em…

Đây cũng là ý kiến chung của các chuyên gia và các bên liên quan. Theo đề xuất của ngành y tế và giáo dục, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ và trẻ bị rối nhiễu tâm trí theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về giáo dục, giáo dục hoà nhập, giáo dục chuyên biệt  đối với trẻ tự kỷ và trẻ rối nhiễu tâm trí tại cơ sở trợ giúp xã hội, gia đình và cộng đồng, giáo dục từ xa. Bảo đảm phổ cập giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí từ trung ương đến địa phương, phù hợp với nhu cầu đa dạng của trẻ tự kỷ và trẻ rối nhiễu tâm trí…

Đặc biệt nghiên cứu xây dựng bộ công cụ sàng lọc trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và trẻ rối nhiễu tâm trí cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trợ giúp xã hội.

Quang Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh