THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:07

Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh: Nơi trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí có cơ hội được phát triển

Can thiệp cá nhân cho trẻ rối nhiễu tâm trí.

Can thiệp cá nhân cho trẻ rối nhiễu tâm trí.

Thắp sáng tương lai cho trẻ

Trong giai đoạn năm 2019-2021, được sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm CTXH, đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH đã triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh”.

Trong 03 năm thực hiện đề án, Trung tâm CTXH đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa, tạo dựng được niềm tin, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của các bậc phụ huynh có trẻ em RNTT, tự kỷ trên địa bàn tỉnh, với các nhiệm vụ như: Truyền thông giới thiệu hoạt động, nhiệm vụ của đề án tơi cộng đồng; tập huấn kiến thức, kỹ năng cho người chăm sóc, cho nhân viên làm việc với trẻ tự kỷ, RNTT trên địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện sàng lọc đánh giá và trị liệu tâm lý cho trẻ tại Trung tâm, với kết quả cụ thể như: Truyền thông, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, RNTT, trợ giúp xã hội cho người tâm thần, RNTT cho giáo viên, học sinh tại 120 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với tổng số người tham dự hơn 7.200 người tại Thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, Đông Triều, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà và huyện Vân Đồn.

Tổ chức 06 lớp tập huấn phương pháp chăm sóc, trị liệu tâm lý mới với các giảng viên, chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm giảng dạy như trị liệu về ngôn ngữ, âm nhạc trị liệu, chế độ dinh dưỡng... với 230 lượt người tham gia là các thành viên trong Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ để hướng dẫn phụ huynh can thiệp, trị liệu tâm lý cho trẻ tại nhà. Đó là những phụ huynh có trẻ tự kỷ, RNTT; những nhân viên thuộc các cơ sở tư nhân đang thực hiện công tác trị liệu cho trẻ tự kỷ, RNTT, giáo viên mầm non của các trường mầm non, các đơn vị sự nghiệp công lập như Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, Trung tâm phục hồi chức năng tỉnh, các đơn vị ngoài tỉnh...

Cùng với đó thực hiện sàng lọc, đánh giá đối với tổng số 84 trẻ có nhu cầu để phát hiện ra trẻ đang gặp phải vấn đề gì cũng như phương pháp hỗ trợ trẻ như thế nào và đồng thời tư vấn cho phụ huynh/người giám hộ của trẻ.

 

Trong 03 năm mô hình đã tiếp nhận với tổng số 58 trẻ tự kỷ, RNTT vào sử dụng dịch vụ trị liệu tâm lý với tổng số ca trị liệu là 3.669 ca. Tại Trung tâm, nhân viên mô hình chủ yếu thực hiện trị liệu tâm lý theo phương pháp một - một, trong một ca trị liệu, mỗi nhân viên sẽ can thiệp, trị liệu tâm lý đối với một trẻ. Kế hoạch cho từng cháu được xây dựng theo chương trình cả đợt, từng tháng, từng ngày.

Tối thiểu mỗi trẻ tham gia trị liệu tâm lý thường xuyên trong 3 tháng, trung bình là 6 tháng, có trẻ rối nhiễu nặng có thể cần hỗ trợ trị liệu tâm lý khoảng 12 tháng. Hằng tuần mỗi trẻ được trị liệu tâm lý từ 03 - 05 ca, có nhiều trẻ tham gia trị liệu tâm lý 10 ca/tuần, một ngày trị liệu 02 ca, chia 2 buổi sáng, chiều, mỗi ca trị liệu tâm lý trong thời gian 90 phút. Lịch trị liệu được sắp xếp vào tất cả các ngày làm việc trong tuần.

Để có thêm hiệu quả trị liệu cho trẻ, Nhân viên trị liệu của Trung tâm có sự phối hợp chặt chẽ với người nuôi dưỡng trẻ, gia đình nhằm phát huy vai trò tham gia vào các hoạt động trị liệu tâm lý cho trẻ tại gia đình. Với phương pháp đó trẻ có thể được hỗ trợ một cách thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống.

Trẻ có được hòa nhập

Sau khi trẻ tham gia dịch vụ can thiệp, trị liệu tâm lý tại Trung tâm đã có nhiều tiến bộ rõ nét, cụ thể: Những trẻ chậm ngôn ngữ đơn thuần chỉ sau 02 đến 03 tuần đã thực hiện tốt các bài tập trị liệu, phối hợp luyện tập tâm vận động, luyện cách lấy hơi vào, thở hơi ra, luyện các bài tập về cơ môi, cơ hàm, cơ lưỡi. Trẻ chú ý bắt chước nhiều hơn và đã có âm phát ra. Sau hơn một tháng đã nói được một số từ đơn. Sau 04 đến 06 tháng trẻ nói được câu 3 - 4 từ.

Với những trẻ có biểu hiện tăng động giảm chú ý, có hành vi rối nhiễu cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trẻ bớt tăng động hơn, chú ý tập trung nhiều hơn, biết thể hiện nhu cầu cá nhân nhiều, từ đó trẻ bớt được những hành vi rối nhiễu, tiếp thu bài tốt hơn, các vấn đề được cải thiện tích cực, trẻ biết nghe và thực hiện theo các yêu cầu của người khác.

Đối với nhóm trẻ tự kỷ điển hình đã có những thay đổi vượt bậc. Từ một trẻ chưa biết kiểm soát các hành vi, chưa có ngôn ngữ, không tập trung chú ý, hành động dập khuôn máy móc, kèm tăng động giảm chú ý, sau một thời gian can thiệp, trị liệu tâm lý trẻ đã giảm hẳn hành vi lệch chuẩn, không còn dấu hiệu của tăng động, khả năng tập trung chú ý được cải thiện, ngôn ngữ của trẻ có âm phát ra, trẻ đã nói được và thể hiện được nhu cầu, nguyện vọng của bản thân, trẻ biết cầm bút viết và ngồi học cùng các bạn...

Với những kết quả đó, Đề án Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, tự kỷ, có thu phí tại Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã thực sự là nơi hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ, RNTT có cơ hội được phát triển như trẻ em bình thường khác, được hòa nhập vào lớp học, được cùng hòa nhập vào đời sống gia đình, thực sự là nơi thắp sáng tương lai cho trẻ em tự kỷ tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Trưởng phòng Tư vấn, trợ giúp và hành chính (Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Tỷ lệ trẻ bị RNTT, tự kỷ ngày càng cao bởi nhiều lí do. Đặc biệt, thời buổi bùng nổ của công nghệ 4.0, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, ít tương tác với cuộc sống thực... đang trở thành những tác nhân làm gia tăng và nảy sinh các dạng, mức khác nhau của vấn đề tự kỷ, RNTT ở trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ em thành thị mắc chứng RNTT, tự kỷ cao hơn so với trẻ em khu vực nông thôn, miền núi.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh