THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

Tăng cường chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho NKT

 


Các đại biểu dự chương trình hội ngộ.


Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng; Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Nguyễn Văn Hồi; Chủ tịch danh dự Hội bảo trợ NTT&TMC Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Mỹ; Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ NTT&TMC Việt Nam Lương Phan Cừ; Phó Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ NTT&TMC Nguyễn Trọng Đàm; đại diện các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ 36 tỉnh, thành phố và 48 đại biểu người khuyết tật (NKT) đến từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước.

70% NKT được tạo việc làm

Báo cáo tại chương trình hội ngộ, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm cho biết, năm 2017, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã vận động quyên góp bằng tiền và hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được 540 tỷ đồng. Hội đã triển khai thành công các chương trình: Dạy nghề cho 1.600 NKT, khoảng 70% NKT được tạo việc làm, có thu nhập sau học nghề, với kinh phí là 9,9 tỷ đồng; phẫu thuật mắt cho hơn 14.000 người khiếm thị, với tổng số tiền 28,6 tỷ đồng; phẫu thuật chỉnh hình cho 1.096 NKT, với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng; mổ tim cho 611 người, với tổng số tiền là 28 tỷ đồng; cấp hơn 11.500 xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ khác cho NKT, trị giá 27 tỷ đồng; cấp hơn 20.600 suất học bổng, với tổng trị giá 17,9 tỷ đồng; hơn 4.700 xe đạp tặng cho TMC, trẻ em nghèo trị giá 7,1 tỷ; hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC ở 62 xã xây dựng nông thôn mới, với tổng số kinh phí là 16 tỷ đồng; cùng nhiều hoạt động trợ giúp khác như: Xây tặng nhà tình thương, xây đường tiếp cận, cho vay vốn sản xuất, cấp thuốc, khám chữa bệnh, tặng thẻ BHYT, trợ cấp đột xuất, thăm hỏi tặng quà...

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng trò chuyện cùng người khuyết tật tại chương trình hội ngộ.

 

Bên cạnh hoạt động trợ giúp về vật chất, Hội luôn chú ý triển khai các hoạt động mang giá trị tinh thần, nâng cao năng lực cho NKT, với phương châm quan tâm đến NKT cần quan tâm đến gia đình, tổ chức, cơ sở của NKT. Cũng trong năm 2017, Hội tổ chức chương trình giao lưu "Hạnh phúc vợ chồng NKT", biểu dương 30 cặp vợ chồng NKT đến từ 26 tỉnh, thành phố, đã có thành tích vượt khó vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc. Năm 2018, Hội tổ chức chương trình "Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là NKT" nhằm tuyên truyền về năng lực, sự đóng góp của NKT cho xã hội, biểu dương các điển hình khởi nghiệp thành công là NKT. Bởi trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, NKT luôn có mặt, họ đã nỗ lực hết mình để phát huy khả năng tiềm tàng, sức mạnh nội lực của bản thân, lao động và cống hiến, trong đó có những NKT là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp cả nước dựng xây đất nước.

Không đầu hàng số phận

48 đại biểu NKT về dự chương trình hội ngộ hôm nay là các giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đến từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện, môi trường sống, giáo dục, tình trạng khuyết tật khác nhau, nhưng họ đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, luôn tiến lên phía trước. Đó là anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ), không một ngày đến trường, liệt toàn thân chỉ có hai ngón tay cử động, nhưng anh đã thành lập Công ty TNHH NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay công ty của anh đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hàng năm đạt 6-8 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm cho 10 người với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ), liệt toàn thân chỉ có hai ngón tay cử động, nhưng anh đã thành lập Công ty TNHH NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa), có chiều cao chỉ 0,8m, chị đã vượt lên số phận để khẳng định bản thân. Cầm trong tay tấm bằng cao đẳng kế toán, năm 2010, chị thành lập Công ty TNHH sản xuất - dịch vụ và Thương mại Suri, chuyên sản xuất các mặt hàng bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá granite, kinh doanh vận tải, san lấp mặt bằng, cho thuê kho bãi… Với bí quyết của riêng mình, Công ty Suri ngày càng phát triển, tạo việc làm cho 16 người với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng…

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa),  có chiều cao 0,8m, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - dịch vụ và Thương mại Suri.

 

Trở về sau cuộc chiến với thương tật 81%, thương binh Hoàng Phi Thường (Hải Dương) không cam chịu đói nghèo, không chấp nhận ngồi không để nhà nước nuôi dưỡng suốt đời, ông thành lập Xí nghiệp Thương mại-du lịch và xây dựng thương binh 27/7 để tạo việc làm cho đồng đội và con em họ. Những buổi đầu khó khăn, vấp ngã, nhưng với ý chí của người lính cụ Hồ, ông chèo lái Xí nghiệp đi lên, năm 2017 doanh thu đạt 88 tỷ đồng, tạo việc làm cho 150 lao động chính, 250 lao động thời vụ với mức lương từ 3,5 triệu đến 12 triệu/người/tháng. Dự kiến 2018, ông mở rộng kinh doanh sang nước bạn Lào, sản xuất gạch và vật liệu xây dựng tại Sầm Nưa và Viên Chăn.

 Xây dựng danh mục nghề phù hợp với các dạng tật của NKT

Phát biểu tại chương trình hội ngộ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng bày tỏ sự xúc động trước những tấm gương nghị lực đã vượt lên số phận để có được những thành quả ngày hôm nay. “NKT xuất thân từ những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng thành tích mà NKT đã đạt được để thay đổi cuộc sống là niềm cổ vũ, động viên đầy ý nghĩa đối với hàng triệu NKT. Những tấm gương chân thực này sẽ khơi gợi, lôi cuốn, trở thành động lực để nhiều người còn đang mặc cảm tự ti vì hoàn cảnh khuyết tật sẽ can đảm hơn, mạnh dạn hơn để vượt qua số phận và hòa nhập cộng đồng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng: Từng bước tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu rào cản cho NKT.

 

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Việt Nam hiện có 7,6 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%. Do tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dự báo trong nhiều năm tới số lượng NKT sẽ tiếp tục gia tăng. Mặc dù trong những năm qua Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NKT. Song, so với nhu cầu của người dân và đòi hỏi của xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Đời sống của một phận không nhỏ NKT thuộc hộ nghèo, mức trợ cấp xã hội thấp, vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm... Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT hoặc coi công tác trợ giúp NKT thuần túy là hoạt động từ thiện, là việc riêng của ngành LĐ-TB&XH; hệ thống cơ sở trợ giúp NKT, cơ sở đào tạo nghề cho NKT còn thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo nghề tạo việc làm còn rất khó khăn.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là NKT tại chương trình hội ngộ.

 

“Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đã bố trí ngân sách cho dạy nghề, gắn với tạo việc làm cho NKT trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao cho các đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu học nghề của NKT và cơ sở dạy nghề cho NKT. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng danh mục nghề phù hợp với các dạng tật của NKT; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn học nghề cho NKT; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho NKT và giáo viên dạy NKT; rà soát cơ chế dạy nghề linh động hơn, có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, bao gồm đặt hàng để doanh nghiệp, cá nhân dạy nghề cho NKT nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho hay.

Thứ trưởng cũng tin tưởng rằng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm và tình cảm, sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, giảm thiểu rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho NKT.

CÙ HÒA - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh