THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:57

Tăng hỗ trợ vốn ưu đãi cho người khuyết tật

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo 

 

Khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề

Trong 2 ngày 12- 13/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với NHCSXH và Quỹ NIPON Nhật Bản tổ chức “Hội thảo chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật” và trưng bày sản phẩm của người khuyết tật.

Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật chủ yếu thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ nhà tài trợ Nippon. Hiện, chưa có nguồn vốn dành riêng cho vay đối với người khuyết tật để phát triển kinh tế. 

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn của cộng đồng với người khuyết tật, song các cơ chế hỗ trợ về vốn, tạo việc làm cho những con người kém may mắn này vẫn chưa được như mong muốn. 

Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Hậu quả chiến tranh, bẩm sinh, tai nạn giao thông, lao động, thiên tai, môi trường... Phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn (87,27%); khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động, trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Họ chủ yếu làm các nghề nông, lâm ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác. Bên cạnh đó, người khuyết tật có trình độ học vấn thấp so với các công việc khác; 41,01% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, 19,5% người có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên, 93,4% người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16 tuổi trở lên, chỉ có 6,5% người có bằng cấp từ chứng chỉ trở lên.

“Năm 2017, cả nước có khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm theo chính sách Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với hình thức đào tạo chủ yếu là vừa làm vừa học; kèm cặp nghề, truyền nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”, và cũng đã thí điểm một số mô hình doanh nghiệp, trực tiếp đào tạo nghề để tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc hoặc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội khẳng định và cho biết thêm, đồng hành vơi các cơ quan chức năng nhà nước trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật , các tổ chức xã hội, tổ chức của người khuyết tật cũng đóp góp tích cực gia tăng số lượng được học nghề và có việc hàng năm.

Nguồn vốn ưu đãi dành cho người khuyết tật còn hạn chế

Tuy nhiên, hiện nay, các nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật còn hạn chế. Về điều này, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho hay, từ 2014-2018, ngân sách nhà nước không bổ sung nguồn vốn để cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay giải quyết việc làm mà chỉ thực hiện cho vay bằng vốn quay vòng. Do vậy, người lao động khuyết tật cũng không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, nhất là người mù gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn. Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp. 

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thấy, tính riêng năm 2017, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay mới 4 dự án cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật và 2.363 dự án của người khuyết tật. Điều đó, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.540 lao động là người khuyết tật. Hiện tổng số khách hàng vay là người khuyết tật khoảng trên 11.000 người. 

Tính đến ngày 28/2/2018, dư nợ cho vay đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất tại NHCSXH đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ và 0,07% trên tổng số hộ còn dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH (dư nợ cho vay của NHCSXH là 170.775 tỷ đồng, với trên 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ ), trong đó dư nợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật là 3,6 tỷ đồng, với 22 cơ sở còn dư nợ…

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để NHCSXH mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có người khuyết tật, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy người lao động khuyết tật cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, mặt khác cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu


Để người khuyết tật, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, các đại biểu tại Hội thảo kiến nghị nhà nước tiếp tục xem xét, bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật; Phương thức kêu gọi nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng người lao động là người khuyết tật như trường hợp Quỹ Nippon cũng được cần thiết phải tính đến và nhân rộng nhằm tăng thêm nguồn vốn vay hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, các cấp  tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn vay vốn... để công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật có nhiều chuyển biến hơn nữa.

 

Một số hình ảnh các gian trưng bày sản phẩm của người khuyết tật tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuạt số 2 Hoa Lư, Hà Nội đến hết ngày mai 13/4:

Các sản phẩm của người khuyết tật thu hút sự chú ý của người dân 

Sản phẩm của NKT làm ra rất đa dạng, từ tranh thêu, mỹ nghệ nan tre, quà lưu niệm, thú nhồi bông,...

đến thú giấy, hoa giấy, cào cào lá tre… 

 


Cù Hòa- Quý Đức- Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh