Tận tâm tri ân, đền ơn đáp nghĩa
- Người có công
- 14:22 - 27/07/2017
Thực hiện lời căn dặn của Người, 70 năm qua, trong điều kiện kinh tế, xã hội đất nước ngày càng phát triển, hệ thống chính sách đối với NCC cũng được nâng lên và tiếp tục hoàn thiện để đền đáp xứng đáng với công sức và sự hy sinh của những cá nhân, gia đình NCC.
9 triệu NCC được hưởng các chính sách
Chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng được khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/2/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đến năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Điều này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong xây dựng và pháp điển hóa chính sách ưu đãi NCC.
Từ đó đến nay hệ thống chính sách ưu đãi NCC từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng NCC; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa chăm lo trợ giúp NCC và tạo điều kiện thuận lợi để NCC vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. Đời sống NCC được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần to lớn ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Năm 2011, kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng năm 2006, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, ngày 16/7/2012). Trong đó, đã mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận NCC, bổ sung thêm nhiều chế độ, chính sách nhằm tiếp tục nâng cao đời sống NCC với cách mạng và thân nhân. Đặc biệt đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã được chuyển từ trợ cấp một lần theo Pháp lệnh số 26/2005 sang hưởng trợ cấp hàng tháng; bổ sung trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động...
Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 9 triệu lượt người được hưởng chính sách ưu đãi NCC, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng...
Mặc dù trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC liên tục được điều chỉnh tăng. Từ năm 2004, thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi NCC, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi qua 10 lần điều chỉnh, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của NCC. Đến nay (năm 2017), mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi NCC là 1.417.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức hiện nay là 1.300.000 đồng). Hiện với trên 1,4 triệu NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Trong 10 năm gần đây (từ năm 2007 - 2016), tổng kinh phí trợ cấp là 133.306 tỷ đồng trong đó, kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hàng năm dành cho công tác NCC với cách mạng bình quân khoảng 2000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, NCC còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác trên các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hoá, nhà ở, việc làm, tín dụng...
Nỗ lực giải quyết tồn đọng
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội. Bằng những việc làm thiết thực trong những năm qua, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những phong trào đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC.
Tính từ năm 2007 - 2016, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 41,36 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 4.124 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 133.321 sổ với tổng kinh phí là hơn 4.620 tỷ đồng. Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, trong đó có 7.344 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách đối NCC còn nhiều vướng mắc, chậm được xử lý. Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước còn khoảng trên 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận NCC, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Trước thực trạng đó, Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng tại 5 địa phương: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc, với quy trình chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể các cấp; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân. Đã xác nhận được 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ hy sinh thời kỳ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính như thương binh.
Thực hiện Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH đã ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh). Đến 30/6/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 498 liệt sĩ. Ngày 18/7, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 498 thân nhân liệt sĩ và bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 Bằng “Tổ quốc ghi công”.
Cả nước vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được trở về đất mẹ hoặc còn đang nằm ở đâu đó trên cả nước và trên 300.000 liệt sĩ chưa rõ danh tính. Từ năm 2005 đến nay đã tìm kiếm, quy tập được trên 70.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó ở Lào: 16.613 hài cốt liệt sĩ; Campuchia: 15.148 hài cốt liệt sĩ; trong nước: 38.778 hài cốt liệt sĩ. Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đã xác định danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ nhằm sớm đưa các anh về đất mẹ cũng như trả lại tên cho các liệt sĩ.
Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC, giúp họ có cuộc sống ngày càng nâng cao, trong những năm tới cần: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc NCC; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, đoàn thể trong công tác chăm sóc NCC; Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, chăm lo đời sống NCC với cách mạng; Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, đặc biệt là sớm nghiên cứu, sửa đổi những vướng mắc, bất cập hiện nay; Tập trung tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng nhằm xác định những hạn chế, tồn tại của các chính sách hiện hành; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi toàn diện thay thế Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng hiện hành; Ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo thực hiện tốt chính sách ưu đãi, có các giải pháp thiết thực nhằm huy động nguồn lực xã hội vào việc chăm sóc NCC.