Tấn công tình dục: Bất ngờ từ yếu tố… quen biết
- Pháp luật
- 22:48 - 12/12/2015
Hiểm họa có ở cả nơi… “bình yên”?
Báo cáo tại tọa đàm cho thấy, mặc dù chưa có thống kê số liệu chính thức về các loại hình bạo lực tình dục khác nhau tại Việt Nam, nhưng số liệu từ một vài nghiên cứu trong quy mô nhỏ đã chỉ ra tình trạng báo động của bạo lực tình dục tại Việt Nam. Theo các số liệu nghiên cứu: 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng; gần 30% phụ nữ hành nghề mại dâm đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục, trong đó 22% từng bị cưỡng hiếp tình dục; 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị chồng tấn công tình dục.
Bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình, nơi được cho là “an toàn” và “bình yên” nhất. Nhiều người cho rằng, “cưỡng hiếp” phải có yếu tố người lạ, bị ép buộc, hoặc để lại những tổn thương về thể xác cho nạn nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về 462 vụ việc cưỡng hiếp và tấn công tình dục đã chỉ ra thực tế hoàn toàn khác: Trong 86% những vụ việc này, kẻ tình nghi có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác.
Quấy rối tình dục nơi công sở. (Ảnh minh họa)
Phát biểu tại toạ đàm, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women khẳng định: “Bạo lực tình dục thường xuyên bị xã hội che giấu. Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng hiếp, ngay lập tức rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi là cô ấy đã làm gì để khêu gợi hành vi tình dục nhằm vào bản thân mình, có thể vì cô ấy đã tới nhầm một nơi nào đó vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đứng đắn – vì nhu cầu tình dục của nam giới được mặc nhiên coi là bản năng tự nhiên của con người, còn “người con gái ngoan” sẽ không chủ động về tình dục. Bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh, chúng ta phải ngay lập tức thay đổi quan niệm này. Vấn đề giới là do xã hội tạo nên. Nghĩa là, vai trò của phụ nữ và nam giới là được học, được hiểu từ xã hội và văn hóa xung quanh chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta cũng có thể thách thức và thay đổi.
Đồng quan điểm, ông Chris Batt, Quản lý văn phòng UNODC Việt Nam cho biết, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên đây lại là một trong những loại hình tội phạm ít bị truy tố nhất trên thế giới. Hơn nữa, chủ đề về bạo lực tình dục lại thường bị coi là chủ đề nhạy cảm để thảo luận công khai, vì sự kỳ thị đối với loại hình tội phạm này khiến những ai là nạn nhân buộc phải im lặng khi bị lạm dụng.
Cần đưa sự việc ra ánh sáng
TS Đào Lệ Thu (Trường Đại học Luật Hà Nội) chỉ ra rằng, hiếp dâm và cưỡng dâm được định nghĩa khá hạn hẹp trong Luật Hình sự. Hành vi ngăn cấm chỉ nói tới “giao cấu” giữa hai bộ phận sinh dục. Nhưng trên thực tế, có nhiều hành vi hiếp dâm qua đường hậu môn hoặc xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể, hoặc dùng các vật thể khác.
“Thực tế các hành vi xâm hại cơ thể khác cũng gây tổn hại về sức khỏe và tinh thần không kém gì “giao cấu”. Ngoài ra, định nghĩa truyền thống về hiếp dâm đòi hỏi yếu tố sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực mà bỏ qua trường hợp nạn nhân ở hoàn cảnh quẫn bách, không có khả năng phản kháng, hoặc có trường hợp bên nữ chấp nhận giao cấu do sợ hãi bị tổn hại hơn. Như vậy, nếu nạn nhân khi bị hiếp dâm không la hét, không chống cự, không có bằng chứng bị tổn thương cơ thể thì dễ bị hiểu sang “đồng thuận quan hệ tình dục”... Những khoảng trống đó trong luật pháp khiến cho các vụ bạo lực tình dục khó được đưa ra ánh sáng.
Tại toạ đàm, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện có thật về những khó khăn mà phụ nữ bị bạo lực tình dục gặp phải khi tìm kiếm công lý. Viếc thiếu các định nghĩa rõ ràng và các điều luật đặc biệt đối với các tội danh quấy rối tình dục; khoảng trống trong chính sách và luật về bạo lực tình dục cũng như sự thiếu nhận thức về khuôn mẫu giới của những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp và hỗ trợ người bị bạo lực tình dục, cũng là vấn đề quan tâm chính của toạ đàm.