THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:05

Huýt sáo, liếc mắt đưa tình được coi quấy rối tình dục

 Nơi công cộng thường xảy ra quấy rối tình dục

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam. Khoảng cách về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học. Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% số đại biểu Quốc hội và 25% số chủ doanh nghiệp. Theo khảo sát đầu năm 2015 của Tập đoàn tài chính Quốc tế Master Card, Việt Nam đạt 66/100 điểm về chỉ số tiến bộ phụ nữ và xếp thứ 5/16 quốc gia được khảo sát tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương - đây là chỉ số đánh giá vị trí kinh tế - xã hội của phụ nữ với ba tiêu chí là việc làm, trình độ học vấn và khả năng lãnh đạo.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. phụ nữ gặp khó khăn hơn khi tiết lộ những trải nghiệm bạo lực tình dục so với những trải nghiệm bạo lực thể xác. Tương tự, việc nói về bạo lực tình dục trong hôn nhân được xem như một chủ đề không phù hợp. Các quan niệm về văn hóa truyền thống đã góp phần làm cho tình trạng bạo lực gia tăng, song lại vẫn ở trong bóng tối, ít được đề cập tới và phụ nữ vẫn tiếp tục là nạn nhân của tình trạng này.

Chia sẻ báo cáo nghiên cứu “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, bà Nguyễn Phương Thúy –  Trưởng phòng Chính sách và Chiến dịch ActionAid tại Việt Nam cho biết, 45% số người được phỏng vấn cho rằng, so với các rủi ro khác như tai nạn giao thông, cướp giật và móc túi, quấy rối tình dục là vấn đề có nguy cơ xảy ra cao nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng tại các vùng đô thị. 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục. Các hành vi quấy rối tình dục thường thấy bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm vào một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sờ mó một cách cố ý vào người đối phương. Thêm vào đó, 50% phụ nữ và trẻ em gái khẳng định rằng họ đã từng bị người đàn ông liếc mắt đưa tình. Số liệu cũng chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các nhóm nghề nghiệp đều đã từng bị quấy rối từ 2 đến 5 lần trong đời.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo

Định kiến giới làm “bình thường hóa” các hành vi quấy rối

Kết quả này cũng cho thấy có tới 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động phản ứng nào khi họ gặp phải các hành vi quấy rối tình dục. Đa số người trong nhóm nam giới/người chứng kiến (65%) chọn cách không làm gì khi họ bắt gặp hành vi quấy rối. Chỉ có 0,8% gọi điện trình báo cho đường dây nóng.

Lý do khiến đa số nạn nhân lẫn người chứng kiến không phản ứng lại với các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục vì cho rằng, hành vi quấy rối như huýt sáo trêu ghẹo và liếc mắt đưa tình được coi là bình thường. Thiếu tin tưởng đối với các lực lượng chức năng cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bị động của nạn nhân và những người xung quanh. Khảo sát cho thấy 34% phụ nữ có chung suy nghĩ rằng việc khai báo với công an về các hành vi quấy rối cũng không mang lại thay đổi gì. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ cảm thấy xấu hổ và thậm chí bị xã hội kỳ thị nếu họ khai báo các hành vi quấy rối tình dục, bởi suy nghĩ đổ lỗi cho phụ nữ vì đã có hành vi sai trái gì đó nên mới bị đàn ông quấy rối tình dục vẫn còn tồn tại trong xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trả lời phỏng vấn của báo chí

Chia sẻ về những bất cập, hạn chế trong Bộ luật Hình sự về tội cưỡng dâm, hiếp dâm, bà Lê Thị Vân Anh,  Phó trưởng Phòng Pháp luật Hình sự, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, chưa có cách hiểu thống nhất về hành vi “giao cấu” tại các Điều 111,112,113 của Bộ luật Hình sự và hành vi “dâm ô” tại Đ.116 của luật này. Chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân. Chưa có quy định cụ thể về vấn đề tấn công tình dục không nhằm mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục. Chưa quy định là tội phạm hình sự đối với hành vi khiêu dâm trẻ em.

Phó Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới Trần Thị Bích Loan đề xuất, cần đẩy mạnh truyền thông về bạo lực tình dục; nạn nhân cần biết được hành vi nào được coi là bạo lực tình dục để tự phòng tránh. Ngành Lao động đưa vào thí điểm Trung tâm giải quyết khủng hoảng hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành trên cơ sở giới, trong đó có bạo lực tình dục; đưa vào hoạt động đường dây nóng tư vấn và tiếp nhận thông tin về bạo lực tình dục.

Bà Ritsu Nacken, quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam:

" Chủ đề bạo lực tình dục thường được coi là quá nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn quá nhiều định kiến đối với các nạn nhân của bạo lực tình dục. Nạn nhân của bạo lực tình dục thường bị chỉ trích và bị kỳ thị khi họ được phát hiện, do đó, họ thường giữ im lặng. Vì vậy, hầu hết mọi người thường coi rằng việc phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục là điều bình thường, và họ không bao giờ đặt câu hỏi về vấn đề này vì những chuẩn mực văn hóa tại nhiều nơi cho rằng phụ nữ có vị trí thấp kém hơn nam giới. Ví dụ, ở Việt Nam có một câu nói "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu". Và hầu hết mọi người cho rằng bạo lực tình dục chỉ xảy ra bên ngoài gia đình và được gây ra bởi những người xa lạ, trong khi trên thực tế điều này không phải luôn luôn đúng. Nhiều phụ nữ không an toàn ngày trong ngôi nhà của mình. Họ bị chồng cưỡng hiếp hoặc bị ép buộc quan hệ tình dục. Tuy nhiên, họ thường quá sợ hãi và không dám nói ra. Đã đến lúc chúng ta phải hành động để chấm dứt sự im lặng xung quanh bạo lực tình dục".

 

N.Síu/Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh