THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:57

Sức mạnh của báo chí trên mặt trận phòng, chống tham nhũng

 

 

Đi đến tận cùng chân tướng sự thật

Những năm gần đây nhiều vụ án tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan Trung ương và địa phương được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận và xử lý đến nơi đến chốn đều có công đầu của báo chí. Điển hình trong số đó là vào năm 2006, với bài báo “Con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18 đã gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”. Vụ “ăn chặn” tiền cứu trợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112). Vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội). Chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại. Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy. Vụ Vinashin. Vụ nhân bản phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội)… Gần đây là các vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh...

Mới đây nhất, từ vụ việc một chiếc xe sang gắn biển xanh ở tỉnh Hậu Giang mà báo chí phản ánh đã lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Cuối tháng 5/2016, từ những hình ảnh về chiếc xe Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng mang biển số xanh 95A-0699 của ông Trịnh Xuân Thanh,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chạy trên đường phố miền Tây được người dân chụp và đăng tải lên mạng xã hội. Ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận cùng những lời bình luận không tích cực vì cho rằng chiếc xe công này quá sang so với tiêu chuẩn Nhà nước bố trí cho cán bộ cấp tỉnh, nếu nó được mua bằng ngân sách thì sai quy định. Như một vết dầu loang, hàng chục cơ quan báo chí lớn với đa dạng các loại hình từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử đến fanpage vào cuộc thông tin.Tại thời điểm đó, ông Trịnh Xuân Thanh và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giải thích, do địa phương còn khó khăn, chưa thể bố trí xe nên ông Thanh mượn của bạn chiếc xe hơn 5 tỷ đồng này mang từ Hà Nội vào phục vụ công tác. Không chấp nhận sự giải thích của tỉnh Hậu Giang cũng như việc trả lại biển số xe của ông Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan báo chí đã nhập cuộc để điều tra làm rõ sự việc. Lúc này, nhiều sự thật khác đã được phơi bày về sự vi phạm pháp luật cùng một “di sản” thua lỗ của ông Trịnh Xuân Thanh hồi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự đảng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo đã nêu và coi đây là việc cần làm ngay. Ngày 15/7/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết và kết quả 100% thành viên nhất trí việc không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh.

Tại kỳ họp thứ VI từ 6/9 đến 8/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh vì những khuyết điểm, vi phạm là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Sau đó, Ban Bí thư biểu quyết bằng phiếu kín, đồng ý 100% kỷ luật khai trừ khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

 

 “Phù chính, trừ tà”

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 2/2015, cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin... Với sự phát triển mạnh mẽ đó, những năm qua báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, đặc biệt đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đánh giá về vai trò của báo chí trong công tác phóng chống, tham nhũng, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam khẳng định: Từ một hiện tượng, một vụ việc đơn lẻ ở một địa chỉ cụ thể có thể sẽ bị sớm lu mờ nhưng khi được đưa lên mặt báo một cách công khai trên thì những thông tin về hiện tượng, sự kiện, vụ việc đó được xã hội hóa nhanh chóng trở thành sự kiện truyền thông và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Sự kiện truyền thông đó sẽ tác động vào nhận thức, thái độ và hành vi của hàng triệu người, lay động, chi phối hàng triệu độc giả, khán, thính giả. Công khai thông tin tạo nên dư luận và áp lực xã hội chính là nguồn gốc sức mạnh xã hội của báo chí. Chính vì vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc điểm tính công khai của thông tin tiềm ẩn sức mạnh to lớn của báo chí. Một thông điệp chống tham nhũng, những dấu hiệu tham nhũng được phát giác, một vụ án tham nhũng được phanh phui trên báo chí sẽ có sức ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội tạo ra những động lực mới cho cuộc chiến chống tham nhũng.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: Việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là công việc quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là vinh dự, là trách nhiệm của báo chí, nên “mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần ý thức sâu sắc về vinh dự, trách nhiệm của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa được Đảng, Nhà nước giao phó”. Thời gian qua, báo chí với vai trò vũ khí tư tưởng mang tinh thần "phù chính, trừ tà" đã đi đầu trong việc phát hiện các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực tế đã chứng minh nhiều vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện là nhờ vào thông tin, sự vào cuộc tích cực của báo chí. Bên cạnh đó, báo chí còn tham gia vào việc tạo áp lực dư luận, thúc đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc nhanh hơn, mang lại hiệu quả thiết thực.

PGS,TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng hoành hành với sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống. Vì vậy để phòng, chống tham nhũng cần phải dựa vào dân. Trong dư luận thì có dư luận báo chí và dư luận xã hội. “Dư luận báo chí có thể sai nhưng dư luận xã hội thì luôn đúng. Nếu muốn dựa vào dân phải đặc biệt quan tâm đến báo chí. Dựa vào dân chống tham nhũng cũng chính là dựa vào báo chí”, PGS,TS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh. 

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh