THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:24

Báo chí đồng hành cùng đất nước

 

ĐB Bùi Sỹ Lợi- Phó CN UB các vấn đề xã hội của QH: Báo chí đã thể hiện vai trò xung kích và tinh thần trách nhiệm



 Vai trò của báo chí, như chúng ta đã biết là công cụ tuyên truyền và cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, thể chế của quốc gia đối với nhân dân. Tức là chuyển tải những quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, cả về chính sách, các cơ chế và các mối quan hệ xã hội. Báo chí chính là cơ quan truyền dẫn thông tin, định hướng dư luận và tổng kết đánh giá, phản ánh tình hình thực tiễn của xã hội cả về  kết quả và những mặt tồn tại, cả những vấn đề được và chưa được. Đó chính là cơ quan định hướng dư luận xã hội để hướng tới quan điểm, mục tiêu đúng và quan trọng là hướng đến một cuộc sống mà con người gắn bó và thân thiện hơn.

 Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua báo chí đã thể hiện được vai trò xung kích, không chỉ tuyên truyền, vận động giải thích chính sách, điều mà tôi đánh giá rất cao là hệ thống báo chí đã tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề bức bách trong xã hội.

Bên cạnh đó, báo chí đã thể hiện được một tinh thần trách nhiệm, gắn bó với các cơ quan quản lý nhà nước, lắng nghe ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước và truyền tải những ý kiến của các cơ quan này đến với nhân dân. Không chỉ là tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cơ chế  chính sách mà quan trọng là vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách pháp luật. Báo chí cũng là nơi châm những “ngòi nổ” để xử lý những vụ tham nhũng tiêu cực, những tồn tại của xã hội. Những điều đó cho thấy, báo chí đã thể hiện vai trò định hướng được dư luận xã hội, hướng tới một xã hội văn minh hơn, thống nhất, gắn kết và chia sẻ và hướng thiện hơn.

 Là một đại biểu Quốc hội chuyên trách, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa báo chí và Quốc hội?

 Phải đánh giá một cách công bằng là mối quan hệ giữa  Quốc hội với báo chí và báo chí với Quốc hội là rất gắn bó, cởi mở. Báo chí đã rất gần gũi các đại biểu Quốc hội và các đại biểu cũng rất trân trọng tinh thần, thái độ trách nhiệm của các phóng viên báo chí, họ đã kề vai sát cánh với các đại biểu Quốc hội để thông qua nghị trường quốc hội phản ánh được những ưu điểm và những mặt tồn tại  trong  xã hội. Trong mối quan hệ đó, báo chí đã giúp cho các đại biểu Quốc hội gần gũi với nhân dân, với cử tri hơn. Báo chí cũng là kênh thông tin đưa ý kiến, quan điểm, những đề xuất, kiến nghị thắc mắc của cử tri đến đại biểu Quốc hội để trong quá trình thảo luận, quá trình xây dựng chính sách, đánh giá tình hình xã hội thì các đại biểu cũng nắm được tinh thần, tư tưởng, những phản ánh của cử tri để làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh hoặc sửa đổi chính sách.

Có thể khẳng định,  báo chí với Quốc hội được đánh giá là cầu nối gắn bó nhất, bản thân tôi cũng rất gần gũi với các phóng viên và thấy rằng vai trò của họ rất quan trọng, giúp cho mình rất nhiều trong những vấn đề về thông tin. Thông qua báo chí để các đại biểu Quốc hội cập nhật thông tin, phản ánh của cử tri và cũng thông qua báo chí để đại biểu phản ánh  lại những vấn đề, những nội dung bức xúc, giải thích chính sách để người dân hiểu biết được những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước  và qua đó, cử tri  cũng thấy được trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đã xử lý nhưng vấn đề mà họ đã phản ánh như thế nào… 

 

 ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Phải coi quyền tác nghiệp của báo chí như người thi hành công vụ



Trước đây khi tôi còn làm bên Ban tham mưu và cải cách tư pháp, từ đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cho đến tất cả các thành viên của ban chỉ đạo đều đánh giá rất cao vai trò của báo chí  và đến hôm nay tôi vẫn khẳng định,  báo chí có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây không chỉ là sự tôn vinh các bạn trong Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam mà vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là vai trò của báo chí đồng hành cùng đất nước, với nhân dân trong quá trình tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí  là một trong những  kênh  rất quan trọng để thực hiện vai trò giám sát đối với hoạt động của Nhà nước và các tổ chức, cơ quan doanh nghiệp và kể cả các cá nhân. Đặc biệt, báo chí có vai trò hết sức to lớn trong vấn đề triển khai thi hành pháp luật và phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Có rất nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp được phát hiện nhờ báo chí. Điều này thể hiện vai trò hết sức quan trọng và vô tư của báo chí trong công tác phòng, chống tiêu cực và cá nhân tôi mong muốn các cơ quan báo chí phát huy hơn nữa các hoạt động của mình và phải dựa trên nền tảng của hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là  Luật Báo chí để chúng ta thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, dù được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, nhưng trong công tác đấu tranh chống tiêu cực  của báo chí vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều phóng viên đã phải trả giá cho những bài viết của mình bằng máu...

Tôi cũng đã có lần được phỏng vấn về vấn đề liệu phóng viên đi tác nghiệp như thế có được coi là thi hành công vụ không, việc bảo vệ họ có giống như những người thi hành công vụ không, rồi việc tấn công báo chí, làm ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của báo chí có phải là tấn công người thi hành công vụ không?…Và tôi là một trong những người bênh vực và cho rằng cần phải bảo vệ báo chí như những người đi thi hành công vụ để họ thực hiện quyền tác nghiệp của mình, để họ đưa  sự thật đến với Đảng, với nhân dân. Để bảo đảm rằng chúng ta phải xử lý tất cả theo sự thật. Và nếu không có báo chí thì tôi cho rằng nhiều vấn đề sẽ không được giải quyết một cách tương xứng và thấu đáo như nó đã và đang tồn tại.

Mới đây có quy định báo chí không được phép sử dụng thiết bị ghi hình máy ghi bí mật để lấy thông tin.  Quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng cơ quan báo chí có quyền thực hiện việc điều tra của mình, đặc biệt khi người ta làm phóng sự phòng, chống tham nhũng hoặc phanh phui các vụ việc tiêu cực. Bởi nếu không có những biện pháp nghiệp vụ, không có những phương tiện đủ độ tin cậy cũng như có thể bảo đảm cho nhà báo tác nghiệp thì đó là điều hết sức đáng tiếc. Vấn đề là nếu anh lạm dụng tất cả những phương tiện đó để vi phạm pháp luật thì pháp luật sẽ xử lý anh. Tôi thấy rằng, tất cả các nhà báo, các cơ quan báo chí có một khía cạnh cần lưu ý là  sử dụng những phương tiện đó thế nào để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ mà không vi phạm pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, đối với công tác phòng, chống tham nhũng vẫn có một “vùng cấm” dành cho báo chí.  Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không phải là người hoạt động báo chí, tôi rất chia sẻ với  công việc của các toà soạn báo cũng như anh chị em phóng viên. Thực sự, hoạt động báo chí, bên cạnh những thuận lợi, sự quan tâm của Đảng cũng như các cơ quan báo chí, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề mà chúng ta phải dần khắc phục...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh