CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Báo chí truyền thống và những ảnh hưởng từ truyền thông xã hội

 

Những sạp báo giấy ngày càng vắng khách

Truyền thông xã hội là gì ?

Truyền thông xã hội ngày nay không còn là một khái niệm mới mẻ với người dùng internet. Truyền thông xã hội là một nhóm các ứng dụng dựa trên nền tảng internet, cho phép thiết lập và trao đổi nội dung do người dùng tạo ra. Theo quan điểm của Bộ Thông tin - Truyền thông thì mạng xã hội là “hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”. Nói một cách dễ hiểu, truyền thông xã hội là các công cụ chủ yếu dựa trên nền tảng internet để chia sẻ và thảo luận thông tin giữa người dùng với nhau. Những mạng xã hội phổ biến hiện nay trên thế giới là: Twister, Facebook, Instagram, Youtube, WhatApp, WeChat,…

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin (IT), truyền thông xã hội hiện nay đang tồn tại dưới những hình thức sau: Các trang web (website) mạng xã hội, Blog, Wiki, Podcast, Diễn đàn, Cộng đồng nội dung và Tiểu blog (microblogging). Cho dù tồn tại dưới hình thức nào, truyền thông xã hội ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng bao gồm những đặc điểm sau: sự tham gia, tính mở, tính hội thoại, tính cộng đồng và tính kết nối.

Những ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến báo chí truyền thống

Hiện nay, người tham gia truyền thông xã hội ngày càng tăng theo cấp số nhân. Sự ra đời của báo điện tử và mạng xã hội đã thu hút một lượng lớn đọc giả của báo truyền thống, đặc biệt là giới trẻ, doanh thu quảng cáo trên các báo truyền thống vì thế cũng sụt giảm rất nhiều. Đó là những nguyên nhân chính khiến nhiều tờ báo giấy uy tín trên thế giới lâm vào khó khăn, thậm chí đóng cửa. Ví dụ như trường hợp của New York Times, một tờ báo lâu năm và uy tín nhất của Mỹ, đã phải tuyên bố ngừng phát hành báo giấy. Thực tiễn trên đây đã cho thấy, các mạng xã hội hiện nay đã có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến báo chí truyền thống. Vì vậy, báo chí truyền thống muốn “đứng vững” phải tìm cách thích nghi, cải tiến, thay đổi để tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ số. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ đề cập đến những khía cạnh mà báo chí truyền thống bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế so với báo chí truyền thống


Trước nhất, các mạng xã hội đã làm cho báo chí truyền thống buộc phải thay đổi cách thức làm báo. Tư duy của những người làm báo (biên tập viên, phóng viên, thư ký tòa soạn,…) và cách thức làm báo của các tòa soạn đã thay đổi rất rõ kể từ khi mạng xã hội xuất hiện. Nếu như trước đây, truyền thông xã hội được coi là một phần của chiến lược làm báo thì ngày nay nó đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của các tòa soạn. Để thích nghi với xu hướng ưa chuộng mạng xã hội của đa số người sử dụng internet, các tờ báo lớn trong và ngoài nước đã cho đăng tải nội dung lên Instant Articles của Facebook; Discover của Snapchat; The News của Apple hay sử dụng công cụ AMP của Google. Các tòa soạn coi đây là một kênh rất quan trọng nhằm gia tăng lượng truy cập của đọc giả cũng như tìm kiếm khả năng tạo nguồn thu nhập cho tòa soạn. Tại Việt Nam, báo chí truyền thống cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ mạng xã hội do số lượng người dùng mạng xã hội liên tục gia tăng. Các trang báo điện tử, mạng xã hội đã đem đến cho đọc giả một cách thức đọc tin mới, nhanh và phù hợp với tâm lý đa số công chúng hiện nay. Nếu như báo in phải cạnh tranh với Facebook, Twister thì truyền hình, truyền thanh lại phải cạnh tranh với Youtube.

Truyền thông xã hội đã làm một cuộc cách mạng trong cách thức cung cấp thông tin cũng như cách thức tiếp cận thông tin của đọc giả. Các trang báo điện tử lớn ở Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc sử dụng truyền thông xã hội để lan tỏa nội dung. Họ đưa các bài viết, đoạn clip lên Facebook, Youtube. Ngoài ra, đa số các báo ở nước ta hiện nay tồn tại song song hai hình thức: báo in và báo điện tử.

Thứ hai, thay đổi thói quen đọc báo. Theo kết quả khảo sáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (RISJ) thuộc trường Đại học Oxford (Anh) vào năm 2016 cho thấy: 51% số người tham gia khảo sát cho biết họ các mạng xã hội như nguồn cung cấp thông tin chủ yếu mỗi ngày của họ. Cũng theo kết quả khảo sát này, số người Mỹ dùng mạng xã hội để tiếp cận thông tin tăng từ 26% trong năm 2013 lên 46% vào năm 2016. Trước đây, thay vì mua báo in để đọc thì đọc giả có thể vào các trang báo điện tử để cập nhật tin tức, còn hiện nay các tin, bài HOT nhất đều xuất hiện trước tiên trên Facebook hay Youtube. Mặc dù truyền thông xã hội không thể thay thế hoàn toàn vai trò của báo chí truyền thống và báo mạng trong việc đưa tin, bài viết nhưng nó sẽ làm giảm đi lượng đọc giả và lượng truy cập từ những nguồn tin khác nhau mà không đổ dồn  một vài trang báo lớn như trước đây.

Thứ ba, sự xuất hiện của truyền thông xã hội đã làm giảm doanh thu quảng cáo của báo chí truyền thống. Với ưu thế về lượng người dùng đông, tính tương tác cao, truyền thông xã hội không chỉ có khả năng kết nối mà còn là vùng đất lý tưởng cho các hoạt động quảng cáo, marketing. Trước đây, nếu như sự ra đời của báo điện tử đã đánh dấu một bước ngoặc trong hoạt động quảng cáo trực truyến (online) tại Việt Nam thì hiện nay truyền thông xã hội đã “chia sẻ” bớt doanh thu từ loại hình quảng cáo này. Lợi thế của Facebook hay Google là có thể phân loại chính xác nhóm người dùng (user group) tức là những nhóm khách hàng mục tiêu theo độ tuổi, giới tính, ngành nghề, sở thích, thu nhập, .... thậm chí là cả tôn giáo. Qua đó, họ đưa những nội dung quảng cáo phù hợp với từng nhóm đối tượng. “Tai nạn nghề nghiệp” trong quảng cáo sẽ xảy ra nếu người làm marketing không tìm hiểu kỹ về khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, chi phí cho quảng cáo trên các mạng xã hội cũng thấp hơn nhiều lần so với các hình thức quảng cáo trên báo in, truyền thanh, truyền hình, pano ngoài trời,… nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Với hiệu quả cao trong khi chi phí thấp, quảng cáo trên mạng xã hội đã thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến. Báo chí truyền thống “sống” được chủ yếu là nhờ nguồn doanh thu quảng cáo và doanh số bán ra.

Tóm lại, để tiếp tục tồn tại và phát triển, yêu cầu tự làm mới mình, nâng cao chất lượng, phát triển theo những thế mạnh riêng có là những yêu cầu thiết yếu mà báo chí truyền thống cần vươn tới trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, báo chí truyền thống cần phải xây dựng chiến lược làm sao giữ chân được đọc giả bằng những tin, bài nhanh và chính xác, giữ chân được các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo.                                                                                   

ThS. Lê Hoàng Trọng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh