THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:40

Cần nhiều tác phẩm báo chí chuyên sâu, có sức lan tỏa

 

Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH tham mưu xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành: Người có công, lao động, xã hội. Để chính sách đó đi vào cuộc sống, báo chí đóng vai trò là cầu nối giữa cơ quan chức năng và người dân. Vì thế, lãnh đạo Bộ luôn quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành. Các đơn vị chức năng của Bộ đã chủ động trả lời, trao đổi, đối thoại với báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các chế độ, chính sách cũng như các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp trong lĩnh vực của ngành cần xem xét hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ đòi hỏi thực tế cuộc sống và quay lại phục vụ cuộc sống con người, đảm bảo an sinh xã hội và ở đây vai trò của báo chí là rất quan trọng.

Thời gian qua, triển khai nhiệm vụ của ngành, Báo LĐ&XH đã có nhiều bài viết chuyên sâu, phân tích bình luận sắc sảo các vấn đề, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh xã hội như: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, bảo hiểm xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm thực hiện quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật,… Báo LĐ&XH đã chủ động đổi mới trong việc tiếp cận thông tin ngay từ khi các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu, chuẩn bị soạn thảo chính sách mới. Một số phóng viên, biên tập viên của Báo có trình độ, tư duy phản biện các chính sách khá sắc sảo.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan tham quan gian trưng bày truyền thông về Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.    Ảnh: MD.

 

Tòa soạn Báo đã xây dựng được nhiều tuyến bài, loạt bài hay, mang đậm chất báo chí và tính thời sự cao mở các chuyên trang, chuyên mục thiết thực như: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; về phòng, chống tệ nạn xã hội để tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện. Sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Báo có nhiều bài viết truyền thông theo chỉ đạo của Chính phủ về dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho những lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt, từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực, Báo đã mở chuyên trang về trẻ em với nhiều bài viết đảm bảo thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.

Hiện có rất nhiều chính sách của ngành được xã hội đặc biệt quan tâm như: Giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, an sinh xã hội,... Bộ LĐ-TB&XH đã chọn năm 2017 là năm “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Đó cũng là nội dung các cơ quan báo chí của ngành cần tập trung truyền thông. Một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của ngành năm 2017 là giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên. Theo đó, các cơ quan truyền thông của ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền về chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ quy mô cấp quốc gia và Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội; Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc; chương trình Kỷ niệm truyền thống 45 năm sự kiện Thành cổ Quảng Trị và chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Thành cổ”; phát động vận động, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương;....

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và thị trường lao động, nhất là nhu cầu của doanh nghiệp, gắn với lĩnh vực giảm nghèo cũng là một trong những nội dung cần tập trung truyền thông. Thực tế đang đặt ra những đòi hỏi bức thiết về việc cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn chặt với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội. Tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực của xã hội để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; tăng cường khả năng tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Mục tiêu tổng quát đặt ra là phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; người học ra trường phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn; người đáp ứng yêu cầu và có nguyện vọng học cần được theo học các chương trình liên thông; không để tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội…

Năm 2017 là năm đầu tiên Chính phủ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm thúc đẩy công tác này chuyển biến thành hành động cụ thể, các cơ quan, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người lao động cùng chung sức nỗ lực góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước. Cùng với đó là việc triển khai hệ thống chính sách, pháp luật mới về ATVSLĐ góp phần nâng cao ý thức của người lao động, người sử dụng lao động. Khi công tác ATVSLĐ đã trở thành nề nếp, thói quen, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ tốt hơn, từ đó nâng cao ý thức và sự quan tâm hơn nữa đến trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Ngoài ra, các tháng hành động về lĩnh vực xã hội cũng tiếp tục được triển khai như: Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6/2017 với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy”; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”,…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ (Bộ LĐ-TB&XH chủ trì) tiếp tục nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, trên cơ sở đó xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, xây dựng, đánh giá chính sách theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khi có đủ điều kiện thì trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và người lao động; đã tạo lập các chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, đưa ra các quy tắc ứng xử cho các chủ thể trong tuyển dụng và sử dụng lao động và thiết lập các hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Bên cạnh đó, những nội dung quy định cụ thể liên quan đến pháp luật do ngành chủ trì cũng cần được tiếp tục truyền thông để triển khai hiệu quả hơn nữa như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ 1/6/2017).

 Trong thời gian tới, Báo LĐ&XH, Báo Dân sinh cần tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ trong việc triển khai các nhiệm vụ của ngành được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Là tờ báo ngành nên muốn phản biện được các chính sách mới hoặc chuẩn bị ban hành, trước tiên các nhà báo, phóng viên của Báo LĐ&XH phải hiểu, nắm bắt kỹ các chính sách, pháp luật liên quan thì mới có những bài viết chuyên sâu, sắc sảo mang tính thuyết phục cao, được bạn đọc đón  nhận. Bên cạnh đó, nhà báo phải luôn bám sát thực tiễn đời sống xã hội, đời sống người lao động để lắng nghe ý kiến phản hồi về các chính sách, pháp luật một cách chính xác, khách quan.

 

ĐÀO HỒNG LAN

Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh