CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:05

Sốt xuất huyết lên đỉnh dịch: Bệnh viện quá tải

 

Bệnh nhân phải nằm ghép 2, 3 người một giường

Hiện thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số ca mắc với hơn 9.000 ca và có 3 trường hợp tử vong; Đồng Nai gần 5.500 ca mắc, 3 ca tử vong; Bình Dương hơn 3.000 ca mắc, 6 tử vong…

Tại Hà Nội ghi nhận gần 3.000 ca mắc; mặc dù chưa có trường hợp tử vong nhưng Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố thừa nhận sốt xuất huyết đang lên tới đỉnh dịch.  Chỉ tính riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tính đến ngày 28/9, đã có 648 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue đến khám và điều trị tại bệnh viện. Nếu trong tháng 8 bệnh viện tiếp nhận 188 bệnh nhân sốt xuất huyết thì đến 9 tăng lên 305 ca, trong đó gần 90% bệnh nhân ở Hà Nội, tập trung ở quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Hiện bệnh viện này đang quá tải trầm trọng do số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng lên mỗi ngày.

Bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép giường

Theo tiến sỹ Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Do đang trong tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông.Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú gần 80 người. Khoa có số bệnh nhân sốt xuất huyết đông nhất là khoa Virus-Ký sinh trùng có 50 bệnh nhân sốt xuất huyết/87 bệnh nhân. Một số phòng bệnh đã diễn ra tình trạng quá tải phải nằm ghép 2, ghép 3 bệnh nhân tại giường.Mặc dù bệnh viện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hạn chế trình trạng quá tải như kê thêm giường, điều chuyển bệnh nhân giữa các khoa…, nhưng theo thạc sỹ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vius-Ký sinh trùng, với điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, mặc dù đã được Bệnh viện giải thích bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, song rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng ký cam kết chịu cảnh nằm ghép để điều trị tại đây...

Người dân cần đi khám ngay khi có biểu hiện nghi sốt xuất huyết

TS. BS. Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. 

Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường dưới 100.000/mm3), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này. 

Tẩm hóa chất vào màn để phòng tránh muỗi, tác nhân gây dịch sốt xuất huyết

Vì vậy, TS Đỗ Duy Cường khuyên người bệnh khi thấy các triệu chứng sau  người bệnh cần đến bệnh viện khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời:

 Sốt cao đột ngột liên tục 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; Có thể phát ban, nổi hạch.

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết.

Đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp.

Thực hiện nghiêm công tác chuyển viện

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê , Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết Cục sẽ chỉ đạo các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiêm công tác chuyển viện; chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết Dengue gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào các nhiệm vụ tuyến cuối đã được Bộ Y tế giao tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công.

 

Thành lập 10 đoàn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2015 tại 20 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Đắk Lắk và Gia Lai. Các đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo sở y tế, văn phòng tỉnh về các hoạt động triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết tập trung vào các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, công tác tuyên truyền và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương.

Thái An/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh