THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:53

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

 

Có sự trùng hợp khi năm nay được xem đúng vào năm “chu kỳ” của dịch bệnh này. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chuẩn bị phương án chống dịch SXH, hạn chế thấp nhất số người tử vong. Bộ Y tế cũng đã triển khai các phương án phòng chống, ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh bùng phát.

Cần phát hiện triệu chứng để điều trị sớm

Ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống tại Khoa Các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện (BV) đa khoa Hà Đông, nơi điều trị nhiều bệnh nhân SXH trên địa bàn thành phố cho thấy, 1/2 số bệnh nhân đang điều trị tại khoa do mắc SXH. Th.BS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó khoa Các bệnh Nhiệt đới (BV đa khoa Hà Đông) cho biết, trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, BV đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân.

 

Bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: PV

 

Nhóm đối tượng mắc SXH rất đa dạng, từ trẻ nhỏ, thanh niên cho đến người già. Một điều đáng lưu ý là đa số các bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng bệnh đã nặng do tự điều trị ở nhà, thậm chí có trường hợp đã có biến chứng nguy hiểm do xuất huyết dạ dày, gan, não...

BS. Bình nhấn mạnh, nếu có những hiện tượng sau thì cần tới ngay các trung tâm y tế để khám và điều trị: sốt cao đột ngột liên tục 39-40oC, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể phát ban, nổi hạch; dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đại tiện phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết; đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Đặc biệt, BS. Bình lưu ý không được uống các loại thuốc hạ sốt gây giảm tiểu cầu như aspirin... mà nên uống các dung dịch điện giải như oresol ngay lập tức để phòng nguy cơ choáng do SXH. Những người có bệnh mạn tính như tim mạch, hen phế quản, các bệnh về dạ dày, xơ gan... cần phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chẩn đoán.

BV Đống Đa cũng là một trong những BV có bệnh nhân SXH nhập viện đông. Từ ngày 1/9 tới nay, đã có hơn 20 ca nhập viện vì SXH.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh nhân SXH đã được tiếp nhận điều trị nội trú. Theo BS. Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng Khoa Virut - Ký sinh trùng, từ 3 tuần qua, mỗi ngày khoa này tiếp nhận 10-20 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân SXH chủ yếu là người lớn, trong đó có nhiều thanh niên. Trong 10 ngày đầu tháng 9, số bệnh nhân nhập viện do SXH tăng gấp đôi so với cả tháng trước đó.

SXH đang diễn biến phức tạp

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9 nêu rõ: Tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Mặc dù, năm 2014 là năm có số người mắc bệnh SXH thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, bệnh SXH có thể tăng vào cuối mỗi chu kỳ. So với cùng kỳ năm 2014, năm 2015 số người mắc SXH có xu hướng gia tăng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính triển khai các giải pháp cụ thể để đảm bảo công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 11/9, Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, năm nay SXH đến sớm hơn và kéo dài hơn năm 2014. Tại Việt Nam, số mắc SXH trung bình hằng năm dao động từ 50.000-100.000 trường hợp.

Một điều đáng lưu ý rằng, bệnh không lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc mà phải qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Vì vậy, trong một gia đình mà có nhiều người bị SXH là do cùng bị những con muỗi mang virut đốt và truyền bệnh. Muỗi vằn truyền bệnh SXH chỉ cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày chứ không phải ở cống rãnh, ao tù, nước bẩn như nhiều người lầm tưởng. Vì vậy, ngay trong nhà của chúng ta, những nơi không ngờ nhất như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để lọ hoa trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ dọc xóm ngõ hoặc sân thượng... là nơi sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Mỗi ngày, chỉ cần 5 phút để đổ bỏ, vệ sinh những dụng cụ chứa nước sạch sẽ xóa sổ được nơi cư trú của muỗi vằn.

 

Dễ nhầm SXH với sốt phát ban, sốt virut

BS. Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Đống Đa cho biết, đa phần người bệnh nhầm lẫn SXH với các bệnh lý tương tự như sốt phát ban, sốt virut, hoặc chủ quan, dẫn đến điều trị không đúng, nhập viện muộn. Vì vậy, khi có triệu chứng bất thường người dân cần chú ý phân biệt. Đó là dùng tay căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ), nếu thấy chấm đỏ đó mất đi là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti thì đó là SXH. Với trẻ em, nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao từ 2 ngày trở lên và có hiện tượng xuất huyết dưới da thì cha mẹ cần đưa trẻ vào bệnh viện theo dõi, tránh việc tự ý điều trị hay lạm dụng truyền dịch để bù nước.

Tại Việt Nam lưu hành 4 týp virut SXH khác nhau, mỗi người đều có thể mắc SXH mỗi lần 1 týp. Như vậy, 1 người có khả năng mắc SXH rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Đến nay, SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh