THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:50

Bất thường dịch sốt xuất huyết

 

Nhiều dịch bệnh đang “nóng”

 Tại khu vực các tỉnh phía Nam, dịch sốt xuất huyết đang “nóng”, với số các ca mắc tăng nhanh. Tại TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh tập trung nhiều ở quận Thủ Đức, quận 3, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh. Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có trên 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Dịch sốt xuất huyết vẫn đang gia tăng ở một số tỉnh phía Nam. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

 

Còn tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận gần 300 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2014, tập trung chủ yếu ở các quận: Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hà Đông…

 Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch sốt xuất huyết năm nay có diễn biến khá bất thường. Theo quy luật thì đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 7 đến 8 hàng năm, khi thời tiết nắng nóng kèm theo mưa. Tuy vậy, năm nay dịch đã xảy ra ngay từ đầu năm và vẫn kéo dài tới hiện nay. “Dịch sốt xuất huyết đang bắt đầu bước vào thời kỳ cao điểm và rất có thể dịch sẽ kéo dài tới tháng 12 như năm 2014”, ông Trần Đắc Phu khẳng định.

 Bên cạnh sốt xuất huyết, một số dịch bệnh mùa hè tuy chưa bùng phát, nhưng cũng đã có những ghi nhận ca nhiễm bệnh. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) năm nay chưa phải là năm của dịch bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng trong tuần đầu tháng 7, đã ghi nhận 53 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho biết, trong tuần vừa qua, có khoảng 16.000 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt, trong đó có 8 - 9% bị viêm giác mạc, kết mạc.

Với ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, hiện tại dịch đã được khống chế. Tới ngày 19/7, chưa có thêm trường hợp nào mắc bệnh, người dân cũng đã hợp tác nhằm khoanh vùng dịch, không để lây lan. Trước đó, từ ngày 30/6 đến ngày 15/7/2015 tại xã Phước Sơn đã ghi nhận 13 trường hợp sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng ở độ tuổi từ 1 - 45 tuổi. Từ ngày 7 - 12/7/2015 đã có 3 trường hợp tử vong, 10 người có biểu hiện bệnh.

 ÔngTrần Đắc Phu cho biết: “Dịch bạch hầu xảy ra lần này ở tỉnh Quảng Nam là ngẫu nhiên, đây là bệnh Việt Nam chưa thanh toán được và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ổ dịch tại Quảng Nam dễ lan rộng vì người dân vẫn còn những phong tục tập quán lạc hậu, thường đi núi nhiều ngày, nên ít được tiếp cận các đợt tiêm chủng, nhiều người bị bệnh nhưng chỉ đi cúng bái, mà không muốn đi bệnh viện”.

 Quyết liệt xử lý dịch

 Trước tình hình nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để ngăn chặn.

Với dịch bạch hầu, hiện tại, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam tiến hành xét nghiệm xác định bệnh, thu dung bệnh nhân, khoanh vùng, xử lý ổ dịch bạch hầu, vận động người dân hợp tác để ngăn chặn dịch lây lan ra các vùng lân cận.“Công tác phòng chống dịch đang được thực hiện một cách triệt để tại địa bàn xã Phước Lộc với các hoạt động: Tổ chức khám họng cho tất cả người dân trong vùng dịch, tổ chức cho người dân uống kháng sinh, sắp tới sẽ tiến hành tiêm vắcxin phòng bệnh một cách rộng rãi trong toàn xã cho tất cả các đối tượng chưa được tiêm chủng phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng đã điều một đội phòng chống dịch cơ động tới địa phương, túc trực tại địa bàn 24/24 để theo dõi sức khỏe người dân, kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh, vận động người dân đi khám, điều trị bệnh, và tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

 Với dịch sốt xuất huyết, nhằm tích cực phòng chống dịch, ngày 8/7, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác do PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn và đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Lãnh đạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đại diện Bệnh viện Nhi đồng II, TP Hồ Chí Minh đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đoàn kiểm tra đã xuống thực địa các điểm nóng về sốt xuất huyết để khảo sát và hướng dẫn người dân cách xử lý khi có dịch.

Trong đợt kiểm tra, Cục Y tế dự phòng cũng đã chỉ đạo các địa phương có dịch: Thành lập đội đặc nhiệm làm công tác phòng chống sốt xuất huyết cho từng khu phố, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng một cách triệt để, đảm bảo đúng kỹ thuật và bao phủ 100% các hộ gia đình; làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp để vận động công nhân thực hiện diệt lăng quăng tại khu vực nhà trọ, bố trí thời gian phun hóa chất tại khu vực nhà trọ phù hợp với giờ làm của công nhân, đảm bảo tất cả các hộ công nhân trong nhà trọ thuộc khu vực nguy cơ xảy dịch đều được phun hóa chất diệt muỗi…

 Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vật tư và đảm bảo không để thiếu vật tư, hóa chất xử lý các ổ dịch nếu xảy ra. 

báo quảng nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh