THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:49

Các tỉnh phía Nam: Dịch sốt xuất huyết vào mùa

 

*Sốt xuất huyết có nguy cơ tăng mạnh trong năm 2015

Báo cáo đầu tháng Năm của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, thành phố đã ghi nhận 3.855 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tại một số địa phương khác như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa số bệnh nhân mắc SXH cũng đang có xu hướng gia tăng.

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh SXH rồi lại đốt người khỏe mạnh. Do đó người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2014 số mắc SXH giảm sâu so với năm 2013 và ở mức thấp nhất giai đoạn từ 2003 đến nay. Số mắc giảm từ khoảng 100 nghìn trường hợp mỗi năm giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn hơn 30 nghìn trường hợp năm 2014; tử vong giảm từ 100 trường hợp giai đoạn này xuống còn dưới 30 trường hợp năm 2014. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai mạnh mẽ các hoạt động giám sát, phát hiện ổ dịch, các ổ dịch chưa được xử lý triệt để. Sự quan tâm của chính quyền đối với công tác phòng, chống dịch còn hạn chế; kinh phí bị cắt giảm và chưa được đầu tư đúng mức đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác phòng, chống SXH...

 

Phun hóa chất phòng chống dịch SXH

 

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 10 nghìn trường hợp mắc SXH tại 41 tỉnh, thành phố, trong đó có tám trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 25,4%; tử vong tăng năm trường hợp. Ðáng chú ý, trong khi các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, miền trung đang có xu hướng giảm, thì các tỉnh, thành phố khu vực phía nam tăng 33,8%. Ðiển hình các tỉnh, thành phố có số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: TP. Hồ Chí Minh (42,9%), Ðồng Nai (74,7%), An Giang (62,3%), Sóc Trăng (67,5%), Long An (36,4%)...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, với diễn biến phức tạp về thời tiết như hiện nay, nhất là đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Trong khi đó, nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy còn thấp, tình trạng di biến động dân, giao lưu giữa các vùng, miền liên tục tăng, có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng là những điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và bệnh SXH lan rộng. Ðáng chú ý, theo chu kỳ, tình hình SXH có thể có nguy cơ tăng mạnh trong năm 2015. Mặc dù số mắc hiện nay giảm so với giai đoạn đầu năm, tuy nhiên vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ năm 2014.

*Chủ động phòng chống dịch

Ở Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch ở các nơi, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen phải tích trữ nước sạch trong lu, bể dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản.

 

Vệ sinh chum, vại, diệt bọ gậy để phòng dịch

 

Bên cạnh đó việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh, cộng thêm điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô,… là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh SXH thời gian tới, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, đề ra các giải pháp chỉ đạo quyết liệt và bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống SXH. Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể huy động quần chúng nhân dân phối hợp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, nhất là các vùng nguy cơ bùng phát dịch. Bộ Y tế cũng yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sẵn sàng cấp cứu và điều trị người bệnh, nhất là thực hiện chuyển tuyến kịp thời tránh hiện tượng người bệnh không được chẩn đoán và phân loại một cách chính xác... Thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống SXH tại địa phương, nhất là tại các điểm nóng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng...

 

Tẩm hóa chất vào mùng, màn để chống muỗi

 

Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

3. Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh