THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

Số hóa thông tin mở ra cơ hội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

 

Mong ước của 3 thế hệ

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng vết thương nó để lại vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay. Hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống vì hòa bình - độc lập dân tộc, số khác để lại một phần máu xương nơi chiến trường. Trong con số hàng triệu liệt sĩ đã hy sinh, không phải ai cũng may mắn được đưa về quê hương an nghỉ, nhiều liệt sĩ chưa xác minh được thông tin, số khác vẫn đang nằm lại ở những vạt rừng nơi chiến trường xưa. Việc tìm kiếm, quy tập các hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh là niềm mong mỏi lớn lao của các gia đình thân nhân liệt sĩ và là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước trong những năm qua.

Những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp tìm về gia đình bà Vũ Thị Kiểm (vợ liệt sĩ Vũ Kim Chung) tại Xóm Điện Biên, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định để lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện xúc động về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

 

Gia đình bà Vũ Thị Kiểm (vợ liệt sĩ Vũ Kim Chung) là trường hợp điển hình tìm kiếm được thân nhân của mình thông qua Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ


Ngồi lục lại những trang hồ sơ đã mục nát, bà Vũ Thị Kiểm cho chúng tôi biết, liệt sĩ Vũ Kim Chung sinh năm 1940 tại xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1964 ông Chung cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa xung phong ra chiến trường. Theo bà Kiểm do điều kiện chiến tranh gian khổ kể từ khi ông Chung lên đường nhập ngũ, gia đình không còn nhận được bất cứ thông tin nào từ ông. Cho đến một buổi sáng năm 1968, bà Kiểm đang làm đồng thì nhận được tin như sét đánh bên tai, giấy báo tử đơn vị ông gửi về.

Chồng hy sinh nơi chiến trường, bà Kiểm vất vả một mình nuôi người con trai duy nhất Vũ Đình Chính. Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã khi anh Chính con trai bà đau ốm triền miên, khiến cho cuộc sống gia đình càng khó khăn. Đến năm 1997 sau một cơn tai biến, đôi chân của anh Chính bại liệt hoàn toàn, không còn khả năng đi lại. Gánh nặng kinh tế dồn cả vào vợ anh là chị Vũ Thị Nguyệt và người mẹ già Vũ Thị Kiểm.

Cuộc sống khó khăn, điều kiện kinh tế hạn hẹp khiến tâm nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của gia đình bà Kiểm nhiều lần phải gác lại. Tuy nhiên, hơn 50 năm chưa ngày nào gia đình bà Kiểm nguôi hy vọng tìm kiếm thông tin về liệt sĩ Vũ Kim Chung chồng bà. Gia đình bà Kiểm đã nhiều lần tìm đến các đồng đội cùng đơn vị của liệt sĩ Vũ Kim Chung, những cựu chiến binh trong xã nhập ngũ cùng để hỏi thăm thông tin. Nhưng với những mẫu thông tin chắp vá của những người đồng đội giờ đã khi nhớ khi quên, thời gian qua đi thông tin ngày càng ít khiến cho những nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của gia đình bà Kiểm như rơi vào vô vọng.

 

Nhờ cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ tìm được người thân

Hơn 50 năm bặt vô âm tín, chỉ có vỏn vẹn một tờ giấy báo tử và tấm bằng tổ quốc ghi công, hy vọng tìm kiếm được thông tin về liệt sĩ Vũ Kim Chung tưởng như đã hẹp dần, thì đến 2018 may mắn cuối cùng cũng đã mỉm cười với gia đình bà Kiểm. Khi đang làm việc trên Hà Nội, chị Vũ Thị Nguyệt (con dâu liệt sĩ Vũ Kim Chung) tình cờ được một người quen giới thiệu về cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Không phải là người rành về công nghệ nên chị Nguyệt đã gọi điện cho người con trai là Vũ Văn Thường đang làm thủy thủ tàu viễn dương tìm hiểu tra cứu thông tin.

 

 

Anh Vũ Văn Thường (cháu nội liệt sĩ Vũ Kim Chung) chia sẻ:“ Khi mới tiếp cận được với cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, bản thân tôi và gia đình vẫn luôn nuôi hy vọng dù là nhỏ nhất để tìm kiếm hài cốt ông mình. Chính vì vậy, khi gia đình được người quen giới thiệu về cổng thông tin, tôi  mầy mò tìm hiểu và truy cập vào cổng thông tin để tìm kiếm trong danh sách rất nhiều liệt sĩ có cùng tên, rà soát thông tin thì thật bất ngờ tìm kiếm được một liệt sĩ có các thông tin khớp với thông tin của ông tôi. Cảm xúc khi đó thật nghẹn ngào, hy vọng tìm kiếm được ông tôi sau hơn 50 năm cuối cùng cũng được thắp lên”.

Mặc dù đã tìm được thông tin về phần mộ liệt sĩ Vũ Kim Chung, song do gia đình neo người, hoàn cảnh khó khăn. Phải đợi đến giữa năm 2019 khi người cháu trai Vũ Văn Thường  kết thúc chuyến đi biển trở về gia đình mới có thể bắt đầu tiến hành các thủ tục giấy tờ. Được sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan chức năng, chỉ hơn 1 tháng đến ngày 28/6, gia đình bà Vũ Thị Kiểm đã đưa được hài cốt chồng mình là liệt sĩ Vũ Kim Chung từ nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

 

Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là một kênh thông tin hữu ích cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ


“Với tôi, việc đưa ông nội  trở về gần với gia đình, quê hương như một món quà dành cho bà và bố. Sau hơn 50 năm gia đình trông ngóng mà vẫn chưa tìm được ông, với trách nhiệm của một người cháu đi tìm ông, tôi hy vọng đây sẽ là món quà tinh thần về cuối đời để bà và ông được mãn nguyện”, anh Vũ Văn Thường chia sẻ.

Đã hơn 1 tháng kể từ khi đưa hài cốt liệt sĩ Vũ Kim Chung về với quê hương, gia đình bà Kiểm vẫn không khỏi xúc động: “Nếu không có Cổng thông tin điện tử có lẽ gia đình chẳng bao giờ tìm thấy ông ấy, vì có hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ làm sao có thể biết được ông đang nằm ở đâu. Nhiều gia đình trong xã cũng đã đi từng nghĩa trang những vẫn không thể tìm thấy được thân nhân của mình. Việc đưa được hài cốt  ông về quê quán, về với gia đình chòm xóm là điều gia đình chúng tôi rất phấn khởi, vậy là tâm niệm lớn nhất của toàn thể gia đình tôi trong suốt hơn 50 năm qua đã được hoàn thành" bà Kiểm xúc động nói.

 

Ngày 26/7/2018, Cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ tại địa chỉ www.thongtinlietsi.gov.vn chính thức được đưa vào hoạt động. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Đến nay sau hơn 1 năm đi vào hoạt động Cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đã thu thập được thông tin của hơn 3.000 nghĩa trang liệt, 857.527 mộ liệt sĩ và hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được chụp lại.

Các nội dung hiển thị trên Cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ gồm: Danh sách các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được phân chia rõ đến tận quận/huyện thuộc các tỉnh/thành phố; Bản đồ chỉ đường đến nghĩa trang; Hình ảnh tổng quan của nghĩa trang; Sơ đồ khu mộ trong nghĩa trang; Danh sách mộ, hình ảnh từng ngôi mộ trong nghĩa trang.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào tìm kiếm thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ đang góp phần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, hình ảnh chính xác về từng phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước đang mở ra nhiều cơ hội giúp các gia đình thân nhân liệt sĩ có cơ hội tiếp cận tra cứu thông tin, tìm kiếm thân nhân. Đây là một trong những việc làm tích cực góp phần tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh