THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

Sinh viên với nghề xe ôm “công nghệ cao”

Chỉ cần xe máy và điện thoại thông minh

Ngoài giờ học, hầu hết sinh viên thường tìm cho mình những công việc như phục vụ quán cà phê, gia sư,... để kiếm thêm thu nhập cũng như có thêm kỹ năng sống. Nhưng ai cũng biết đến những hạn chế mà những công việc này mang lại: lương thấp và hay bị gò bó về thời gian làm việc.

 

Sinh viên Phạm Huy Thành.

Xe ôm công nghệ xuất hiện như một luồng gió mới dẫn đến phong trào chạy xe của những bạn trẻ thông qua những ứng dụng trên điện thoại như GrabBike, Uber Moto... Chỉ cần có xe máy, một chiếc smart phone có tích hợp 3G, bạn có thể dễ dàng trở thành một tài xế kiếm được bạc triệu mỗi tháng.

 Phạm Huy Thành (sinh năm 1997, ĐH Bách Khoa) chia sẻ: “Mình được bạn giới thiệu đến Grab, thấy công việc giờ giấc linh hoạt mà lại không mất nhiều thủ tục nên đăng ký đi làm thử. Thấy công việc cũng ổn định nên cứ thế chạy xe đến giờ. Có tháng chạy ít thì đỡ phần nào sinh hoạt phí, có tháng nghiêm túc chăm chỉ thì cũng rủng rỉnh túi tiền, có khi cũng được 5 - 7 triệu.”

Khác với Thành, Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1995) cho biết sau khi ra trường, do không tìm được công việc đúng như ngành nghề theo học, Tuyến đã quyết định gắn bó với “nghề” xe ôm, cái “nghề” đã bén duyên từ lúc còn đi học. Tuyến tâm sự: “Thời đi học chạy vài cuốc “chơi chơi” cũng kiếm được kha khá, giờ thành cái nghề rồi. Chịu khó chút có khi còn kiếm được hơn cả dân văn phòng”.

 

Sinh  viên Nguyễn Văn Tuyến.

Nghề kiếm cơm không dễ

Ai cũng nghĩ xe ôm thời công nghệ số đơn giản lại dễ kiếm tiền nhưng sự thật là công việc này cũng có những nhược điểm của riêng nó.

Không chỉ có tài xế nam như thông thường, rất nhiều bạn nữ cũng trải nghiệm thử cảm giác được làm tài xế. Gặp những vị khách đồng giới hoặc khác giới lịch sự thì không sao nhưng chẳng may vô tình gặp phải khách say xỉn, vô ý thức thì việc bị quấy rối, sàm sỡ không phải quá lạ lẫm.

Bên cạnh đó, công việc này cũng có khả năng bị tai nạn giao thông cao hơn các công việc khác. “Thời gian phải chạy xe rất nhiều, đôi lúc vừa chạy xe vừa phải nghe điện thoại. Có nhiều lần suýt bị tai nạn cũng sợ lắm, chỉ biết tự nhủ phải điều chỉnh tốc độ, tuân thủ đúng luật giao thông mà đi không thì cả xế cả khách cùng tai nạn thì khổ” - Thành nói.

 

Sinh viên chạy Grab.

Không dừng lại ở đó, khi màu áo xanh Grab tràn ngập khắp phố phường, các tài xế công nghệ thường xuyên gặp trở ngại từ những tài xế xe ôm truyền thống. Trong khoảng thời gian gần đây những vụ tranh giành khách, ẩu đả đã diễn ra tại khắp các bến xe lớn nhỏ. Những cô cậu sinh viên xe ôm công nghệ không ít lần bị nghe mắng chửi, tệ hơn nữa là “ăn đòn” vì “cướp khách”, “cướp kế sinh nhai” của xe ôm truyền thống “một cách dễ dàng”.

Đối với những sinh viên mà nói, không thể phủ nhận rằng khó có thể kiếm được việc làm thêm nào khả dĩ hơn chạy xe ôm công nghệ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, công việc này cũng ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm tiềm tàng. Các bạn trẻ cần phải có cái nhìn thật chín chắn khi coi xe ôm công nghệ là nghề chính thống sau này.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, do giá rẻ, hiện tại ở Hà Nội nhiều người đã chọn phương tiện xe ôm công nghệ để di chuyển hằng ngày. Một số cán bộ công chức ở khu vực Cầu Giấy Hà Nội cho biết, dịch vụ xe ôm tiện ích này giả cả thấp hơn một nửa so với đi xe ôm truyền thống như trước đây. Điều làm cho khách hàng thích nữa là giá được hiển thị ngay trên điện thoại khi đặt xe nên người dùng an tâm vì không bị “chặt chém”. Đặc biệt, với dịch vụ xe ôm công nghệ, khách hàng đều có số điện thoại, họ tên đầy đủ của tài xế để yên tâm hơn khi di chuyển.

NGỌC DIỆP - THU HUẾ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh