Sinh viên làm thêm mùa hè
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 20:47 - 07/06/2016
Sinh viên làm thêm có thể chi trả các khoản chi phí học hành.
Nhọc nhằn công việc không tên
Lê Thị Dung quê ở xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá), cô sinh viên năm hai của đại học Vũng Tàu nhận giúp việc nhà cho một gia đình bộ đội về hưu từ 6 giờ đến 8 giờ mỗi ngày. Với công việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, tiền công 2,5 triệu đồng/ tháng. Thay vì nghỉ hè thăm bố mẹ ở quê, thì Dung ở lại thành phố để làm việc để kiếm tiền cho năm học mới.
Một ngày mới bắt đầu của cô sinh viên năng động này bắt đầu từ 6 giờ sáng cho một gia đình cán bộ về hưu. Công việc không tên như quét nhà, dọn nhà vệ sinh, lau chùi bàn ghế... cho căn nhà 4 tầng, làm Dung mệt phờ mướt mồ hôi. Dung tâm sự: “Em không sợ mình xấu hổ vì làm ô sin, nhưng mỗi lần lau được 12 căn phòng leo từ tầng 1 lên tầng 4 chân đã mỏi rời, mà đâu phải mình việc ấy, nào quét dọn, giặt giũ quần áo nữa chứ. Các bạn em chỉ nhận một việc lau nhà, em thì nhận 3 việc một lúc. Gia đình em nghèo không có tiền nên em phải tự lo hết. Nhọc nhằn cỡ nào em cũng học hết đại học. Nhiều hôm hai bác chủ nhà thấy em siêng năng, chịu khó ,thật thà nên thỉnh thoảng mời dùng bữa cùng gia đình. Hôm nào ít việc bác chủ cho về sớm mà ôn bài, tiền công bác đưa thường là hơn thoả thuận”.
Còn Nhật Linh, cô SV đến thành phố Vũng Tàu từ tỉnh lẻ Nghệ An. Nhờ Trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên của Thành đoàn thành phố Vũng Tàu mà Linh giúp việc nhà cho gia đình cô giáo Minh ở trường Tiểu học cơ sở Phước Thắng từ 19 đến 21 giờ. Công việc của Linh là lau nhà rửa chén bát. Cô giáo Minh có chồng đi biển xa, thấy Linh tháo vát, siêng năng nên nhiều bữa mời Linh ăn cơm cùng mẹ con cô giáo và rủ Linh ngủ lại cho vui, nhà có hai mẹ con cũng trống trải. Linh bảo: “Niềm vui nho nhỏ mà em có được không chỉ là đồng tiền tự lực kiếm ra trang trải cho học tập, mà quan trọng hơn là em đã biết tự lo liệu cho cuộc sống, biết tự thân vận động. Đó cũng là cách chứng minh năng lực của mình”.
Sinh viên Lành làm thêm chạy bàn cho nhà hàng Đông Xuyên, Vũng Tàu.
Nhiều sinh viên khi còn sống với gia đình không phải làm việc nhà, nhưng với ý chí đi làm để tự lập, kiếm được đồng tiền từ sức lao động của mình nên các bạn đã đăng ký dịch vụ giúp việc nhà. Lành- nam SV năm thứ nhất của Cao đẳng cộng đồng đến từ Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã nhận giúp việc nhà cho một quán phở trên đường 3/2, phường 4, thành phố Vũng Tàu, mặc dù gia đình Lành khá giả và Lành cũng không thiếu tiền học. Nhưng Lành nghĩ: “Được làm việc trước khi ra trường là điều kiện để thực hành năng lực và tính kiên trì của mình. Em thích đi làm để không dựa dẫm vào ba mẹ, lại còn có tiền vào thư viện, đi sinh nhật bạn bè”. Những ngày đầu, Lành cũng bỡ ngỡ với công việc, lại hơi mặc cảm “con trai đi làm ô sin”. Sau đó thấy nhà chủ coi mình như người nhà nên Lành thoải mái và làm việc tận tuỵ. Khoẻ mạnh, tính nết sạnh sẽ, làm gì cũng chu đáo nên bà chủ sẵn sàng trả công cho Lành 3 đồng/ tháng, bởi kiếm được người giúp việc sạch sẽ, gọn gàng, thật thà đâu dễ.
Nỗi buồn biết ngỏ cùng ai?
Khi sinh viên phải chấp nhận đi làm ô sin đồng nghĩa với chấp nhận nhọc nhằn tủi hổ, thậm chí cả đắng cay, cám dỗ, nhẫn nhục, mất mát. Bởi không phải ai cũng tìm được công việc suôn sẻ xuôi chèo mát mái, không phải sinh viên nào cũng được gia chủ quí mến như Dung, Linh, Lành. Với 2,5 đến 3 triệu đồng /tháng làm thêm, cũng chỉ đủ tiền thuê nhà và trang trải tiền lặt vặt chi tiêu như bạn bè, sinh nhật, còn quần áo ăn uống phải có gia đình “viện trợ”. May mắn giúp việc cho gia đình tử tế thì lương hưởng trọn và đều, còn lỡ gặp gia đình “lỳ” phải chịu thiệt thòi, đôi khi mất “cả chì lẫn chài”. Và hai tiếng “làm thuê” cũng phiền hà và nhiều bi kịch xảy ra từ đó.
Cô SV Nguyễn Thị Hiền, nhận giúp việc cho một gia đình hai vợ chồng không có con. Vợ chồng gia chủ thường “chiến tranh lạnh” với nhau nên nhiều khi Hiền cũng khổ lây. Công việc của cô là dọn dẹp nhà cửa và giặt đồ cho cả nhà. Cô phải làm từ 8 giờ tối đến 10 giờ tối, có hôm gần 11 giờ khuya mới ra về. Về phòng trọ , người mệt lả chỉ nuốt vội gói mì tôm là lăn ra ngủ, lấy sức khoẻ sáng mai đến trường. Làm được 3 tháng thì Hiền bị đuổi việc vì can tội “mèo mả gà đồng” với chồng bà chủ. Hiền kể: “Làm ô sin có sung sướng gì đâu. Dù ông bà chủ có thương đến mấy mình vẫn là con ở, người làm công. Công việc không nặng nhọc là bao nhưng tủi nhất là mỗi khi không được ý nhà chủ. Họ chì chiết, bóng gió, dằn mặt. Nhục nhất là bị ông chủ lợi dụng và bắt làm người tình, nhưng em không chịu thế là ông ấy cưỡng bức. Em bị đuổi việc. Thà bị đuổi việc chứ em không thể làm ở nhà như thế”.
Giờ làm thêm của sinh viên Lê Thị Dung.
Có lẽ những sinh viên giúp việc nhà không may mắn như Hiền không phải là phổ biến, nhưng dù sao đó cũng là một tình huống cho những sinh viên cần biết khi có nhu cầu làm ô sin. Mà làm ô sin cho tư nhân thì làm gì có “hợp đồng lao động” trên cơ sở pháp luật, mà chỉ “hợp đồng miệng” thoả thuận với nhau, nên nhà chủ thích thì cho làm tiếp, trả công sòng phẳng, trái ý thì chủ nhà đuổi thẳng cổ, thậm chí không trả tiền công. Thiệt thòi vẫn là người giúp việc.
Thích sinh viên làm ô sin
Đa số những gia đình cần người giúp việc đều thích ô sin là sinh viên. Ông Thể là bộ đội Hải Quân về hưu - chủ nhà của Dung cho biết: “Thuê sinh viên giúp việc có nhiều cái lợi. Các em không chỉ có trình độ hiểu biết mà lại siêng năng. Chúng tôi coi như trong gia đình có thêm một người thân thiết. Nhiều bữa tôi để quên tiền trong túi quần, khi cháu Dung mang đồ đi giặt thấy tiền trả lại. Nhà tôi có thằng cháu ngoại, trước đây lười học mà nghịch ngợm lắm, từ ngày cháu Dung đến giúp việc và chỉ cho nó học thêm, nó ngoan ra và không cãi lại ông nữa”.
Hay cậu sinh viên Long đã lọt vào mắt của chị chủ quán bán hàng điện tử cao cấp. Chị phát hiện ra cậu sinh viên tài lẻ này trong một lần sửa xe giúp chị khi xe đứt xích giữa đường. Long giúp chị dọn dẹp đồ điện với 1,6 triệu đồng/tháng, ngày làm 2 tiếng buổi tối. Thấy Long nhiệt tình và thông minh, chị nhờ luôn “cai quản học hành” cho hai thằng “nhóc” nhà chị. Lương Long nhận được thêm 2 triệu đồng nữa. Vậy là cậu có đủ tiền trang trải học phí, nhà trọ ăn uống...
Sinh viên đi làm thêm ngày hè có cái lợi là chưa bao giờ gia chủ phàn nàn về tính nhiệt tình. Có lẽ “cái mác sinh viên” đã gây ấn tượng cho nhà chủ hơn là những người khác. Thỉnh thoảng có chủ nhà cũng chê bai về “tay nghề” của sinh viên còn vụng hoặc chạy sô nhiều nên làm việc còn vội vàng, không kỹ. Nhưng điều quí nhất của sinh viên là biết tự thân vận động, khắc phục khó khăn, và luôn sẵn lòng hi sinh, khẳng định nghị lực vượt khó, chứng minh sự năng động của mình, đó là bước khởi đầu cho một hành trang mới.