CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:33

Mối họa cực hiểm nguy của nghề xe ôm

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM ít nhất có 2 vụ án người chạy xe ôm bị giết chết. Gần đây nhất là trường hợp ông Lưu Thanh Sơn (SN 1955, ngụ quận 2) trong lúc chở Nguyễn Hoàng Minh (SN 1996, ngụ quận Bình Thạnh) từ quận 1 về quận Bình Thạnh thì bị hắn siết cổ chết và cướp tài sản. Hiện nhiều người chạy xe ôm lo lắng về sự nguy hiểm trong nghề.

Kế sách bảo toàn tính mạng

Ông Lê Văn Sỹ (SN 1987, chạy xe ôm ở Bến xe Miền Đông) cho biết có lần ông chở một thanh niên trước bãi xe 397 trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) về phường Thạnh Lộc (quận 12) với giá 60.000 đồng. “Thời điểm đó là 2 giờ sáng. Người này trên vai có một ba lô, mặc quần đùi, áo thun, thân hình gầy gò” - ông Sỹ nhớ lại.

Khi chở đến Ngã Tư Ga, người khách đổi lộ trình, yêu cầu chạy lên xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) và cho ông Sỹ thêm 20.000 đồng để đổ xăng. Mặc dù chưa đến địa điểm nhưng gã thanh niên yêu cầu dừng lại trước đoạn đường tối. Nghi chuyện chẳng lành, ông Sỹ tìm cách hoãn binh. Thấy vậy, hắn rút trong người ra một vật nhọn giống như con dao gí vào lưng ông Sỹ. Biết mình đang gặp cướp, ông Sỹ năn nỉ: “Tôi còn đứa con bị bệnh ở nhà. Tôi cho chú toàn bộ tài sản, miễn sao được an toàn”. Tên cướp nghe vậy liền giục ông Sỹ đưa tiền, điện thoại. Ông Sỹ xin phép xuống xe để mở cốp lấy ví tiền. “Đây chỉ là chiêu để tôi đối phó với tên cướp. Trong lúc hắn lơ là, tôi đã đánh mạnh vào cánh tay rồi bỏ chạy” - ông Sỹ kể và cho biết khi nghe tiếng tri hô, tên cướp sợ bị bắt nên bỏ chạy.

Theo ông Sỹ, lúc đó nếu không bình tĩnh để xử lý tình huống thì coi như toi mạng. Từ đó về sau, mỗi khi chở khách đêm khuya, ông Sỹ đều “nhìn mặt gửi vàng”, thấy khả nghi là từ chối ngay.

 

Nguyễn Hoàng Minh (trái) trước khi tấn công ông Lưu Thanh Sơn để cướp tài sản hôm 23-2. (Ảnh trích từ camera an ninh)
Nguyễn Hoàng Minh (trái) trước khi tấn công ông Lưu Thanh Sơn để cướp tài sản hôm 23-2. (Ảnh trích từ camera an ninh)

 

Nhóm xe ôm của ông Nguyễn Văn Mạnh (tổ tự quản xe ôm khu vực An Lạc, quận Bình Tân) cũng hay gặp phải cướp và bọn xin đểu, mỗi năm ít nhất 3-4 trường hợp. Do có kinh nghiệm nên nhóm của ông đã không bị cướp mà còn tóm gọn kẻ có ý định xấu.

Theo ông Mạnh, cuối năm 2015, ông chở một thanh niên gần cầu vượt Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1 lúc 3 giờ sáng. Người này yêu cầu chở về xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Nhận thấy đêm khuya, đối tượng khả nghi và vị trí thuận lợi cho việc cướp nên ông Mạnh nghĩ có khả năng gặp chuyện chẳng lành. Vì vậy, trước khi chở khách đi, ông đã liên lạc một số anh em chạy xe ôm có nhà gần đó để sẵn sàng hỗ trợ khi xảy ra chuyện.

Thay vì đi đường tắt, tối tăm, ông Mạnh chọn tuyến đường nhiều người lưu thông dù biết khá xa. Quả như dự tính, vừa chạy vào một con hẻm vắng, gã thanh niên liền yêu cầu dừng xe để đi vệ sinh. Ông Mạnh lén lấy điện thoại gọi người thân phục kích gần đó ứng cứu. Tuy nhiên, chưa kịp hành động, ông bị người thanh niên gí dao vào cổ. “Miệng van xin, tay tôi lén rút chìa khóa. Để đánh lạc hướng tên cướp, tôi đưa chiếc ví. Khi hắn vừa cầm cũng là lúc tôi bỏ chạy và tri hô: “Cướp, cướp”. Nghe tiếng kêu cứu và chó xung quanh sủa inh ỏi, tên cướp luống cuống leo lên xe máy nhưng không có chìa khóa nên phải chạy bộ. Sau vụ đó, tôi bị mất ví tiền nhưng cũng là một bài học cảnh giác, cẩn thận hơn với những vị khách có biểu hiện đáng nghi”.

Túng quá làm liều

Trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động, một trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP HCM cho biết trước kia, anh từng nằm vùng, giả dạng xe ôm nên nắm rất rõ tâm lý tội phạm. Theo anh, những kẻ muốn cướp tài sản của giới xe ôm thường rơi vào cảnh túng quá làm liều, như dân chơi ma túy, cá độ, nghiện game, nợ nần... Chúng không hề hoạt động theo băng nhóm mà chỉ mang tính tự phát. “Động cơ chính là lấy tiền chứ không phải giết người. Khi rơi vào trường hợp nói trên, người chạy xe ôm nên bình tĩnh ứng phó và làm theo những gì chúng yêu cầu. Nếu hoảng loạn, chống cự thì dễ bị tấn công bằng hung khí” - người trinh sát nói. Chiến sĩ công an cũng khuyên khi đang chạy xe mà bị đối tượng ngồi sau gí dao thì nên thắng lại, giả bộ giật mình cho xe ngã khiến hắn phải chống chân. Lúc đó là cơ hội để người lái xe ôm bỏ chạy. “Việc đầu tiên là bảo vệ tính mạng. Khi chạy và thấy khoảng cách an toàn thì mới tri hô” - trinh sát công an chia sẻ.

Theo Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh