THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:59

“Sinh viên làm thêm - Nên hay không?”

PGS. TS Bùi Anh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động - Xã hội, Giám đốc Cơ sở II.

 

* Hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề SV làm thêm khi đang học. Có người đồng tình, có người phản đối. Xin PGS cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

- PGS. TS Bùi Anh Thủy: - Vấn đề SV tìm kiếm việc làm thêm ở Việt Nam hiện không phải là vấn đề mới. Nó thậm chí đã khá thịnh hành, nhất là ở những nơi tập trung nhiều trường đại học. Ở các nước phát triển, việc các SV đi làm thêm rất phổ biến, và nó cho những kết quả tích cực. Cá nhân tôi cho rằng, các em SV đi làm thêm trong thời gian học đại học, cao đẳng là điều rất nên làm. Vì như thế, các em vừa có thu nhập, có thể trang trải một phần nhu cầu chi tiêu trong sinh hoạt, học tập, ăn uống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, lại vừa có thêm những kinh nghiệm hữu ích tích lũy từ công việc. Bên cạnh đó, cũng có những mặt trái, hệ lụy từ việc đi làm thêm của SV. Chẳng hạn, do còn rất trẻ, các em dễ bị cuốn vào việc kiếm tiền, bỏ bê việc học, không hiểu rằng, đi làm lúc này là để phục vụ cho việc học, rằng học là mục tiêu chính. Một số trường hợp còn bị rơi vào cạm bẫy, sa ngã, bị hủy hoại cả tương lai, cuộc sống. Tuy nhiên, có thể đoán chắc, số đó không lớn so với số SV vượt khó để vươn lên, có ý chí rèn luyện và tự lập. Tôi luôn ủng hộ việc các SV lựa chọn đi làm thêm, kể cả những SV có cha mẹ khá giả về kinh tế. Các em có thể làm những công việc cần trí tuệ, như làm gia sư, công việc liên quan đến ngành học của mình, làm bán thời gian ở các doanh nghiệp, hoặc cả những công việc lao động nhọc nhằn khác nhưng chân chính v.v...

 * PGS vừa nhắc đến mặt trái của việc đi làm thêm, vậy ông có thể đưa ra những lời khuyên hay giải pháp gì đối với các em?

 - Thủ đô Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác, là chốn thành thị phồn hoa, sôi động, thu hút giới trẻ, có rất nhiều cám dỗ và con người ta rất dễ bị sa ngã trong vòng xoáy của những mặt trái của nó. Nhất là với lứa tuổi SV, trên dưới 20, các em chưa thật sự có đủ hiểu biết, chưa có kinh nghiệm sống, chưa đủ bản lĩnh để đối diện và chiến thắng những cạm bẫy. Nếu không có người chỉ dẫn, định hướng, giúp đỡ, các em rất dễ ngộ nhận, dễ có những quyết định sai lầm. Khi đó, chẳng những việc học tập, rèn luyện sẽ bị ảnh hưởng, mà trong nhiều trường hợp, các em còn hủy hoại cả tương lai của mình.Do vậy, để có hiệu quả, các SV cần sắp xếp thời gian làm thêm phù hợp với chương trình học tập và nghỉ ngơi. Các em cần luôn suy nghĩ, thông tin và tham khảo thầy, cô, người thân, bạn bè, lựa chọn công việc làm thêm vừa sức, không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Làm như vậy, các em sẽ luôn kiểm soát được tình hình, tránh để bị lợi dụng, bị lôi kéo vào những cạm bẫy, dẫn đến đi làm thêm trở thành “lợi bất cập hại” như nói ở trên.

 

 

* Theo ông, nếu sinh viên đi làm thêm thì nên làm và không nên làm những nghề gì?

 - Không có câu trả lời chung. SV tìm kiếm việc làm thêm phù hợp như mong muốn không hề dễ. Chắc chắn, không có việc nào cho SV làm thêm mà có thu nhập cao. Nếu ai đó đưa ra lời đề nghị, lời hứa như vậy với các SV, thì các em hãy nghĩ ngay tới những bài học đắt giá mà truyền thông vẫn luôn đề cập. Điều kiện tiên quyết là, chỉ làm việc ở nhưng nơi đáng tin cậy, môi trường được đảm bảo an toàn. Nếu được làm những việc phù hợp và giúp ích cho ngành mình đang học thì tốt nhất. Tuy nhiên, cả những việc không gắn gì lắm với việc học cũng vẫn hữu ích. Các em không nên quá coi trọng vấn đề thu nhập, mà cần hiểu rằng, trải nghiệm trong công việc sẽ làm giàu thêm kiến thức, bản lĩnh của mình, điều rất cần thiết cho các em sau này khi ra trường, bởi nó mở ra những cơ hội việc làm thích hợp.

 

Sinh viên Trường ĐH Lao động - Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh luôn được Nhà trường tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm, cả sau khi tốt nghiệp.

 

* Đối với SV của Trường Đại học Lao động – Xã hội, cơ sở II, với những ngành đào tạo hiện tại, ông có thể đưa ra lời khuyên cụ thể SV nên đi làm thêm ở những ngành nào để vừa có thêm kinh nghiệm lại vừa không ảnh hưởng đến kết quả học tập?

 - Trường ĐH Lao động – Xã hội, cơ sở II TP. Hồ Chí Minh hiện đang đào tạo gần 7000 SV thuộc 5 ngành: Quản trị nguồn nhân lực, Công tác xã hội, Bảo hiểm, Quản trị kinh doanh và Kế toán. Nhà trường có chủ trương khuyến khích SV, ngoài việc nỗ lực học tập, nghiên cứu, nên đi làm thêm. Phòng Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm của Nhà trường thường xuyên liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm cho SV, bao gồm việc làm vào các kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết, hoặc việc làm bán thời gian, việc làm sau khi tốt nghiệp. Phần lớn SV ĐH của Việt Nam sau khi ra trường, không phải thiếu kiến thức chuyên môn, mà thường là thiếu những kỹ năng cần thiết trong ứng xử, trong quan hệ nghề nghiệp, trong việc phối hợp làm việc, nên khó kiếm việc làm. Sự thiếu hụt đó chỉ có thể được bù đắp bằng những trải nghiệm thực tế qua thực tập, làm việc, mà ở đây, chính là giai đoạn làm thêm thời SV. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích SV tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện, để hiểu rõ và cảm nhận thêm về các thang bậc giá trị mà con người có thể tạo ra trong cuộc sống. Điều đó sẽ giúp cho các em hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng tài năng, để trở thành những người hữu ích cho đất nước, cho xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

KIM TUẤN (thực hiện) / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh