THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:42

Siết chặt, phạt mạnh các doanh nghiệp XKLĐ vi phạm

 Ông Nguyễn Tiến Tùng-Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH khẳng định sẽ xử phạt mạnh tay đối với DN XKLĐ vi phạm

Thời gian qua, dư luận phản ánh rất nhiều về những tồn tại trong công tác XKLĐ. Theo ông, công tác XKLĐ hiện nay có những bất cập gì lớn và thực trạng của việc này như thế nào?

Công tác XKLĐ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, chính vì thế Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân đặc biệt là người nghèo được đi lao động làm việc ở nước ngoài. Có thể nói, trong những năm qua mặc dù chúng ta có nhiều cố gắng, thành tựu đạt được rất nhiều (năm 2016 XKLĐ vượt 120% kế hoạch) nhưng bức tranh “u ám” về thị trường XKLĐ vẫn còn xảy ra phổ biến ở khắp cả nước nhất là việc cò mồi, thu phí quá mức đang tồn tại ở các DN XKLĐ. Chẳng hạn như thị trường Hàn Quốc, thu nhập hàng tháng của NLĐ gấp nhiều lần thu nhập bình quân của NLĐ trong nước. Do đó, các tổ chức, cá nhân trong nước trục lợi từ chương trình này rất nhiều, các “đường dây ma”, đường dây lừa đảo… rồi các tổ chức cá nhân khác tìm rất nhiều thủ đoạn để lợi dụng chính sách Nhà nước hoặc là vi phạm chính sách Nhà nước để trục lợi, lừa đảo trong công tác XKLĐ.

Một thực tế nữa là, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực này trong những năm qua tương đối mỏng, số người làm thanh tra không nhiều. Trong khi đó, nhiều DN có chức năng XKLĐ cũng vi phạm các quy định của pháp luật trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể là thu phí cao quá mức so với quy định, không đảm bảo thực hiện hợp đồng như đã ký kết với người lao động và ký kết với đối tác hay là đào tạo nguồn đưa đi quá nhiều dẫn đến thời hạn đưa đi bị vi phạm…

Trong nỗ lực chấn chỉnh những tồn tại về lĩnh vực XKLĐ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã có những chỉ đạo gì để làm lành mạnh thị trường XKLĐ thưa ông? 

Sau khi Thanh tra Bộ và Cục Quản lý lao động ngoài nước có báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này. Quan điểm của Bộ trưởng là tạo mọi điều kiện để DN có chức năng XKLĐ được đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài càng nhiều càng tốt nhưng phải xử lý thật nghiêm các DN vi phạm. Đáng lưu ý, lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo phải làm mạnh tay, chống lại chuyện DN “sân sau” của đồng chí này, đồng chí kia, DN nào làm tốt thì tạo mọi điều kiện để hoạt động, DN nào vi phạm thì, xử lý thật nghiêm, thậm chí phải thu hồi giấy phép để tạo sự bình đẳng cho các DN.

Thực hiện chỉ đạo này, Thanh tra Bộ đã xử lý như thế nào thưa ông?

Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tiến hành ra soát, thanh tra các DN về XKLĐ. Cuối năm 2016, chúng tôi đã tiến hành thanh tra một đợt 6 DN và lần đầu tiên Thanh tra Bộ đề nghị thu hồi Giấy phép XKLĐ của một DN. Đến đầu năm 2017, quán triệt tinh thần chỉ đạo, chúng tôi tiếp tục làm một đợt thanh tra 9 DN và đã đề nghị thu hồi Giấy phép của 3 DN, đang đề nghị thu hồi Giấy phép của 3 DN nữa.

Chúng tôi cho rằng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ cần phải thực thi nghiêm chỉnh làm sao cho môi trường đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thật sự bình đẳng, thực sự là môi trường cạnh tranh của các DN chứ không tạo “sân sau” tiền lệ như ở một số DN người ta vẫn quen gọi là “tượng đài” về XKLĐ.

Trong năm 2017, chúng tôi sẽ Thanh tra khoảng 15 DN về XKLĐ. Mục tiêu của kế hoạch này là làm thế nào đó để tạo sự răn đe cần thiết. Các DN khác có thể chưa bị thanh tra trong năm 2017 khi họ nhìn thấy những lỗi này hiện nay bị xử lý, xử phạt rất nghiêm, buộc họ phải tự điều chỉnh, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đưa lao động người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Có như vậy, người dân mới được hưởng lợi từ các chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong công tác XKLĐ.

Khám sức khỏe khi đi xuất khẩu lao động ảnh minh họa

Vậy qua thanh, kiểm tra, các DN XKLĐ thường hay vi phạm các lỗi nào thưa ông?

 Lỗi vi phạm nhiều nhất là thu phí vượt quá mức quy định, các DN thường thu phí nhiều hơn nhưng thực tế viết hóa đơn cho NLĐ lại đúng với quy định của Nhà nước. Đây là điều chúng tôi biết rất rõ nhưng vấn đề là không có bằng chứng để xử lý. Tới đây chúng tôi có thể phối hợp với cơ quan công an để họ trinh sát giúp hoặc họ sẽ có thể cử người đóng vai NLĐ đến các DN để làm thủ tục XKLĐ để chúng tôi lấy bằng chứng xử lý các DN này.

Những lỗi khác, các DN cũng hay vi phạm đó là công tác đào tạo định hướng cho NLĐ; không bố trí cán bộ đủ kinh nghiệm làm công tác XKLĐ; không cử cán bộ quản lý lao động ở nước mà DN đưa NLĐ sang làm việc.

Hiện đang nổi lên tình trạng thu phí quá cao, người dân phản ánh có hiện tượng “cò mồi” móc nối với DN. Vậy tình trạng này theo ông như thế nào?

Có sự móc nối cả “cò mồi” và DN, móc nối cả từ phía đối tác (tức là dịch vụ ở bên nước bạn) nhưng cái quan trọng nhất là NLĐ tiếp nhận thông tin về chính sách XKLĐ chưa tốt. Mặc dù chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều…

Thực tế, có chuyện chi phí XKLĐ cao hơn cũng một phần do môi giới nước ngoài  đẩy lên. Chẳng hạn như việc họ đi đánh giá các DN trong nước xem có đủ tiêu chuẩn để đưa NLĐ đi XKLĐ không để họ ký, từ đây lại phát sinh tiêu cực, dẫn đến việc các DN trong nước đội chi phí lên cao và cuối cùng là mọi chí phí NLĐ phải gánh chịu.

VĂN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh