THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Sẽ thông thoáng hơn trong quản lý nghệ thuật biểu diễn

Sau 5 năm triển khai, Nghị định số 79/2012/NĐ – CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ – CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/5/2016 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật vào thực tiễn đời sống; góp phần tích cực giúp cơ quan quản lý thực hiện tốt các biện pháp quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật. 

Tuy nhiên, Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công tác quản lý, lĩnh vực NTBD luôn chứa đựng yếu tố mới về nội dung, hình thức thể hiện, thường xuyên cần tiếp đời sống, do đó một số quy định tại Nghị định sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật. Vì vậy cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động NTBD.

Sẽ thông thoáng hơn trong quản lý nghệ thuật biểu diễn - Ảnh 1.

Sẽ cởi mở, thông thoáng hơn trong quản lý nghệ thuật biểu diễn - ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD gồm 6 chương, 38 điều. Trong đó, một số nội dung đã được sửa đổi cho phù hợp với Luật và thực tiễn quản lý chính sách như nội dung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; chính sách đối với cá nhân đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình tác phẩm các loại hình NTBD. 

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD sẽ hoàn thiện, bổ sung về chính sách cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật biểu diễn. Hoàn thiện các chính sách trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trực tiếp và đặc biệt qua môi trường mạng đến công chúng trong thời kỳ công nghiệp hóa, đảm bảo sự nghiệp "phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân" được quy định định tại khoản 2 điều 60 Hiến pháp năm 2013. Đây là một trong những nội dung quan trọng cần được tập trung xây dựng để quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Quyền Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh, dự thảo Nghị định sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các đơn vị nghệ thuật, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTBD; Các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. "Dự thảo cũng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý hoàn thiện vai trò cơ chế phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực NTBD. Kế thừa và tiếp tục thực hiện đối với các quy định chung về nội dung chính sách của Nhà nước và hệ thống thiết chế quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đảm bảo nội dung quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuân thủ nguyên tác trong xây dựng, ban hành chính sách, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và trong công tác quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước và nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan quản lý khác nhau trên cơ sở quy định của pháp luật"- ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Băn khoăn về quyền tổ chức tham gia biểu diễn nghệ thuật, nên làm rõ hoạt động NTBD, đưa quyền của tổ chức và cá nhân biểu diễn nghệ thuật… NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng nên nhấn mạnh thành ý khác vì biểu diễn nghệ thuật với thi người đẹp, người mẫu, có thể trình diễn giống nhau nhưng nội hàm của hoạt động khác nhau. Vì vậy nên tách người biểu diễn, quyền biểu diễn nghệ thuật với thi người đẹp người mẫu. 

NSND Lê Tiến Thọ cũng phân vân, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật để che dấu vi phạm pháp luật vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bởi khi đơn vị biểu diễn xong thì mới có thể phát hiện được. Nếu họ chưa tổ chức thì làm sao để dừng hoạt động biểu diễn mà không phải đền bù thiệt hại. Trong khi chương trình hoàn toàn không vi phạm an ninh quốc phòng, hay bị ảnh hưởng thiên tai địch họa... Điều này phải làm rõ, nếu không sẽ rất phức tạp.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo, Bộ VH-TT&DL nhận thấy, thực tiễn đã phát sinh nhiều chi tiết, nhiều điều khác trước. Bộ sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại phía Nam trong tháng 11 để tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh sao cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn được minh bạch, rõ ràng nhất, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống.

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh