Sau toà bồi thường oan sai là hành trình đi tìm “bò lạc” của doanh nhân bị án oan
- Pháp luật
- 00:36 - 15/03/2019
Ông Dương Văn Hòa (người cầm tài liệu) tại phiên tòa Dân sự xét xử bồi thường oan sai hồi cuối năm 2018. Ông thể hiện sự không phục đối với bản án mà tòa HĐXX tuyên
Ông Chủ tịch tỉnh nói: “Quảng Trị là tỉnh còn nghèo, nhưng nếu tiêu hủy trâu bò của người dân thì phải điều tra, xác minh lại để nếu đủ cơ sở thì đền bù cho họ”. Ông Hòa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cách thuật lại ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại buổi gặp, làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh với người khiếu nại là bản thân ông. Đau khổ, uất ức là những gì chúng tôi có thể cảm nhận được qua từng câu nói, cử chỉ của người đàn ông đã ở vào cái tuổi quá bán cuộc đời. Không đau khổ, uất ức sao được khi bản thân đang là một doanh nhân làm ăn phát đạt, doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh thì chỉ sau nạn dịch lở mồm long móng vào năm 2007, gia sản của ông gần như bị “thổi bay” toàn bộ.
Ông Dương Văn Hòa (SN 1957, ở thị trấn Gio Linh, H. Gio Linh, Quảng Trị) như trong bài “Doanh nhân bại sản vì án oan” chúng tôi đã phản ánh: vào thời điểm trước tháng 6/2007 là Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành. Tháng 4/2007, công ty của ông ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh Quảng Trị với nội dung cung cấp 142 con bò cái giống Laisind và 148 con bò cái giống nội, vàng cho các hộ dân tại huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa theo dự án giảm nghèo của tỉnh. Tháng 6/2007, khi ông Hòa đang cung cấp bò giống đợt 2 đã được nghiệm thu cho người dân thì dịch lở mồm long móng ở đàn gia súc tại Quảng Trị khởi phát, sau đó lây lan nhanh chóng trên diện rộng.
Ông Hòa sau đó bị cơ quan điều tra tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố bị can đối về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”. Tháng 4/2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị truy tố bị cáo Dương Văn Hòa ra trước Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh này về tội nói trên. Tháng 8/2008, TAND Quảng Trị xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù giam.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2017, VKSND Tối cao đã ra quyết định chấp nhận nội dung khiếu nại của ông Hòa, hủy quyết định đình chỉ vụ án của VKSND tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, VKSND tỉnh Quảng trị ký quyết định đình chỉ vụ án vì xét thấy hành vi của ông Hòa không cấu thành tội lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật. Quyết định cũng yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan phục hồi quyền lợi hợp pháp cho ông Hòa.
Dù đã trở lại thân phận bình thường sau 10 năm dài đằng đẵng đi tìm công lý. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, ông phải đau đớn nhìn cơ nghiệp của mình cứ lụn bại dần mà không có cách nào ngăn lại, khi chính bản thân ông cũng bị quá nhiều giàng buộc pháp lý ngăn cản.
Sau khi được minh oan bản án năm xưa, cuối năm 2018, ông Hòa đã khởi kiện ra TAND tỉnh Quảng Trị vụ án dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự”. Ngày 19/11, phiên xét xử sơ thẩm đã diễn ra. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cũng chỉ khiến ông thêm phần uất hận, khi những người cầm cán cân công lý gần như bác bỏ toàn bộ yêu cầu của ông.
Bức ảnh ghi lại cảnh đàn bò trong trang trại Thuận Thành bị lùa đi tiêu hủy
Song song với việc khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, ông Hòa cũng đã có đơn khiếu nại về Hành vi hành chính của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị về việc tiêu huỷ gia súc trong đợt dịch lở mồm long móng năm 2007.
Trong đơn, ông Hòa trình bày, vào các ngày 30/6 và ngày 1/7/2007, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã cưỡng chế tiêu hủy tổng cộng 207 con bò của gia đình ông khi chưa có đủ căn cứ để xác định đàn bò có bị dịch bệnh hay không.
Ở một diễn biến khác, trong các, quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND tối cao và quyết định đình chỉ vụ án của VKSND tỉnh Quảng Trị đối với trường hợp của ông Dương Văn Hòa đều khẳng định: cho đến ngày 5/6/2007, số bò mua tại Quảng Trị được ông Hòa nuôi nhốt tại trang trại Thuận Thành được xác nhận là đã tiêm phòng lở mồm long móng tuýp 0, không có dịch bệnh; còn số bò mua từ Thanh Hóa đã được cơ quan thú y có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa xác định sạch bệnh; quá trình lấy mẫu các bệnh phẩm, cơ quan thú y không lập biên bản, cho tới ngày 15, 16, 20/8/2007 mới lập các “Bản xác nhận lấy mẫu bệnh phẩm”, tuy nhiên quá trình lấy mẫu cũng như bản xác nhận và kết quả xét nghiệm đều không thể hiện mẫu bệnh phẩm được lấy từ con bò nào, bò của ông Hòa hay bò của gia đình khác. Mặt khác, mặc dù, có bản xác nhận lấy mẫu bệnh phẩm, song đó là các bản được lập vào tháng 8, tháng 9/2007, được lập sau khi lấy mẫu bệnh phẩm (tháng 7/2007).
Được biết, sau khi nhận đơn khiếu nại của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có các buổi làm việc trực tiếp với khổ chủ. Đồng thời, ngày 03/1/2019 ông Hòa đã nhận được Công văn của UBND tỉnh Quảng Trị về việc giao cho Sở NN&PTNT tỉnh này giải quyết yêu cầu của ông.
Tại Quyết định số 100/QĐ – SNN ngày 27/2/2019 mới đây của Sở NN&PTNT Quảng Trị về việc giải quyết khiệu nại của ông Dương Văn Hòa (lần đầu), đơn vị này đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu của ông Hòa, đồng thời, “đá quả bóng” trách nhiệm cho địa phương nơi xảy ra dịch bệnh. Cụ thể, đối với 193 con bò (trong tổng số 207 con ông Hòa khiếu kiện bị dập dịch sai) được nuôi nhốt tại trang trại Thuận Thành, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho rằng không liên quan, "vì việc tiêu hủy là do địa phương nơi có gia súc mắc bệnh tổ chức thực hiện”, trích Quyết định số 100.
“Họ vào tận trang trại của tôi để đuổi bò đi tiêu hủy nhưng giờ lại bảo không có căn cứ. Ngày đó, trong lúc họ đập đàn bò của tôi đi tiêu hủy, tôi gọi thằng cháu mang máy ảnh lên chụp ảnh lại. Những người đi tiêu hủy nhìn thấy máy ảnh vội bỏ trốn vào các bụi cây hết”, ông Hòa thuật lại.
“Có một con bò cái trong lúc bị đuổi đi tiêu hủy đã chạy vùng ra thoát được lên một thôn khác. Song, sau đó nó cũng bị tiêu hủy và được cơ quan chức năng ghi chú trong báo cáo nhanh là “bò lạc đàn vô chủ”. Việc tiêu hủy đã được nhiều người xác nhận vậy sao lại bảo không tiêu hủy bò của tôi?”, vẫn lời ông Hòa.
Như vậy có thể nói, việc đi tìm lại những gì đã mất của ông Dương Văn Hòa sẽ là cả một hành trình đầy gian nan và thử thách.