THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:35

Xét xử bồi thường oan sai: Nguyên đơn khóc nghẹn trước tòa

Nguyên đơn, ông Dương Văn Hòa trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dân sự bồi thường oan sai

Đòi tiền tỷ được tiền triệu

Trong 2 ngày 19 và 20/11, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự”. Nguyên đơn, ông Dương Văn Hòa (Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành, tại thị trấn Gio Linh, H.Gio Linh) khởi kiện yêu cầu VKSND tỉnh này xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Như trong bài viết “Doanh nhân bại sản vì án oan”, chúng tôi đã phản ánh sự việc: tháng 7/2007, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật” và “thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Văn Hòa về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”. Tháng 4/2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị truy tố bị cáo Dương Văn Hòa ra trước Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh này về tội nói trên. Tháng 8/2008, TAND Quảng Trị xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù giam, dù không xác định được nguồn lây lan dịch bệnh là từ đâu.

Không cam chịu oan sai, bản thân ông Hòa kháng cáo và trải qua các phiên xét xử khác nhau từ TAND Quảng Trị đến Tòa cấp cao tại Đà Nẵng, tháng 12/2009, VKSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Hòa.

Để minh oan và lấy lại danh dự của bản thân và gia đình, ông Hòa tiếp tục gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Đến tháng 8/2017, VKSND Tối cao đã ra quyết định chấp nhận nội dung khiếu nại của ông, hủy quyết định đình chỉ vụ án của VKSND tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, VKSND tỉnh Quảng trị ký quyết định đình chỉ vụ án vì xét thấy hành vi của ông Hòa không cấu thành tội lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật. Quyết định cũng yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan phục hồi quyền lợi hợp pháp cho ông Hòa.

Ngày 14/6/2018 VKSND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 781/QĐ-VKS-P7 về việc giải quyết bồi thường cho ông Dương Văn Hòa. Số tiền bồi thường là hơn 217 triệu đồng. Không đồng ý với Quyết định giải quyết bồi thường của Viện, ngày 28/6/2018, ông Hòa gửi Đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Quảng Trị để yêu cầu giải quyết oan sai của mình.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, ông Dương Văn Hòa yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị phải có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại về: tổn thất tinh thần, thiệt hại do tài sản bị xâm hại, thu nhập thực tế, thiệt hại do không thể thực hiện hợp đồng và các thiệt hại khác. Tổng số tiền ông Hòa đòi bồi thường là hơn 17 tỷ 197 triệu đồng. Các thiệt hại này là do ông Hòa bị kết án oan sai, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị mất uy tín với khách hàng, các đơn hàng, hợp đồng không thể thực hiện, cây giống bị hư hại,…

Các yêu cầu bồi thường của ông Hòa được căn cứ Khoản 2 điều 78 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định luật chuyển tiếp, được hiểu: “Kể từ ngày 01/7/2018 các trường hợp đã yêu cầu bồi thường nhưng chưa được thụ lý giải quyết thì áp dụng quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 để giải quyết”.

Trong khi đó, VKSND tỉnh Quảng Trị căn cứ vào Khoản 1 Điều 78 Luật TNBTCNN 2017, bác yêu cầu của ông Hòa với lý do: “Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật 2017 có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật TNBTCNN 2009 để giải quyết”.

Theo ông Nguyễn Trường – đại diện phía bị đơn (VKSND Quảng Trị), những thiệt hại tài sản như nêu trên của ông Hòa không do cơ quan tố tụng thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý gây nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không bồi thường mà VKSND chỉ bồi thường tổn thất về tinh thần và một số khoản khác với tổng cộng hơn 264 triệu đồng.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và qua quá trình tranh luận, nghị án tại tòa, HĐXX sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu trong đơn khởi kiện của nguyên đơn Dương Văn Hòa. Theo đó, tuyên buộc VKSND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường tổn thất tinh thần và các chi phí khác cho ông Hòa, số tiền hơn 264 triệu đồng; còn các thiệt hại khác tòa tuyên bác yêu cầu vì không có căn cứ để xem xét.

Khi HĐXX đang tuyên án, ông Hòa và người thân cũng như nhiều người dân đến theo dõi phiên tòa đã bỏ ra ngoài

Khóc nghẹn vì thiệt hại tài sản bị chối bay

Khi bà Nguyễn Thị Oanh - Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đang thực hiện phần tuyên án, đến đoạn nêu quan điểm của HĐXX, biết những thiệt hại tài sản (hơn 16 tỷ đồng) của mình đã bị “chối bay”, ông Hòa đã đứng phắt dậy bỏ về. Không chỉ ông Hòa mà toàn bộ người làm chứng được tòa triệu tập và gần như tất cả người đến theo dõi phiên tòa cũng đồng loạt bỏ ra ngoài.

Trước đó, trong chiều ngày 19/11, trước khi bước vào phần xét hỏi, khi được hỏi quan điểm, yêu cầu của mình về HĐXX, đại diện bị đơn, cả ông Hòa lẫn Luật sư bào chữa cho ông đều yêu cầu HĐXX cho thay đổi đại diện bị đơn. Theo quan điểm của phía nguyên đơn, ông Nguyễn Trường (hiện nay là Trưởng phòng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự (Phòng 7) – VKSND tỉnh Quảng Trị) là người “vừa đánh đá bóng vừa thổi còi”.

Trước đó nữa, ông Trường chính là người thụ lý đơn và hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai của ông Dương Văn Hòa; là người đi khảo sát thực thiệt hại thực tế của ông Hòa; người đứng ra thương lượng giải quyết đền bù oan sai và nay lại được chỉ định làm đại diện phía bị đơn tại tòa. Theo Luật sư Võ Công Hạnh – LS bào chữa cho ông Hòa, việc ông Trường đại diện cho phía bị đơn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khách quan của phiên tòa.

Ông Hòa đứng bên trái ảnh

Kết thúc buổi xét xử đầu tiên chiều 19/11, một trong những người được tòa triệu tập đến làm nhân chứng đã tiến đến nói với ông Hòa: “Người ta vừa đánh trống vừa thổi còi như thế thì làm sao mà thắng kiện được?” Ngay lập tức ông Hòa đáp dõng dạc: “Mình phải bảo vệ sự trong sáng của pháp luật, tin vào cán cân công lý. Trước đây, chỉ một vài cán bộ yếu kém đã gây oan sai cho tôi; sau đó tôi đã được minh oan. Nên mình phải tin tưởng vào một bản án công minh của Tòa án”. Nhưng rồi, khi phiên tòa sơ thẩm khép lại vào trưa ngày 20/11, ông Dương Văn Hòa đã phải “khóc nghẹn”.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh