CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:35

Doanh nhân bại sản vì 'án oan'

Ảnh trên: Đàn bò trong trang trại giống của Công ty TNHH Thuận Thành bị đuổi đi tiêu hủy và 1 con bò sau khi bị sát hại, bị kẻ trộm khiêng ra ven đường chuẩn bị mang đi. Ảnh dưới: Đàn bò giống ông Hòa mang đi giao cho dân trong dự án xóa đói giảm nghèo tỉnh Quảng Trị

Suýt “bóc lịch” vì dịch bệnh lở mồm, long móng

Trở lại câu chuyện về dịch lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn gia súc xảy ra cách đây hơn 11 năm về trước tại tỉnh Quảng Trị. Tháng 6/2007, dịch bệnh LMLM tuýp 1 bùng phát mạnh tại địa bàn tỉnh này. Khi ấy, đây là một loại dịch bệnh mới và do vi rút lạ gây ra cho đàn gia súc của tỉnh. Dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng đến mức UBND tỉnh Quảng Trị phải ban hành Quyết định công bố dịch bệnh ngày 28/6/2007. Trước khi chính quyền tỉnh đi đến quyết định công bố, dịch bệnh LMLM tuýp 1 đã xảy ra tại địa bàn 6 huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Theo công bố này, nơi khởi phát bệnh được xác định là địa bàn huyện Ðakrông, trên đàn bò của Dự án xóa đói, giảm nghèo cấp  cho bà con nông dân. Và ông Dương Văn Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành (trụ sở tại thị trấn Gio Linh) chuyên kinh doanh con, cây giống, khi ấy bị cho là “kẻ” làm lây lan nạn dịch này.

Ông Hòa kể, tháng 4/2007, công ty của ông ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh Quảng Trị với nội dung cung cấp 142 con bò cái giống Laisind và 148 con bò cái giống nội, vàng cho các hộ dân tại huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa theo dự án giảm nghèo của tỉnh. Để thực hiện hợp đồng này, tháng 5/2007, Công ty TNHH Thuận Thành ký hợp đồng kinh tế với Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi tại Thanh Hóa để mua 150 còn bò giống Laisind. Số bò 2 bên hợp đồng để cung cấp cho người dân theo Dự án xóa đói, giảm nghèo của Quảng Trị được tuyển lựa và được tiêm phòng và đầy đủ thủ tục liên quan. Trên đường đi từ Thanh Hóa vào đến Quảng Trị trải qua 5 tỉnh thành đều được cơ quan thú y các tỉnh chứng nhận kiểm dịch. Không những thế, trước khi đem bò giao cho người dân, các cơ quan hữu quan của Quảng Trị đều kiểm tra, nghiệm thu đạt chất lượng truyền giống.

Sự việc bắt đầu từ những ngày đầu tháng 6/2007, khi ông Hòa cung cấp bò giống đợt 2 đã được nghiệm thu cho người dân. Trùng với thời điểm này, dịch LMLM ở đàn gia súc tại Quảng Trị khởi phát, sau đó lây lan nhanh chóng trên diện rộng. Vào thời điểm dịch bệnh LMLM bùng phát và lây lan ra các huyện, thị trên địa bàn, để dập dịch và ngăn chặn nguy cơ lây lan tiếp, tỉnh Quảng Trị “ra lệnh” tiêu hủy các “ổ bệnh”. Theo đó đã có 835 con gia súc các loại bị “hạ sát” với tổng chi phi được liệt kê lên đến hơn 6,768 tỷ đồng.

Ngày 12/7/2007, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật” và “thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Văn Hòa về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”. Tháng 4/2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị truy tố bị cáo Dương Văn Hòa ra trước Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh này về tội nói trên. Tháng 8/2008, TAND Quảng Trị xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù giam, dù không xác định được nguồn lây lan dịch bệnh là từ đâu.

Từ một doanh nhân thành đạt, có uy tín và có nhiều đóng góp cho xã hội; được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, bỗng chốc sự nghiệp của ông Hòa tiêu tan vì bản án trên. Không cam chịu oan sai, bản thân ông Hòa kháng cáo và trải qua nhiều phiên xét xử khác nhau từ TAND Quảng Trị đến Tòa cấp cao tại Đà Nẵng, tháng 12/2009, VKSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Hòa.

Để minh oan và lấy lại danh dự của bản thân và gia đình, ông Hòa tiếp tục gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Đến tháng 8/2017, VKSND Tối cao đã ra quyết định chấp nhận nội dung khiếu nại của ông, hủy quyết định đình chỉ vụ án của VKSND tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, VKSND tỉnh Quảng trị ký quyết định đình chỉ vụ án vì xét thấy hành vi của ông Hòa không cấu thành tội lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật. Quyết định cũng yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan phục hồi quyền lợi hợp pháp cho ông Hòa.

Ông Hòa bên chuồng nhốt bò giống năm nào giờ đã tan nát

Bại sản vì án oan

Theo ông Hòa cho biết, vốn là một Phó Giám đốc Nông trường cao su Dốc Miếu, nên ông có nhiều am hiểu về loại cây này. Sau khi về hưu, năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Thuận Thành với tiền thân là một xí nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây cao su. Trong khoảng thời gian từ 2002 – trước khi ông khởi tố, Công ty Thuận Thành đang trong đà phát triển mạnh, với việc cung cấp con, cây giống các loại cho nhiều tỉnh thành trong nước cũng như tại thị trường Lào. Doanh nghiệp này không chỉ thu mua giống trong người dân mà còn mở rộng nhiều vườn ươm cây giống tại Quảng Trị, Bình Phước, Bình Dương và tại huyện Nòong (tỉnh Savanakhet, Lào) để cung cấp cho thị trường. Những thời điểm hưng thịnh nhất, công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp khác.

Tuy nhiên, sau khi người đứng đầu bị khởi tố, Công ty TNHH Thuận Thành dần lụi bại vì yếu tố uy tín thương trường cũng như bản thân ông Hòa bị quản thúc, cấm đi khỏi địa phương. Hàng loạt đơn hàng, hợp đồng bị đình trệ và phải đền bù hợp đồng. Hàng ngàn cây giống không tiêu thụ được phải phá đi để trả lại đất cho người cho thuê. Nhiều vốn liếng, gia sản tích cóp trước đó lần lượt “đội nón” ra đi để khổ chủ trả nợ... “Đến giờ có người tôi vẫn chưa trả xong, có người tôi phải xin họ luôn, kể cả người làm công cho tôi trước đây”, ông Hòa ngậm ngùi nói.

Không chỉ vấn đề kinh tế, mà bản thân ông Hòa và gia đình còn phải chịu nhiều tổn thất về tinh thần và sức khỏe trong khoảng thời gian hơn 11 năm phải chịu bản án mà bản thân không gây ra. “Đứa con gái thứ tư của tôi 2 lần thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân các năm 2013 và 2014 với số điểm cao (lần lượt 25,5 và 23,5) nhưng đều không có giấy báo nhập học vì lý lịch của cha. Trong lần thứ 2, cháu làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhưng cũng bị chậm do vấn đề lý lịch của tôi. Sau đó cháu phải chấp nhận học tại cơ sở của trường này tại Quảng Ninh”, ông Hòa cho biết.

Được biết, 19/11 tới đây, TAND Quảng Trị dự kiến sẽ đưa ra xét sử sơ thẩm vụ án Dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gấy ra trong hoạt động tố tụng hình sự”. Nguyên đơn, ông Dương Văn Hòa (giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành, trụ sở tại huyện Gio Linh) khởi kiện yêu cầu VKSND tỉnh này xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng. 

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh