CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:16

Sân khấu vẫn đang thời khó khăn

Khán giả bỏ sân khấu vì truyền hình

Mấy năm qua, sân khấu  đã và đang mất dần từ 30 - 50% lượng khán giả. Hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa đều xảy ra tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu là trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại hình giải trí hấp dẫn và hiện đại. Bên cạnh đó, các đài truyền hình đua nhau thực hiện các gameshow hài có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tổ chức dàn dựng và trình chiếu suốt ngày những tiểu phẩm tấu hài, hài kịch... đã khiến lượng khán giả đến với các sân khấu kịch bị chia sẻ. Ở thời điểm kinh tế khó khăn, việc bỏ vài trăm ngàn đồng mua vé xem kịch dịp cuối tuần không được khán giả chọn lựa nữa. Thay vì phải ra khỏi nhà, khán giả bây giờ thích ở nhà, mở các kênh truyền hình và chọn xem chương trình mình thích. Rất nhiều những chương trình, tiểu phẩm hài nhảm nhí, vô bổ vẫn được chiếu đi chiếu lại. Sau một thời gian dài tiếp nhận những sản phẩm kém chất lượng như thế, đã khiến một bộ phận khán giả tỏ ra dễ dãi khi tiếp nhận các sản phẩm giải trí.

 Đứng trước tình hình lượng khán giả kịch nói đang mất dần, một số ông, bà “bầu” sân khấu xã hội hóa tâm huyết với nghề đã có những dự án làm sân khấu học đường, đưa các vở kịch lịch sử, tiểu phẩm kịch tuyên truyền đến các trường học, nhằm xây dựng một thói quen xem kịch cho khán giả nhỏ tuổi, giúp các em có điều kiện tiếp xúc và yêu thích loại hình kịch nói, đồng thời tiếp nhận những thông tin giá trị, bổ ích bổ sung cho kiến thức về lịch sử, văn hóa, giao tiếp xã hội...

Việc định hướng một lớp khán giả mới là chuyện về lâu về dài, trước mắt, để níu kéo, giữ chân khán giả, không ít sân khấu buộc phải chấp nhận chạy theo thị hiếu khán giả: Đầu tư cho tác phẩm vừa phải, ra mắt vở mới thường xuyên, nội dung giải trí đơn giản, lồng ghép vào từng vở diễn chủ yếu là những mảng miếng sân khấu (hài, kinh dị, trinh thám, giả gái...) nhằm tạo niềm vui, sự tò mò, cuốn hút người xem. Đạo diễn Hoa Hạ cho biết, khi xem phúc khảo vở mới ở các sân khấu, Hội đồng nghệ thuật đã cố gắng duyệt nương tay, không đòi hỏi quá cao về chất lượng nghệ thuật. Chỉ những ý tứ, nội dung trong vở kịch có vấn đề về chính trị, không phù hợp quan điểm tư duy thẩm mỹ mới bị buộc phải chỉnh sửa, cắt gọt bớt. Còn bình thường, Hội đồng nghệ thuật sẽ đồng ý để tác phẩm mới có thể công diễn, và cũng để các sân khấu được sáng đèn.

Chưa thấy hy vọng

Việc mất dần khán giả ở các sân khấu kịch, một phần còn do điều kiện cơ sở vật chất ở tình trạng quá tải, quá tuổi. Hầu hết các điểm diễn kịch đang hoạt động hiện nay đều phải thuê mướn, thế nên các ông bà “bầu” không thể bỏ ra một khoản kinh phí quá lớn để đầu tư, nâng cấp, trang trí như ý muốn. Khó khăn cứ thế chồng chất, các sân khấu xã hội hóa ráng gồng gánh, bươn chải theo tâm lý chung: “Làm được tới đâu hay tới đó”.

Ảnh minh họa.  

NSƯT Thành Hội than thở, các sân khấu xã hội hóa làm việc hiệu quả hơn hẳn một số đơn vị nghệ thuật nhà nước, đã góp phần rất lớn làm sôi nổi, đa dạng, phong phú hoạt động phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thành phố. Thế nhưng, suốt thời gian qua, các nghệ sĩ thấy mình như đứa “con rơi”, chẳng được quan tâm, chăm sóc. Việc tự thân vận động trong nhiều năm qua đã và đang khiến các sân khấu hoạt động ngày càng lao đao, trong khi nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa lại không có hành động, kế hoạch hỗ trợ kịp thời, cụ thể cho các sân khấu xã hội hóa duy trì hoạt động và phát triển.  

Từ nhiều năm trước, nghệ thuật truyền thống đã hoạt động eo xèo, không có điểm diễn, thưa vắng khán giả.  Kịch hát dân tộc vốn thu nhập thấp nên khó thu hút người tài dẫn đến thiếu trầm trọng lực lượng kế thừa tâm huyết, có chuyên môn cao. Vì thế ngày càng lao đao, sống lay lắt và mất dần sàn diễn. Nghệ sĩ tứ tán khắp nơi.  Nhiều nghệ sĩ tài danh lớn tuổi rời xa sàn diễn, lực lượng kế thừa tuy có nhưng không thể thay thế thế hệ vàng, không thể kiến tạo lại một thời vàng son. Tình trạng nghệ sĩ trẻ mải lo chạy show lẻ kiếm sống, hoạt động lẻ tẻ khiến sân khấu truyền thống càng thêm eo xèo, heo hút. 

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh