THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:05

Sân khấu và nỗi buồn sau mỗi cuộc thi

 

Giám khảo chấm giải cho chính mình

Kết thúc mỗi cuộc thi là những cơn mưa huy chương được tưới tắm tốt tươi cho mong ước của nhiều nghệ sĩ muốn có giải thưởng để được xét danh hiệu NSƯT, NSND. Còn dư luận trong giới cứ bức xúc khi liên hoan được nhìn nhận như một cuộc chơi của những người có quyền lực trong ngành mà cụ thể là thành viên của Ban tổ chức và Ban giám khảo.Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp vừa bế mạc, dư luận bàn tán nhiều khi hai đạo diễn ngồi ghế giám khảo có vở dự thi đều đoạt HCV vở diễn, đó là NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu (vở “Chiến binh” - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà (vở “Tình sử hai vương triều” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai). Chưa kể nhà văn Chu Lai là tác giả kịch bản vở “Chiến binh” cũng ngồi ghế giám khảo.

 

Ảnh minh họa.


 Trước đó, Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp cũng có việc Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, tác giả kịch bản của 4 vở diễn và 2 trong số đó được tặng HCV (“Đường đua trong bóng tối” do Đoàn kịch nói CAND và “Lâu đài cát” do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng). Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Chương còn là tác giả vở “Những phiên tòa đen trắng” do Đoàn kịch Hải Phòng dựng đoạt HCB. Dư luận cũng đặt nghi vấn bởi trong những vở diễn mà Cục trưởng Đăng Chương là tác giả kịch bản thì hầu hết diễn viên chính, phụ đều có HCV, HCB, chiếm tỉ lệ khá cao.

 Trên thực tế, từ nhiều năm qua, mỗi khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức cuộc thi, hội diễn, liên hoan sân khấu thì đều bị chỉ trích nặng nề vì không dứt khoát trong việc quy định cấm thành viên ban tổ chức, ban giám khảo có tác phẩm dự thi. Tự chấm tác phẩm của mình thì làm gì còn khách quan và kết quả thực tế qua các mùa liên hoan đã cho thấy rõ điều đó.Chưa kể một số thành viên ban giám khảo nhận dàn dựng vở diễn cho một số đơn vị, núp bóng sau một cái tên đạo diễn trẻ nào đó để tránh mang tiếng. Vở diễn loại này chắc chắn có huy chương để còn được các đoàn tìm đến đặt hàng lần liên hoan sau. Điều này khiến nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc cảm thấy bị tổn thương sau mỗi mùa liên hoan sân khấu vì những nỗ lực sáng tạo của họ được cho là bị xem nhẹ, lòng tin bị xói mòn.

 Nghệ sĩ mất niềm tin

Nhiều diễn viên bày tỏ sự chán nản khi vai diễn của mình không được đánh giá đúng thực chất. Có người còn không buồn lên sân khấu nhận HCB khi vai diễn của mình được đồng nghiệp đánh giá cao. Họ viết trên trang cá nhân: “Kết thúc hội diễn..., buồn cho những công sức đổ biển”. Đấy là chưa kể, không khí cuộc thi năm nào cũng vậy, không còn là cơ hội để anh chị em nghệ sĩ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Diễn xong thì vội vàng ra về, ngày tổng kết nhiều người chẳng muốn đến dự vì nghe kết quả sẽ thêm tổn thương.

 HCB. Cuộc thi nào cũng có vô vàn huy chương các thể loại được trao, chia đều để “vui cả làng” nhưng người vui thì ít, người buồn lên diễn đàn xã hội than vãn, chửi rủa, thậm chí bày tỏ sự chán nản muốn bỏ nghề thì quá nhiều. Một hệ lụy mà mùa thi nào cũng vướng đó là các đơn vị dự thi bằng mọi giá, mời cho được đạo diễn có chân trong ban giám khảo mà họ tin chắc sẽ rinh được giải để mang về càng nhiều HCV, HCB càng tốt. Với các đơn vị công lập, ngân sách sẽ được cấp nhiều hơn vào năm sau, nghệ sĩ được giải sẽ chạm tay tới danh hiệu NSND, NSƯT. Làm nghệ thuật kiểu này thì không thể có những sáng tạo trong sáng. Kết thúc các cuộc vui, các đơn vị nghệ thuật cùng những vở diễn được khá nhiều giải thưởng lại “ai về nhà nấy”, chịu chung số phận mang vở diễn cất kho.

Một số đơn vị nỗ lực tìm khán giả cho vở diễn của mình nhưng để thăng hoa sáng tạo với sự trải nghiệm dày dạn qua từng đêm diễn, để nâng cao vai diễn hơn thì họ ngao ngán. Tính đến việc tổ chức biểu diễn, bán vé để đưa những vở diễn được HCV đến với khán giả là một việc làm nan giải hiện nay. Tiền thuê rạp quá cao, chi phí cho một suất diễn có khi vé bán không đủ bù thì phải chịu lỗ vốn, đắp tiền túi vào là đương nhiên. Có những vở diễn được trao HCV, HCB nhưng tin chắc một điều khán giả không mua vé vào xem.

KIM NGỌC / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh