THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:35

Báo chí - cầu nối giữa nghệ thuật sân khấu với khán giả

Nhìn lại lịch sử, trong thời kì bao cấp, báo chí và nghệ thuật sân khấu có mối quan hệ khăng khít: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”... Những cây bút chuyên viết về nghệ thuật sân khấu không phải là những “phóng viên thông thường”, mà phần lớn là các nhà lý luận phê bình sân khấu có trình độ, am hiểu chuyên môn, được đào tạo chính quy, bài bản ở cả trong nước và nước ngoài.

Họ không chỉ tham gia vào việc sưu tầm, chỉnh lí tác phẩm sân khấu; đào tạo, giảng dạy; viết những công trình nghiên cứu lí luận về nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối...; giới thiệu với khán giả và nghệ sĩ Việt Nam về lịch sử cũng như lí luận sân khấu thế giới...; mà còn tham gia viết những bài lí luận phê bình trên báo chí để đánh giá các tác phẩm sân khấu và nghệ sĩ đương thời với tính chiến đấu mạnh mẽ, tính thời sự nóng bỏng, tính sắc bén trong thẩm định giá trị hình tượng nghệ thuật, giúp cho sân khấu thời kì này thành “thánh đường” sáng tạo. Bước sang thời kì đổi mới, những cây bút có danh nói trên hầu như không viết nữa, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới viết một hai bài. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do người thì đã mất; người thì tuổi cao sức yếu, có muốn viết cũng “lực bất tòng tâm”; người thì e ngại “đụng chạm” bởi thấy công chúng cũng như giới sân khấu không lấy gì làm mặn mà với những bài viết phê bình, thậm chí còn bị ghét đến mức mất tình anh em bạn hữu; người thì chán nản vì khi bước sang cơ chế thị trường, không ít báo chí chạy theo hình thức đẹp mắt, coi nhẹ nội dung, chỉ cần những bài viết đơn giản, ca ngợi chung chung, không cần phân tích chuyên sâu, tránh những vấn đề “gai góc”.

Ảnh minh họa.

Hơn nữa, chế độ nhuận bút còn thấp, không tạo động lực để kích thích các cây bút đầu tư thời gian, trí lực, sức lực để viết, đồng thời viết báo chỉ là “nghề tay trái”, chứ không phải là nghề chính để họ phát triển sự nghiệp và kiếm sống. Trước sự trống vắng của những cây bút chuyên sâu này, trên văn đàn đã xuất hiện đội ngũ phóng viên theo dõi mảng văn hóa của các báo chí thay thế. Những phóng viên đó đã góp phần không nhỏ đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường. Với tác phong của người làm báo, các phóng viên đã đem đến cho công chúng nhiều bài viết cập nhật thông tin, phát huy khả năng “truyền thông” một cách hiệu quả. Nhờ đó, công chúng mới biết đến các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu tài năng, mới biết đến các tác phẩm mới đi cùng với sáng tạo nghệ thuật mới, mới biết đến những vấn đề nóng bỏng trong đời sống sân khấu hôm nay...

Với sự nỗ lực không ngừng, báo chí đã đồng cảm với các nghệ sĩ khi tích cực phản ánh và khẳng định những nhân tố tiến bộ trong xã hội đi cùng với cái tốt, cái thiện, cái chính nghĩa, cái nhân bản cao đẹp tồn tại ở đời; phê phán cái xấu, cái ác, cái phi nghĩa, bất công, sự thoái hóa, biến chất về đạo đức và nhân cách của một bộ phận trong xã hội; đồng thời góp phần bảo vệ đường lối văn hóa văn nghệ chính thống của Đảng và Nhà nước. Với ý thức trách nhiệm cao, nhiều phóng viên đã không ngừng lên tiếng trên báo chí để bảo vệ những đặc trưng, nguyên tắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống, làm sáng rõ những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhằm đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống trở lại với bản sắc vốn có của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường, báo chí đã đồng hành cùng với chủ trương xã hội hóa của Nhà nước để huy động các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống của nghệ sĩ và nhân dân thời kì đổi mới. Trong nền kinh tế thị trường, tác phẩm sân khấu trở thành một loại hàng hóa đặc biệt - hàng hóa văn hóa tinh thần. Vì là sản phẩm văn hóa tinh thần nên nó được tạo ra từ lao động trí tuệ của con người và có khả năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cá nhân hay cộng đồng người.

Trên cơ sở đó, nhiều báo chí đã nâng cao sức chiến đấu khi chống lại xu hướng coi nhẹ giá trị văn hóa của vở diễn và biến vở diễn thành món hàng rẻ tiền, câu khách đơn thuần, mang đậm tính thương mại. Có thể nói, trong cơ chế thị trường, khi lực lượng lí luận phê bình chuyên nghiệp “lánh mình”, thì phóng viên các báo chí đã dũng cảm, tiên phong “chiếm lĩnh trận địa” hộ giới lí luận phê bình, hoà nhịp với “hơi thở” của đời sống sân khấu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sân khấu và trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ với công chúng, giữa công chúng với tác giả, giữa công chúng với tác phẩm. Cùng với những đóng góp nói trên là sự tồn tại những hạn chế. Trước hết, đội ngũ phóng viên chuyên mục sân khấu vừa thiếu lại vừa yếu. Sự có mặt tên tuổi của họ trên các báo chí chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, nhiều người trong số họ trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, viết bài theo phong cách báo chí, chỉ mang tính chất đưa tin, giới thiệu, có kèm theo một số lời bình vô thưởng vô phạt. Hơn nữa, họ đa phần không được đào tạo chính qui về chuyên ngành sân khấu. Với sự thiếu hụt này, hệ quả là sự ra đời của nhiều bài viết hời hợt về nội dung và làm “nhiễu loạn” định hướng xã hội. Bên cạnh đó, trước sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, không ít bài viết thành sản phẩm mang tính thương mại, với những “tít bài” giật gân, khêu gợi tò mò của người đọc, hay đi vào khai thác những chuyện đời tư vụn vặt của nghệ sĩ để tạo dư luận.

Trên thực tế, một người cầm bút chân chính không những đòi hỏi đức tính trung thực, công bằng và trách nhiệm trong nghề nghiệp, mà còn đòi hỏi cả sự nhận biết chủ quan lẫn khách quan, cả sự cảm thụ say mê lẫn lí trí xét đoán, bình giải tỉnh táo dựa trên các tiêu chí nghệ thuật và tiêu chí khoa học. Một nền sân khấu chỉ thực sự phát triển khi nền sân khấu ấy có được những tác phẩm hay, đồng thời có được một lực lượng lí luận phê bình trên báo chí vững mạnh, là đồng nghiệp của người nghệ sĩ, là khán giả trung thành của sân khấu, là trọng tài và người hướng dẫn cho công chúng và nghệ sĩ...

Trần Thị Minh Thu (NTBD)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh