Người tạo ra sân khấu rối nước cơ động
- Văn hóa - Giải trí
- 18:45 - 03/11/2015
Từ ý tưởng điên rồ
Phan Thanh Liêm theo nghề của tổ tiên như một lẽ thường tình, nhưng anh chưa bằng lòng với những gì mọi người đang làm. Anh bảo, nghề rối thi thoảng mới được đi biểu diễn, mà người này cứ phải phụ thuộc vào người khác thì thật bất tiện. Nếu một mình một sân khấu thì sẽ cơ động hơn. Khi biết Thanh Liêm có ý định này- nghệ nhân Phan Văn Ngải, người khai sinh ra hình ảnh chú tễu nổi tiếng, đồng thời là trưởng gánh múa rối tư nhân đầu tiên của Việt Nam, cho rằng, đó chỉ là điều vẩn vơ và không thể hình dung đứa con thứ tư của mình có thể làm được điều đó. Thế nhưng, Thanh Liêm đã làm được điều không tưởng ấy.
Thanh Liêm lý giải, ngày xưa các cụ sử dụng những con rối rất nhỏ chứ không to như các nhà hát đang dùng bây giờ. Vì thế, nhân vật rối của anh cũng chỉ nhỏ bé xinh xắn như những đồ lưu niệm. Anh chế ra một sân khấu nhỏ được lắp từ những mảnh ghép, sau đó trải lên một tấm bạt và đổ nước. Nếu các nghệ sĩ rối nước khác luôn phải ngâm chân trong nước thì anh chỉ đứng ngoài bể và dùng tay điều khiển. Đồ nghề của anh có thể xếp gọn trong một chiếc hòm, đi đâu xách theo nhẹ nhàng như người đi du lịch.
Sân khấu rối của Phan Thanh Liêm.
Trông như một chậu nước to song sân khấu mini ấy lại cần sự tính toán cẩn trọng, chỉ cần lượng nước không đủ hay đặt trên một bề mặt gồ ghề là có thể tan tành một buổi diễn. Lúc đầu, thấy anh độc diễn, giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam phản đối gay gắt, cho rằng đó là trò bôi bác nghệ thuật rối nước nhưng khi trình diễn tại Vân Hồ anh nhận được lời động viên từ thủ tướng Phan Văn Khải. Sau này tất cả đều tâm phục khẩu phục sáng chế của anh, thậm chí còn cho rằng đó là một tuyệt chiêu của bộ môn này.
Mới đấy, mà đã 15 năm kể từ ngày đầu tiên anh biểu diễn trên sân khấu mà chính mình đã sáng tạo ra. Cách đây không lâu, mô hình sân khấu thủy đình mini của Thanh Liêm đã lọt vào mắt xanh của Hương Giang, một doanh nhân trẻ ở TP Hồ Chí Minh, đã quyết định làm một bản sao sân khấu tại nhà hàng của mình và biểu diễn miễn phí cho khách trong và ngoài nước. Ngay từ khi xuất hiện, sân khấu này đã thu hút đông đảo người dân phương Nam, khiến múa rối nước trở nên thân thiết hơn tại vùng đất này.
Gìn giữ truyền thống dân tộc
Không những đi diễn khắp nơi trên thế giới, ngôi nhà nhỏ của Phan Thanh Liêm, ở số 1, ngõ 260, ngách 17/18 phố chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) trở thành điểm hẹn của người yêu rối nước, nhất là khách nước ngoài. Tọa lạc trên tầng 4, vài chục mét vuông chỉ đủ chỗ cho một thủy đình mini và khoảng hai chục ghế ngồi, song sức hút mà điểm diễn này mang lại không thua kém các sân khấu chuyên nghiệp. Vì sân khấu nhỏ nên con rối cũng nhỏ, nhẹ và khoảng cách giữa cánh tay người biểu diễn tới con rối ngắn hơn, điều đó giúp diễn viên điều khiển “bạn diễn” sinh động, hấp dẫn hơn. Cùng với đó, khoảng cách giữa nghệ sĩ biểu diễn và người xem gần như bị xóa nhòa.
Vì sân khấu nhỏ hẹp, chỉ có đủ chỗ cho một đến hai diễn viên nên một người phải đảm đương nhiều nhiệm vụ, cường độ biểu diễn cao gấp nhiều lần so với sân khấu lớn. Nghệ sĩ phải biểu diễn luôn tay, ít nhất mỗi tay một con rối, thậm chí có lúc hai tay điều khiển 8 nhân vật. Những lần đi biểu diễn xa, một mình anh phải lo từ A đến Z, nào xếp đồ nghề, đi kiếm nước tạo thủy đình, biểu diễn, rồi thu dọn hiện trường.
Sân khấu độc đáo của anh Liêm có thể len lỏi đến từng ngóc ngách dân cư. Lúc thì trên vỉa hè một hội chợ, khi lên khu resort trên núi, thậm chí vào cả tháp Hà Nội. Nghĩ ra trò mới, anh ngẫu hứng biểu diễn tại nhà cho vài người bạn thân cùng thưởng thức. Đến nay, anh là người duy nhất biểu diễn rối nước kiểu này và sân khấu mang tên Thanh Liêm được bạn bè quốc tế truyền tai nhau như một sự thú vị, lạ lùng.
Thanh Liêm cho biết, các trò diễn dân gian mang đậm bản sắc dân tộc đem lại cho anh niềm tự hào khôn tả mỗi khi biểu diễn tại xứ người. Chỉ đơn giản là trò chọi trâu, đua thuyền, múa rồng... song khán giả có thể cảm nhận được nét tinh tế trong văn hoá của người điều khiển. Theo anh: “Các trò diễn không cần kể câu chuyện thật hay mà cái chính là sự khéo léo, tài tình trong từng động tác di chuyển, hoạt động của nhân vật rối. Tôi sẽ từng bước đúc rút kinh nghiệm, đứng thật vững trên nền tảng truyền thống, đồng thời tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để sân khấu nhỏ ngày càng đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả”.
Những chuyến lưu diễn dài ngày ở các nước Ý, Ba Lan, Canada, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... đã nhận được sự hâm mộ nhiệt tình của khán giả, song Phan Thanh Liêm lại không kiếm sống bằng nghề trình diễn rối. “Nếu biểu diễn chung, tiền thù lao cũng phải đau đầu bàn tính. Một mình tôi, chỉ cần đủ chi phí đi lại là..ok. Nơi nào khó khăn về tài chính mà yêu thích thì mình có thể thông cảm”, anh bày tỏ. Nghề chính của Thanh Liêm là làm và bán con rối. Nhà anh là xưởng chế biến vô số các nhân vật của sân khấu rối.