CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Sắc Xuân hải đảo

Xuân đến sớm với người lính đảo

 Vùng 4 Hải quân vào những ngày cuối năm nhộn nhịp niềm vui. Bốn chuyến tàu HQ - 996, HQ - 936, HQ - 571 và HQ-561 chở đầy quà Tết hú ba hồi còi dài tạm biệt đất liền hướng Trường Sa thẳng tiến.

Tiễn bốn con tàu xông biển đầu năm 2015, ngoài đông đảo cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, còn có thân nhân, vợ con của sĩ quan, và có cả những thiếu nữ tiễn người yêu đi làm nhiệm vụ.

Phấn khởi trước niềm vui mùa Xuân mới, trước cảnh bịn rịn chia tay giữa người đi người ở, Chuẩn đô đốc Mai Thanh Hóa, Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói: “Trường Sa bao giờ cũng đón Tết sớm hơn đất liền.

Tết của lính biển

Tặng anh bó hoa trước giờ đi biển

Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Những phần quà của đất liền gửi tặng, đó là nguồn động viên khích lệ để những người lính Trường Sa ấm lòng hơn, thêm vững chắc tay súng canh giữ biển trời”.

Theo Chuẩn đô đốc Mai Thanh Hóa, mùa xuân về với quân dân huyện đảo Trường Sa từ tháng 12 dương lịch. Trong nhiều niềm vui đón chào xuân mới, niềm vui nhất của lính trẻ là nhận được thư người thân từ đất liền gửi tới.

Họ cho rằng, nếu nhận được thư ở chuyến tàu đầu tiên chở hàng Tết ra đảo là gặp may mắn cả năm. Tuy ở đảo chiến sĩ trẻ bây giờ đã được gọi điện về đất liền thăm người thân, song có những điều sâu kín không thể giãi bày qua điện thoại

Chiến sĩ Lê Văn Thắng, quê Thanh Hóa, ở đảo Sinh Tồn, chia sẻ: “Em vẫn thích thư viết tay, nó như bằng chứng chân thành nói lời mình mong muốn. Tết năm ngoái em nhận được 5 lá thư của người thân, chuyến tàu Tết năm nay em hy vọng nhận được thư của bạn gái và quà của gia đình”.

Trường Sa là nhà

Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng Tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ngoài thịt lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh, mứt, gạo nếp, miến, măng... không thể thiếu mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân từ miền Bắc.

Từ khi các đảo  nuôi được lợn, gà, vịt, trồng rau xanh nên thực đơn trong những ngày Tết khá phong phú. Trung tá  Đỗ Việt Hòa bảo rằng,  Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ chẳng khác đất liền. Ở quê nhà có gì, Trường Sa có nấy.

Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa lớn và các đảo nổi khác đi chơi xuân, giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm thì hái hoa dân chủ, chỉ khác đất liền là không được đi hái lộc xuân, không được ở cùng bên người thân”.

Theo quy định đúng sáng 28 Tết, sáng sớm, cán bộ chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới đi dâng  hương tưởng niệm các liệt sĩ.

Tiếp đó là các phần việc: Mổ lợn, gói giò, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc. Ngày Tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” một bộ quần áo dân sự đẹp nhất.

Xuân về trên quân cảng Vùng 4 Hải quân.

Xuân về trên quân cảng Vùng 4 Hải quân.

 Có một điều đặc biệt phải quan sát kỹ mới phát hiện được, đó là “góc nhỏ riêng tư” của các chiến sĩ ở cạnh đầu giường hoặc một nơi nào đó, sẽ được trưng bày những lá thư “màu tím”, hoặc vật kỷ niệm, hoặc cuốn nhật ký để khoe với bạn bè, với niềm mong muốn: Xin để chia sẻ niềm vui cùng đồng đội.

Nếu đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, sản phẩm làm ra không chỉ đặc biệt bởi vị chát ngọt của lá, mà mang vị mặn mòi của biển và đã trở thành đặc sản Trường Sa.

“Bây giờ các đảo đều có lá dong đem từ đất liền để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy có cái gì đó thiêng liêng, như muốn khẳng định tinh thần thép của người lính đảo”, hạ sĩ Trần Văn Ban (đảo Sơn Ca) cho biết.

Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giao thừa. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảo trưởng nói: “Trong  giờ khắc giao thừa linh thiêng năm mới, chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Trường Sa xin hứa với Tổ quốc và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, dù gian khổ đến mấy, dù phải hy sinh tính mạng của mình”.

Trong phút giây thiêng liêng ấy, những người lính hướng về Tổ quốc, về các liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tất cả vì quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi.

Tết của lính hải quân

Chuyển quà Tết xuống tàu.

Thiêng liêng như Tết Trường Sa

Có lẽ, những ai đã từng đón Tết Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ của nó. Trong thời khắc giao thừa chuyển mùa sang xuân, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào xúc động tự hào.

Tự hào bởi được canh trời giữ biển cho đất liền đón Tết vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin giữ đảo, tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về các anh với tất cả niềm thương nhớ vô bờ. 

Tiếng đàn ghi ta bập bùng giữa trập trùng sóng nước, tất cả mọi người hát say mê trong niềm xúc động: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương.

Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua, Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Chiến sĩ Lê Văn Thắng (đảo Sinh Tồn) cho biết: “Phút giao thừa là xúc động nhất. Khi cất lên bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, em thấy Tổ quốc mình thiêng liêng vô cùng. Vừa hát vừa khóc.

Khóc vì niềm tự hào được canh đảo để đất liền đón Tết vui xuân, khóc vì sự thầm lặng hi sinh của lính đảo, và khóc vì thương Tổ quốc mình”.

Quân và dân Trường Sa đón Tết mừng xuân với tinh thần “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, ở chân trời Tổ quốc ấy, các anh luôn vững vàng tay súng canh biển đảo để nhân dân cả nước đón Tết yên bình, để biển đảo ngời mãi sắc xuân.

Trần Mạnh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh