CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:38

Kiên cường bám ngư hoàng sa, trường sa

Trong dọc dài biển cả

Dọc dải đất hình chữ S, cuộc mưu sinh của ngư dân vùng biển ở đâu, lúc nào cũng lắm nỗi truân chuyên. Anh  Nguyễn Gia Viên, ở xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn) - chủ tàu QNg-96111TS, 42 tuổi nhưng đã có hơn 25 năm bám biển, trong đó 20 năm làm thuyền trưởng tàu cá chuyên bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đang sở hữu đội tàu cá 3 chiếc, toàn tàu công suất lớn. Đời ông nội gắn với biển, đời cha anh gắn với biển, rồi tới anh cũng trưởng thành từ những chuyến đi biển như thế này. Anh Viên cho biết: “Đời cha, đời ông mình đi biển bằng những con tàu nhỏ cũ kỹ mà vẫn vươn tới được Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu của mình to hơn, nhiều người hơn lại được trang bị nhiều thiết bị tối tân hơn thì phải vươn xa hơn. Dù có sóng gió bão biển, dù có bị tàu Trung Quốc chèn ép, bắt bớ nhưng vẫn ra biển không một ngày ngưng nghỉ. Phía sau mình còn là hậu phương, còn là gia đình và cả Tổ quốc nữa!”. Để có những chuyến đi biển như thế này, anh đã làm lụng nhiều năm chắt chiu, đến năm 2000, anh đã sắm được 3 con tàu để ra khơi, chính thức trở thành trụ cột cho gia đình.

Dù biển đông dậy sóng nhưng ngư dân vẫn can trường bám biển (ảnh MH)

Một ngư dân nhận xét: “Anh Viên có biệt tài lùng tìm những đàn cá nên luôn trúng đậm. Nhiều chủ tàu khác cứ than lỗ vốn, nhưng đi với ảnh thì mỗi năm bạn chài như tôi được chia từ 40 – 60 triệu đồng. Anh cũng là một chủ tàu có tấm lòng với biển khơi!”. Hơn 25 năm bám biển, bám tàu với hàng chục lần anh phải đối mặt sóng to gió lớn để cứu vớt ngư dân bị nạn. Phần thưởng đối với anh là giành lại sự sống của ngư phủ từ tay thủy thần, những ly rượu cảm tạ cùng với nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, ngành chức năng trao tặng. Nhiều người gọi đùa anh là Viên “Inốc” vì có thể bơi lặn dưới làn nước lạnh thấu xương trong nhiều giờ liền. Anh Viên là một trong những chủ tàu cá ăn nên làm ra ở Lý Sơn. Mỗi năm, với 3 chiếc tàu cá hành nghề lưới vây rút chì, anh thu về cả chục tỷ đồng. Trên tàu, anh trang bị nhiều phương tiện hiện đại để phục vụ đánh bắt cá. Anh Viên bộc bạch: “Tàu này có công suất 450CV nên chạy từ Lý Sơn ra Hoàng Sa chỉ mất 17 giờ. Còn tàu của những ngư dân khác phải mất 2 ngày 2 đêm mới đến nơi. Có cá thì vui mà không có cá thì buồn. Dù cực nhưng vẫn phải bám nghề, vất vả mấy cũng chịu được. Ra biển không chỉ làm kinh tế mà còn bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đó là trách nhiệm của ngư dân chúng tôi!”. Anh Viên nói khi tàu đang quay về lại đất đảo Lý Sơn giữa lúc bình minh: “Cả đời gắn liền với biển, giàu nghèo cũng do biển. Hồi xưa chỉ cần vài lao động ra biển có thể nuôi được cả gia đình, nhưng giờ cả nhà đi biển cũng chẳng đủ ăn. Nhưng đói no gì thì cũng phải ra!”. Biển cả cũng đã “ban tặng” cho anh nhà cao tầng cùng với trang thiết bị đắt tiền, các con được cắp sách đến trường. Anh còn cho nhiều ngư dân mượn vốn để sắm ngư cụ vươn khơi. Với người dân nơi đây, anh không chỉ là một ngư dân quả cảm, mà còn là một người hàng xóm tốt bụng, một người mẫu mực cả trên biển lẫn khi ở đất liền. Nhìn lá cờ trên tàu, anh Viên bảo: “Có ra tới Hoàng Sa mới hiểu được Quốc kỳ, linh hồn Tổ quốc thiêng liêng như thế nào.

Chính lá cờ Tổ quốc đã tiếp thêm cho những ngư dân sức mạnh vượt qua bão tố, thiên tai và cả nhân tai, vững lòng bám biển. Mỗi lúc gian nguy giữa đại dương, ngước nhìn lên lá cờ là lại như thấy Tổ quốc mình, đồng bào mình đang ở bên cạnh vậy. Có khi trong suốt hành trình đánh bắt cá, tàu của tôi phải mang theo hàng chục lá cờ Tổ quốc và cần thiết là thay ngay khi cờ bị bạc màu, để đảm bảo Quốc kỳ trên nóc tàu luôn đỏ thắm, tươi rói. Tổ quốc là linh thiêng, cờ Tổ quốc là nơi chúng tôi gửi gắm niềm tin và mơ ước của mình. Dẫu bao sóng gió và cả những hiểm nguy, nhưng với chúng tôi, Tổ quốc vẫn là mãi mãi!”.

Trên hòn đảo tiền tiêu

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn), người được ngư dân đất đảo xem là chỗ dựa tinh thần để bám biển mưu sinh, ngồi trò chuyện với chúng tôi ngay trên nóc tàu cá vừa trở về từ Hoàng Sa. Nước mắt ông như chực trào khi chia sẻ những suy nghĩ của mình: “Nhiều ngư dân Lý Sơn kể lại chuyện ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, cản trở ngư dân đánh bắt cá, bắt bớ hay thu hồi vật dụng.

Nhưng rồi với ý chí, tinh thần đoàn kết và nhận thức được rằng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiều tàu cá Lý Sơn lại kết đoàn với nhau qua “I-com” vững lòng cắm cờ Tổ quốc lên nóc tàu tiếp tục bám biển! Điều đó có được là nhờ lịch sử bao đời bám biển của người dân đất đảo này!”

Trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc này, có rất nhiều gia đình nhiều đời bám biển, cha truyền con nối với biển một niềm tin sắt son nhất. Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Ở đó, nơi lưu giữ nhiều hiện vật còn lại của những đoàn binh phu từng vượt gió đạp sóng ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Những vật dụng rất đỗi gần gũi được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Cùng với đó là rất nhiều tư liệu khẳng định bờ cõi của đất Việt trên biển, như ảnh biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa chụp năm 1930; bản đồ “Phía đông Ấn Độ và những vùng lân cận” xác định rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, xuất bản tại Luân Đôn (Anh) năm 1969... Tôi đã thoáng rùng mình khi ngẩng lên, nhận thấy vẻ hào hùng, bi tráng từ Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sừng sững giữa đất trời.

Bất chấp những nguy hiểm ngư dân vẫn tự tin vươn khơi khẳng định mốc chủ quyền của tổ quốc

Niềm xúc cảm ấy càng dâng cao khi chúng tôi đến đình làng An Vĩnh (thôn Đông, xã An Vĩnh) - nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm vào tháng 3 âm lịch, Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa với những ngôi mộ gió của những người đi mãi không về. Cách đình làng An Vĩnh không xa là nhà thờ Phạm Quang Ảnh, người được ngư dân Lý Sơn thờ cúng như một Thành hoàng. Nhà thờ hiện nay do ông Phạm Quang Tỉnh, hậu duệ đời thứ 5 trông coi. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Tỉnh cho biết: “Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nghề duy nhất của người dân là đánh bắt và chế biến hải sản. Người dân từ bao đời nay chỉ gắn bó với biển vì biển là nguồn sống mang lại miếng cơm manh áo cho người dân, tiền học hành cho con em đến trường.

Tuy nhiên, nghề câu khơi cũng lấy đi những mất mát, đau thương không thể bù đắp được bằng hiện vật. Song vị mặn mòi của biển khơi đã thấm vào từng thớ đất, con người nơi đây nên việc bám biển sống là niềm tin bất di bất dịch! Dù những ngôi mộ gió ở Lý Sơn vẫn không ngừng tăng lên. Dù ngoài kia tàu của ngư dân Lý Sơn vẫn bị rượt đuổi. Nhưng có hề gì, mỗi một tàu cá của ngư dân ra khơi là một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo. Những chuyến tàu vẫn trực chỉ Hoàng Sa, với niềm tin trọn vẹn, sắt son!”

Niềm vui sau những chuyến vươn khơi (ảnh Internet)

Thời gian gần đây, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam, cộng với đó là hàng loạt hành động quấy phá, khiêu khích, bắt bớ, đe dọa tàu cá Việt Nam. Thế nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn ra biển. Anh Viên khẳng định: “Biển của mình bao đời rồi làm sao họ nói lấy là lấy được. Còn luật pháp và dư luận quốc tế, còn sự đấu tranh không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước, và đặc biệt là còn những con tàu vẫn ngày ngày ra khơi bám biển như chúng tôi đây.

Tuy thời điểm này có nhiều khó khăn, nhiều hiểm nguy hơn trước, nhưng chúng tôi đã được chuẩn bị tinh thần, được sự bảo vệ của tàu bạn, của kiểm ngư và tàu cảnh sát biển nên cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến công việc. Chúng tôi hy vọng rằng không chỉ ngư dân Lý Sơn, mà ngư dân trên khắp đất nước này vẫn sẽ ra biển như đời cha đời ông của mình, không run sợ trước các thế lực ngoại bang!”. Nói rồi anh nhìn về phía triền tây, nơi ấy là đất liền và gia đình của những ngư dân đang chờ những tàu cá đầy khoang cập bến.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, cho biết: “Mục đích của chi hội là các con tàu liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm ngư trường khai thác, hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ và kịp thời giúp nhau khi có tai nạn rủi ro trên biển. Mỗi tháng một tàu của chi hội Viên đóng góp 100 ngàn đồng để làm quỹ cho các chủ tàu có hoàn cảnh khó khăn vay để thay đổi máy và ngư cụ mới. Hoặc khi có tàu bị chìm thì xuất quỹ hỗ trợ và cùng nhau chạy tàu tìm kiếm trục vớt, giúp đỡ tàu bị nạn. Nhờ đó mà ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển, vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền đất nước!”.

Gia Ly

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh