Rượu, bia - tác nhân của nhiều thói hư, tật xấu
- Pháp luật
- 17:37 - 31/10/2015
Tác hại của việc uống rượu bia, lạm dụng rượu bia, những đồ uống có cồn là không phải bàn cãi. Rượu bia có khả năng gây độc hại đến hầu hết các hệ cơ quan của cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn, có thể tương tác xấu với các chất hóa học khác trong cơ thể và là một chất hướng thần gây nghiện. Chất cồn cũng gây ra các tác động ngay lập tức đến tâm trạng, chức năng vận động và quá trình tư duy, có liên quan tới một loạt các chấn thương chủ ý và không chủ ý. Sử dụng đồ uống có cồn có tác hại tiềm tàng về sức khỏe và xã hội với cả người sử dụng và người không sử dụng. Một số tác hại có thể thấy ngay như chấn thương hay tác hại liên quan đến tình trạng nhiễm độc đồ uống có cồn hoặc nồng độ cồn trong máu cao. Một số tác hại khác lại diễn ra từ từ và kéo dài như tác hại đối với gia đình, công việc, mối quan hệ xã hội hay các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe.
Bà Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada cho biết, ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo, số tiền chi cho rượu bia tương đương 146 cốc bia rượu/năm, trong khi số tiền mua sữa cho trẻ em ở các gia đình này chưa đủ mua một cốc sữa tươi/năm. Nếu số tiền đó được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm, thay vì chưa đầy 1 cốc/năm như hiện nay”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Tổn thương chính do sử dụng đồ uống có cồn gồm: Rối loạn tâm thần kinh, tác động tới sự phát triển của bào thai (Hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai), tổn thương đường tiêu hóa, gây ung thư ở người; gây tổn thương hệ miễn dịch, bệnh tim mạch, chấn thương có chủ định và không có chủ định...
Mức tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động. Theo đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người (trên 15 tuổi) quy đổi theo cồn nguyên chất tại Việt Nam tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003 - 2005 lên 6,6 lít giai đoạn 2008 - 2010, cao hơn mức trung bình của thế giới (6,2 lít).
Tính riêng những người sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam, trung bình một năm tiêu thụ 17,2 lít cồn nguyên chất; đặc biệt nam giới tiêu thụ 27,4 lít/người/năm, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu, đứng thứ hai sau Thái Lan khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Bia là loại đồ uống có cồn được tiêu thụ chủ yếu tại Việt Nam với 97% lượng cồn nguyên chất tiêu thụ là từ bia. Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á (mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á) và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Khoảng 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 sử dụng đồ uống có cồn (năm 2008), tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm, trong đó 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn ở nhóm tuổi từ 14-17 tăng từ 34,9% lên 47,5% và ở nhóm tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67% trong giai đoạn 2003-2008.
Hiện nay, giới trẻ tiêu phí quá nhiều thời gian và tiền bạc vào “giao tiếp” qua bia, rượu. Hiểu sai và đánh tráo giá trị “lấy việc uống nhiều và uống thật say là thước đo cho tình bạn, sự gắn bó của cộng đồng”. Do đó đã đến lúc cần tạo ra bước ngoặt trong tư duy và hành động của toàn xã hội, chung sức, chung lòng chấm dứt sự gia tăng liên tục tiêu thụ bia, rượu và bắt đầu giảm dần trong tương lai.
Nhậu nhẹt say sưa là một “thể chế phi hình thức” hay một “thói quen phi hình thức” rất khó khắc phục ở nhiều dân tộc và quốc gia. Trước đây, lệnh cấm bán rượu ở Liên Xô đã thất bại. Ngày nay người Nga uống nhiều rượu, tuổi thọ bình quân của đàn ông Nga rất thấp, rất khó khắc phục. Thụy Điển đánh thuế rượu rất cao, nhà nước quản lý các cửa hàng bán rượu, cấm bán cho thanh niên dưới 18 tuổi, ngăn chặn được lạm dụng rượu ở Thụy Điển nhưng ra khỏi biên giới Thụy Điển đàn ông uống rượu say rất phổ biến. Việc uống rượu, mời rượu, nấu rượu ở nông thôn nước ta rất phổ biến, không được quản lý. Số lượng và chất lượng rượu không được chính quyền địa phương quản lý. Do đó việc khắc phục các thói quen lâu năm này là rất khó khăn.
TS Lê Đăng Doanh kiến nghị Chính phủ quy định chặt chẽ việc dùng tiền ngân sách để chi cho chiêu đãi, rượu bia, nghiêm cấm dùng rượu mạnh, rượu ngoại trong chi ngân sách. Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt vào bia, rượu (>30%), tăng giá bán rượu, bia, kiểm soát nghiêm ngặt việc nấu rượu thủ công ở nông thôn. Vận động thanh niên, sinh viên giảm hẳn uống rượu bia, giảm thời gian ngồi quán nhậu, tăng hoạt động thể dục, thể thao lành mạnh. Cấm quảng cáo bia rượu trên truyền hình, chiếu phim về tác hại bia rượu trên truyền hình; trường học, đoàn thanh niên mở cuộc vận động giảm lạm dụng bia rượu, giảm hẳn say xỉn trong thanh, thiếu niên.