THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:27

Quê ơi! Thương đến bao giờ?

 

Sau Tết, nhiều thanh niên miền núi lũ lượt ra đi kiếm sống.

 

Chuyện của Trường 

Rạng sáng rằm tháng Giêng, tiếng Thèn Xuân Trường-chàng trai người Nùng, đã oang oang đầu ngõ. Biết tôi lên nhà ông bạn chơi, nó sang bảo, trưa bác sang em “ăn chén bỗng” (uống rượu) nhé. “ Mai em lại phải “gút bai” quê rồi. Lại phải đi thôi anh ạ, muốn ở quê lắm, nhưng cái bụng cứ đói, lại chả có đồng nào bỏ ra nên không có con nào nó dám lấy nữa”. Biết nó nhiệt tình, tôi sang sớm vừa để cho nó đỡ mặc cảm, lại hỏi han công việc làm ăn nơi “xứ người” của nó thế nào. Trời rét run bần bật nhưng thấy thằng Trường độc cái quần đùi  bắt cá dưới ao.  Nghe hỏi gạn ao sớm thế, nó trả lời trong tiếng run: “ Nhà hết “chất đạm” từ mồng 5 rồi bác ạ. Tiền cũng chả còn, muốn có “đạm” để đưa rượu đành phải tận thu cái ao này thôi…”

Ao chưa đầy sào, không có tiền mua cá giống để thả, nên chả được nhiều. Bữa rượu để chia tay ấy của Trường với tôi và cánh bạn chừng 3kg cá và 1 con gà nặng chừng 8 lạng cả lông. Thú thực chưa bao giờ tôi được ăn bữa cá “nhiều chủng loại” và “lướt ván” đến như vậy. Mớ cá nhỏ ấy, qua bàn tay điệu nghệ của Trường, chỉ kịp “phi” từ chiếc rổ, sang chiếc chảo có tẹo mỡ rồi “phi” sang chiếc đĩa đã được hứng bên cạnh là vào mâm nhậu. Tôi hỏi sao rán nhanh vậy, nó bảo nhà hết mỡ, bắt buộc phải “xử lý” như thế này.

Nhà Trường có 5 anh em nhưng có 3 đứa phải hàng năm xa quê kiếm sống. Chỉ còn lại hai ông anh đầu, do lấy vợ sớm nên giờ dây bầu, dây bí kẹt lại quê, cũng kiếm sống bằng cách làm thuê. Tôi hỏi sao cứ ra “xứ người” mãi như vậy. Mấy năm rồi đi cũng có thấy tích lũy được gì đâu. Trong cái nồng độ rượu đã nạp vào máu, chưa đủ cho cơn say, Trường thẽ thọt: Biết là vậy nhưng vẫn phải đi anh ạ, đi vẫn hơn ở nhà. Nhà em, trước bố mẹ để lại cho 5 anh em đâu có mẫu ruộng. Gạt đi gạt lại, giờ mỗi đứa được 2 sào. Năm cấy 2 vụ, phân gio cũng chả có tiền đầu tư, chủ yếu là phân chuồng nên năng suất không cao được. Mỗi sào, mỗi năm, trừ chi phí và công lao động lãi chưa đầy 300 nghìn đồng. Mà làm ruộng giờ cũng cực. Cái gì cũng phải đi thuê hết, từ cày bừa, tuốt, mình chỉ còn lại mỗi cái công cấy hái và làm cỏ thôi.

Thanh niên miền núi như Trường, mỗi tháng, ngoài lương thực tự làm được thì tiền chi sinh hoạt cá nhân điện thoại, dầu gội, thỉnh thoảng mua thêm thịt cá để đưa cơm, bồi bổ thêm cái cơ thể đang độ lớn cũng mất gần 500.000  đồng. Quê miền núi, ít người thuê, nếu có thuê thì tiền công lại rất rẻ mạt. Thế là chẳng ai bảo ai, Trường và 2 đứa em nữa cũng như nhiều thanh niên trong xóm chỉ còn cách rời quê, tìm xuống các thành phố để làm thuê.

Những chuyến xe cứ chở người đi mãi, nhưng trong số họ ít ai đạt được ước vọng như mong muốn. 

Cái nghiệp “hành khất” của Trường này đã kéo dài đến 6 năm nay. Hai năm đầu theo bạn vào tận Đồng Nai làm ở khu công nghiệp. Không đủ sống, lại dạt về Hưng Yên làm nghề phụ hồ. Lại không đủ sống, giờ phải dạt sang tận Lào Cai, làm nghề bốc vác thuê ở khu vực Hà Khẩu (Trung Quốc).

Sang đây, Trường cùng nhóm bạn ở đủ các miền quê, thuê nhà rồi bắt lấy vài mối kiếm sống. Sáng, 3 giờ dậy, ra phố nhét gói xôi vào bụng, rồi ra cửa khẩu bốc hàng. Trưa không được nghỉ, làm đến khoảng 5 giờ chiều, khi các thủ tục thông thương tạm nghỉ thì về phòng trọ. Mấy anh em lại “nổi lửa lên em”, bát đũa lùa dọc, lùa ngang cho ấm bụng rồi lăn ra ngủ.

Trường bảo, ở bên đó nhiều việc, thu nhập khá,  năm vừa rồi trừ ăn uống, tiêu pha Trường cũng lận lưng được ít tiền. Nhưng năm nay, địa bàn kiếm sống của Trường là bên Bắc Hà. Vì Trường bảo, ở TP. Lào Cai gần cửa khẩu, nơi giao lưu nên bạn bè  của Trường lâm cảnh nghiện ngập ác quá. Trong đám 7 thanh niên các vùng miền đến “xoay lưng làm thuê” với nhau chỉ có Trường và một cậu nữa là còn “lành lặn”. Còn đứa nào đứa ấy đều “ngửi khói” (hít) và “đi thủy” (chích) hết cả rồi.

Đêm ấy, đóm đuốc tôi cũng cùng người bạn hàng xóm đưa Trường ra cái ngã ba Tân Quang. Đây có lẽ là ngã ba chia ly lớn nhất sau Tết của thời bình. Ngã ba ồn ào như cái chợ nhỏ, toàn thanh niên nam nữ tập trung. Người đi Hà Nội, người đi Nam Định và có kẻ vào mãi miền Nam. Họ đều đi làm thuê để kiếm sống. Các chuyến xe khách cứ dừng lại, hả hê “nuốt” họ rồi lao vút vào đêm sâu thẳm. Chọn chuyến xe “chuồng gà, chuồng vịt” Trường vội nhảy lên để “thượng lộ” sang “phố núi” Bắc Hà cho rẻ tiền. Tôi nhìn theo em ái ngại! Cầu mong sự lành lặn sẽ mãi đi theo tuổi trẻ của em.

Những mảnh đời “bèo dạt”!

Cái Thảo- là trường hợp như vậy. Cô bé hàng xóm ông bạn học cùng đại học, tôi biết sau những lần về chơi. Trong xóm nó là đứa xinh xắn nhất, mới ngày nào tôi về còn bé tẹo, quay đi quay lại đã phổng phao. Tôi chắc, nếu nó không sinh ở quê, mà sinh ở phố thì sẽ có tương lai khác hẳn. Không nghề nghiệp, thì chí ít cũng phải có anh nào có nghề nghiệp, thu nhập “vồ” lấy. Cuộc sống không khá giả thì như vậy cũng yên bề gia thất, gia đình lối xóm đỡ phải lo.

Cách đây 4 năm, tôi về dự lễ mừng thọ bố cậu bạn, chợt nhớ con bé Thảo, tôi sang nhà hỏi. Mẹ nó bảo, cháu nó học hết 12 nhưng nhà đuối quá, nên đành cho ở nhà. Năm rồi, có công ty tuyển dụng lao động ở Hà Nội về, ruộng ít, việc không, thế là nó làm hồ sơ đi. Nó đi làm công nhân may, học việc 6 tháng đầu, thấy người ta bảo trả 2 triệu đồng/tháng. Biết thế là không đủ tiêu, nhưng vì “tương lai” của con gái, nên bố mẹ đành cho con gái đi.

Vượt rừng mưu sinh.

Sáu tháng học việc hết, nó ra đứng dây chuyền, thấy bảo làm đủ ca, kíp sẽ có nguồn thu khoảng gần 4 triệu đồng/tháng. Nhưng cực thay, chả bao giờ đủ lương cả vì lúc máy hỏng, lúc không đơn hàng, lúc ế hàng. “Đâm lao phải theo lao”, quay đi quay lại, sáu năm ở thành phố, tháng bố mẹ vẫn phải gửi gạo quê lên trợ giúp mà lương vẫn không đủ sống. “Đi mắc núi, trở lại mắc sông”, về quê giờ cũng không kịp nữa. Vì về quê cái đầu tiên là phải lấy chồng. Nhưng bạn bè cùng trang lứa nó, nếu ở quê đã yên bề gia thất, giờ về biết lấy ai. Thế là đành “nghiến răng” ở lại.

Năm trước, nó về dắt thêm thằng bạn trai, giới thiệu vung vãi với bố mẹ, xóm làng là người yêu. Ai cũng mừng. Quê chồng cái Thảo tận Phú Thọ, cũng là vùng đất nghèo. Hai đứa lấy nhau, sau cưới, lại tay xách, nách mang lên với dây chuyền. Vẫn cứ giật áo vá vai, vẫn hằng tháng phải về quê xin gạo lên để nuôi nhau. Rồi vợ chồng cái Thảo có con, “vợ chồng son thêm 1 con là 4”, vất vưởng quá nên vợ chồng nó bỏ dây chuyền nhà máy dắt díu về quê chồng.

Quê cái Thảo nghèo, quê thằng chồng nó còn nghèo hơn. Sau những đêm trằn trọc suy tính, chồng cái Thảo quyết định về quê vợ tá túc. Để có cái mưu sinh, 2 vợ chồng nó tính chuyện mở quán In tơ nét để tận thu tiền trẻ con quê. Lại nhờ bố mẹ vay mượn, quán mở ra, chưa “chăn dắt” được trẻ quê bao nhiêu thì thằng chồng nó say game theo kiểu đánh ăn tiền. Rồi nợ nần, rồi chửi bới, nước cờ cuối, thằng chồng té về quê, vứt đứa con lại cho cái Thảo. Nheo nhóc đến vô cùng.

Tết này về quê bạn, sang nhà Thảo, tôi lại thấy nó nói chuyện ra đi. Gửi con lại cho cha mẹ, nó bảo sẽ vào tỉnh Bình Dương, trong ấy đang có công ty may làm ăn được đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tôi thầm mong sự ra đi lần này của nó sẽ may mắn hơn sự ra đi lần trước!            

ĐỨC TUYỀN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh