CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:27

Mưu sinh nhờ biển động

Tép trắng Cồn Vành

Theo cách gọi của nhiều vùng, có nơi gọi tép trắng là moi, tôm nhỏ, tép, như miền Trung gọi là ruốc, tép thường được phơi khô, làm nước mắm, mắm tép.

Riêng ở Thái Bình, người ta gọi là con tép trắng, tép tập trung chỉ ở khu vực bãi biển Cồn Vành (Tiền Hải). Từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm là dịp biển thường xuyên động, khi đó tép ngoài khơi xa lại kéo nhau vào bờ. Có lẽ tép vào tìm kiếm thức ăn, sinh nở và tìm nơi trú ngụ khi biển động. Hơn nữa, bãi biển Cồn Vành này nằm giữa hai cửa sông là Ba Lạt và Cửa Lân, là nơi dòng nước ngọt và mặn giao hòa với nhau. Mặt khác, đây còn là vùng sinh quyển với khí hậu thích hợp cho loài tép trú ngụ.

Niềm vui "trúng đậm" vào mùa biển động.

Nói đến tép trắng Cồn Vành, thoạt đầu rất khó tin khi có người nói rằng, “cứ lội xuống nước, dùng tay vục xuống cũng bắt được tép, tép nhảy khắp nơi, khi lội xuống nước tép bám vào chân, khi úp mặt xuống nước tép lao vào mặt, còn khi ngụp lặn... tép vây quanh trên đầu”.

Chị Nguyễn Thị Thu - người kinh doanh hải sản tại Cồn Vành, chỉ từng đoàn xe máy chở thùng xốp, nối đuôi nhau đi từ biển lên nói: Tép cả đấy! Nhưng so với hàng năm thì lượng tép năm nay chưa phải là nhiều.  Có bận người ta trút hết tép vào bao tải rồi cho lên xe ba gác mà chở, hết xe này đến xe khác cứ nối đuôi nhau chở tép về.

Bắt tép ngoài khơi.

Nói vậy, tưởng năm nay “mất mùa” tép, nhưng chỉ mới 4 ngày qua sau biển động, đã có hộ bắt được trên chục tấn tép. Như nhà anh Nguyễn Văn Tình (trú tại xã Nam Thắng), anh cho biết: Ngày hôm qua, bố con tôi đi đánh tép từ lúc 6 giờ sáng đến 9 giờ, đã thu về được 5 tạ tép. Trưa nghỉ ngơi, ăn cơm xong, chiều lại đi đánh được 3 tạ nữa.

Cũng chẳng kém cạnh so với anh Tình, gặp gia đình anh Đại (trú tại Nam Hưng) ở bờ biển khi Vợ chồng anh đang khiêng mẻ tép sau cùng lên bờ. Anh Đại hồ hởi cho biết: Tuy mới xuống nước được vài tiếng nhưng số tép Vợ chồng anh khiêng cũng phải được 70 cân. Còn như anh Giang, tép nhiều, ham bắt quá nên giờ như đã kiệt sức, ngồi thẫn thờ trên bờ. Khi hỏi về thành quả lao động, anh tổng kết “trung bình mỗi ngày tôi thu được 7 tạ tép trắng”.

 

Gánh tép lên bờ.

Tép nhiều là vậy, song đầu ra lại không phải lo, tép lên bờ đến đâu bán hết đến đấy, trông hàng trăm chiếc xe máy kèm thùng xốp đứng đợi mua tép là rõ: Nếu dân không mua thì đã có mối lái đến lấy bán lại cho các doanh nghiệp.

Với giá 15-20 nghìn đồng/cân, mỗi tạ tép trắng, người ta đã có thể đút túi trên một triệu đồng, và có người đã kiếm được trên chục triệu đồng một ngày nhờ tép trắng.

Tép trắng Cồn Vành.

 

Dầm mình vớt tép

Thường thì những ngư dân này làm các công việc khác nhau, như anh Đại, anh Giang làm nghề cào ngao, anh Tình làm nghề bẫy chim bán cho các nhà hàng, nhưng khi hay tin tép trắng vào bờ là họ lại bỏ hết công việc, lấy đồ nghề ra biển.

Cơ hội kiếm tiền không ít, song làm thế nào để bắt được tép? Các ngư dân bật mí: Cách duy nhất là phải dùng te. Sắm te mất khoảng 2 triệu, gồm: Gọng te, tức đôi sào dài khoảng 3 mét; lưới te dài 6 mét; hai đôi cà kheo, một đôi dài 1,5 mét, và một đôi dài 2 mét; một bình ắc quy kèm khối xốp để bình luôn nổi trên mặt nước, một khối xốp khác giúp cho đuôi te nổi lềnh bềnh trên nước để khi có tép đuôi te nhẹ dễ di chuyển.

Ngư dân cho tép vào thùng xốp.

Hành trang chuẩn bị xong, anh Tình cho chúng tôi xuống nước để tận mắt thấy công việc bắt tép như thế nào. Trước tiên anh móc lưới vào gọng, cắm điện, rồi sục xuống nước. Anh đi đến đâu, tép nhảy đến đấy, tép như đi theo đàn, liệng liệng trước mặt người đánh bắt. Theo anh Tình, tép nhiều như thế này nhưng cứ “vớt chay” thì không ăn thua, thậm chí chẳng được gì, ngậm hơi biển mà về. Ngược lại, khi hạ te xuống, ta bấm cho điện chạy, điện giật làm chết tép hàng loạt, “cứ tưởng tượng mà xem, lối ta đi, có bao nhiêu con tép đều bị điện giật chết và rơi xuống lòng te” – anh Tình nói.

Cứ như vậy, khi tép rơi đầy lòng te, nặng tay, người ta dựng te lên để cho tép trôi về đuôi te, vì chiều dài của đuôi te khoảng 6 mét nên có thể đựng được vài ba tạ tép. Đây là kiểu đánh bắt tận diệt, nhưng với ngư dân, đây là cách đánh bắt duy nhất.

Khiêng tép lên bờ.

Các ngư dân cho biết: Tép không ở cố định, thay đổi địa điểm liên tục, ngày hôm nay khu vực này nhiều, ngày mai lại hết, vậy nên số lượng đánh bắt phụ thuộc vào may mắn của người đó. Nơi được cho là nhiều tép nhất chính là phía sau tấm biển cảnh báo nguy hiểm. Có lúc theo đuổi đàn tép, họ phải lội ra khơi xa, liều mạng bất chấp biển cảnh báo.

 Công việc bắt tép vừa đòi hỏi sức khỏe, lại vừa đòi hỏi sự dẻo dai. Bởi phải ngâm mình từ lúc 6 giờ sáng cho đến trưa, ăn uống nghỉ ngơi lại ngâm mình cho đến tối. Vất vả là vậy, nhưng tranh thủ kiếm tiền để bù lại những tháng ngày mùa màng thất bát, nhiều phụ nữ, thanh niên cũng xuống biển bắt tép.

Tâm sự về những bước chân, những giây phút dầm mình trong nước để theo đàn tép trắng, anh Tình thở dốc: Mệt lắm. Mỏi chân lắm. Nhiều lúc như khuỵu ngay dưới nước. Nhưng thấy đàn tép cứ đua nhau rơi xuống đáy te lại thêm động lực để làm. Kiệt sức cũng phải cố, vì hôm qua có tép, ngày nay có tép nhưng chưa chắc ngày mai đã có nên dù thế nào cũng phải cố gắng.

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh