CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Người Việt mưu sinh bên kia biên giới

Bài 2: Nẻo về của ba người đàn bà  

Hà đang mời khách tại phố đèn đỏ bên Bằng Tường.

 

Dừng chân ở phố “chăm sóc sức khỏe

Đến thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) hỏi về phố đèn đỏ hầu như ai cũng biết, người ta gọi đó là khu phố của mấy... “con phò”. Đi đường chỉ cần nhìn thấy tấm biển có dòng chữ Hoa ghi “chăm sóc sức khỏe”, liếc mắt vào ắt sẽ thấy dăm bảy cô gái ăn mặc hở hang xếp hàng mời chào.

Cô gái mà chúng tôi muốn nói đến cũng đang ngồi trên ghế đợi khách tại số nhà 302. Cô tên Tạ Thị Hà (sinh năm 1987, quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Gặp tôi, cô như chạnh lòng, nói với giọng bất cần: “Phải ngồi đây cho khách chọn chứ, không thì lấy gì mà đổ vào mồm. Ngồi thế này là ngon rồi. Bằng không thì ra đường mà đứng”.

Cương bạo một hồi, Hà dịu giọng: “Bọn Trung rất ưa gái Việt. Chịu khó một chút cũng đút túi được ngót triệu bạc. Sang bên này không ai biết mình là ai, đỡ phải lo nghĩ gặp người quen. Không như cái ngày “hành nghề” trong các quán café đèn mờ ở Xuân Mai (Chương Mỹ)”. Trước khi sang Bằng Tường “hành nghề mại dâm”, Hà từng bán dâm ở Xuân Mai. Tính khí Hà là vậy, như các cụ hay nói, cứ “thẳng như ruột ngựa”. Miệng bô bô nhưng tận đáy lòng, cô có những tâm sự không chia sẻ cùng ai.

Tôi biết đến Hà trong một chuyến về thăm quê. Lúc ấy, Hà kể: “Em từng bị bán sang Trung Quốc. Em bị nhốt trong nhà suốt nhiều năm trời. Chẳng có đòn roi nào chưa nếm thử. Đủ loại nhục hình hòng ép em sinh con và làm vợ cho gã đàn ông vũ phu đó. Còn em luôn nuôi một ý chí là sẽ bỏ trốn và trở về báo thù”. Nhắc lại chuyện cũ, Hà nhớ về chục năm trước, khi đó trong làng có nhiều người vượt biên sang Trung Quốc làm cho các công ty may mặc. Tuy là làm chui nhưng lương cũng khá ổn định, cao hơn nhiều so với quê nhà. Năm đó Hà 19 tuổi, cô nghe theo lời rủ rê của một người họ hàng trong làng, cùng vượt biên. Nhưng không ngờ, vừa thoát khỏi cung đường rừng giữa hai nước, Hà đã bị đưa lên một chiếc xe con rồi chạy thẳng vào sâu trong nội địa, đi suốt một ngày, khi bước chân xuống Hà mới hay mình bị bán. Chuỗi ngày cay đắng của Hà bắt đầu từ đấy.

Sau khi sinh được một bé trai, Hà đã trốn thoát. Nhưng thoát khỏi căn nhà được xem như tù ngục ấy cô lại không biết nơi đâu là lối về. Cô chạy mãi rồi được xe lai đưa ra khu vực biên giới. Lúc đến nơi thân thể cô rệu rã, ngất lịm gần lối mòn xuyên biên. Và rồi, một người đàn bà tên Bình đã cứu Hà, lo chỗ ăn ngủ cho Hà.

Những tưởng thế là yên ổn, là thoát khỏi bàn tay ma lực của nhà chồng, song chính người đàn bà tên Bình lại đẩy Hà vào một ngõ cụt khác. Bà ta là chủ một nhà chứa.

 Những đêm không tiếp khách, Hà bị mấy tên bảo kê bặm trợn đánh. Khi đã nếm đủ mùi cay đắng, Hà chấp nhận làm gái bán dâm. Được tự do thoải mái. Hà tìm cách về nước. Về quê, nghe tin người bán mình đã phải trả giá, Hà không còn hận thù nữa.

Giờ gặp tôi ở khu phố này, Hà không giấu cảm xúc của mình. Nhấp một ngụm nước, nuốt nhẹ rồi thở dài, buột miệng, Hà hỏi bâng quơ: “Rồi mai này em già đi, em trở về nước sẽ như thế nào nhỉ? Có ai biết cuộc đời em lắm đắng cay không nhỉ? Có ai biết em sang đây làm gái bán dâm, rồi có ai cảm thông cho em, có ai làm chỗ cho em dựa không nhỉ?”...

Hỏi rồi, Hà lại thở dài, ánh mắt cô buồn, lặng nhìn xa xăm.

Hoa trong một lần giao dịch với ông trùm hàng lậu.

 

Bà trùm “cửu vạn”

Sở dĩ tôi gọi chị là “bà trùm cửu vạn”, bởi chị cho biết: “Mình đang sở hữu trong tay khoảng hai trăm “cửu vạn”, khi cần là có, khi muốn gọi là được luôn”. Mọi người gọi chị là Tập Ngọc Hoa, là người Việt, gốc ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Cùng với cái biệt danh “bà trùm cửu vạn”, chị còn kể cho tôi nghe về những chiến tích tranh giành địa bàn làm ăn của mình. Chị bảo, là người mưu sinh vùng biên nguy hiểm rập rình nên trong túi của chị lúc nào cũng có ba thứ: Một là tiền; Hai là bình xịt cay; ba là dao nhọn. Những thứ này chị luôn mang bên mình để phòng thân.

Công việc của chị hàng ngày là tìm mối hàng, gọi “cửu vạn” vác hàng, hàng nào về Việt Nam thì gọi “cửu vạn” xuyên biên. Là người bao biên, chị phải đảm bảo cho hàng đi đến nơi, về đến chốn, sơ sẩy là phải đền. Công việc này luôn gặp phải đối thủ cạnh tranh, hơn nữa vùng biên các băng nhóm xã hội đen hoạt động mạnh, chỉ cần chúng xuống tay quét một mẻ là chị mất cả chì lẫn chài nên có lúc cũng cần phải rút dao đâm chém.

Bà trùm kể: “Nhớ có lần tranh giành với bọn xã hội đen trên vùng biên, chị bị chém vào bả vai, máu chảy thành dòng, may có anh em ứng cứu. Lần đấy chị gần như là mất hết, hàng chục vạn tiền trôi theo dòng máu. Nhưng thế chưa phải là hết, gặp đám xã hội người Trung còn oái oăm hơn. Chúng biết mình là người Việt nên thả sức o ép. Có lần định đánh một trận sống mái nhưng nghĩ như thế mình chả được gì. Chẳng may bị một nhát dao là xác mình nằm gọn trong rừng hoặc dưới hang núi vùng biên rồi. Khi đó có điều tra ra được thì cũng chẳng còn một mảnh xương, chẳng còn dấu tích gì nữa”.

Phận đàn bà, vì cuộc mưu sinh Hoa tự nhủ vẫn phải cố gắng. Làm ăn trên đất khách lại phải nhường nhịn, từ bận đó bà trùm này phải cúi đầu xin lỗi để yên phận. Nghĩ về cuộc sống, có những lúc người mạnh mẽ như chị cũng thấy tủi, đó là những chuỗi ngày chạy vạy tìm mối hàng rồi lo đối chọi với hiểm nguy rình rập. Xa hơn nữa là quá khứ, chị thêm ứa nước mắt.

Chị kể tiếp: “Nhìn lại đã thấy hơn hai chục năm rồi. Chị cũng bị bán sang Trung Quốc rồi bỏ chốn ra vùng biên này tìm kế sinh nhai mà thành ra vậy, chứ có ai mong đâu”. Lau dòng nước mắt của tủi thân, cơ cực, chị đưa chúng tôi đến một căn phòng nhỏ, đó là một nhà nghỉ hạng bình dân. Chị bảo, chị thuê nhà nghỉ để tiện đi lại, mệt đâu nằm nghỉ đó. Kiếp lang bạt chả biết đâu là nhà. Chị thuê căn phòng này một tháng, đợi hàng vận chuyển qua bên kia, xong lúc nào chị lại chuyển đi. Khi nào hàng về khu vực Móng Cái chị chuyển qua đó, khi nào ở Tân Thanh chị lại về đây, kiếp không chồng, không con nơi đất khách cô độc lạnh lùng.Nơi đâu là bến đỗ, khi chị đã ngoài 50. Chưa biết, chị chưa biết mình sẽ về quê hay sẽ chết ở đây trong ngày trở về.

Dinh, từng là nạn nhân của các “mẹ mìn” lừa bán sang Trung Quốc, nay đã có công việc ổn định. 

 

Người đàn bà xứ chợ

Mỗi lần sang Trung Quốc tôi đều tìm đến chị, “người đàn bà xứ chợ” –Nguyễn Thị Dinh (quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình). Tôi quen chị khi đặt chân đến chợ tìm hiểu về đường dây vận chuyển gia cầm thải chết về Việt Nam.

Như nhiều người phụ nữ khác, chị cũng bị bán sang Trung Quốc từ năm 1990. Đúng là số phận chị không may mắn, khi chồng chị không giỏi cũng chẳng phải đại gia, anh chỉ là một người đàn ông chân chất thật thà. Nhớ lại ngày “làm dâu xứ lạ”, chị kể: Ngày ấy ở quê chị sướng lắm. Sang đây rồi phải đi chặt mía thuê, phải vào rừng chặt củi đem ra chợ bán. Ban đầu chị cũng tìm cách trốn về nước nhưng không thành. Khi sinh được hai đứa con chị đã bỏ về nhưng khi đến vùng biên giới gần Lạng Sơn chị bị đám thổ phỉ vây cướp trấn lột hết tiền, may chạy thoát thân.  Sau lần ấy, chị lại tha phương kiếm tiền về. Và được người ta chỉ lối, chị đã về thành công.  Chị định báo công an chuyện mình bị dì ruột bán, nhưng ngẫm chuyện cũng đã rồi nên thôi. Một lần nữa chị đành cam chịu.

Ở nhà được gần 6 tháng, chị không thể chịu nổi khi nỗi nhớ hai con lúc nào cũng hiện hữu. Chị lại khăn gói tìm sang Trung Quốc. Tình mẫu tử không thể dứt, chị thuyết phục được gia đình nhà chồng. Cả nhà không ở làng nữa mà ra thị xã Bằng Tường thuê căn phòng nhỏ sống.

Chồng chị hàng ngày đi làm thợ xây, cửu vạn rồi lái xe ba gác. Còn chị làm đủ nghề sau đó nghe tin gạo bên Việt Nam rẻ, chị về quê bắt mối, đưa gạo qua chợ bán. Từ cảnh đi thuê nhà, giờ gặp lại chị khoe đang xây nhà tiền tỉ, nhưng vẫn hối hận việc bị bán. Còn hai con đã lớn đều đang làm phiên dịch cho khách du lịch và những người Việt sang đây mua hàng. Chị khoe, con gái chị hàng năm về bà ngoại, học được đức tính trung hậu đảm đang của người con Thái Bình nên sang đây rất được lòng mọi người. Cũng có nhà đến xin dạm ngõ, nhưng cháu chưa đồng ý vì chưa báo hiếu được cho bố mẹ, xin thêm vài năm nữa mới cưới.

Đúng là mỗi người một số phận. Từ nghịch cảnh họ trở thành những con người khác nhau. Đó chỉ là một trong những người phụ nữ Việt chúng tôi gặp ở bên kia biên giới.

 

Hà nhớ về chục năm trước, khi đó trong làng có nhiều người vượt biên sang Trung Quốc làm cho các công ty may mặc. Tuy là làm chui nhưng lương cũng khá ổn định, cao hơn nhiều so với quê nhà. Năm đó Hà 19 tuổi, cô nghe theo lời rủ rê của một người họ hàng trong làng, cùng vượt biên. Nhưng không ngờ, vừa thoát khỏi cung đường rừng giữa hai nước, Hà đã bị đưa lên một chiếc xe con rồi chạy thẳng vào sâu trong nội địa, đi suốt một ngày, khi bước chân xuống Hà mới hay mình bị bán. Chuỗi ngày cay đắng của Hà bắt đầu từ đấy.

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh