Quảng Ngãi: Thực hiện tốt chính sách người có công
- Người có công
- 14:01 - 30/12/2017
Đến thời điểm hiện nay, Quảng Ngãi có 181.647 người được xác định là người có công với cách mạng, chiếm 14,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó: Bà mẹ Việt Nam anh hùng 6.239 người (còn sống 474 mẹ), Liệt sỹ 37.413 người, thương binh, hưởng chính sách như thương binh 25.08,7 người, bệnh binh 5.170 người, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 10.253 người, người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học 5.868 người, người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân chương, Huy chương được trợ cấp một lần 28.781 người.
Ông Lương Kim Sơn-Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã xác định rõ trách nhiệm tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền triển khai các công tác chuẩn bị ngay từ quý 3/2016. Ngày 13/02/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 696/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các hoạt động chính như: công tác tuyên truyền, công tác giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và một số hoạt động cụ thể như phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, tập thể, cá nhân tiêu biểu làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; tổ chức thăm tặng quà gia đình người có công tiêu biểu; tổ chức đưa Đoàn người có công của tỉnh đi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức đưa người có công tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương do Trung ương tổ chức…, đặc biệt là tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người có công với cách mạng và nhân dân tại các địa phương trong toàn tỉnh và xây dựng, sửa chữa một số công trình ghi công Liệt sỹ trọng điểm để tổ chức gắn biển kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, Hội đoàn thể liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành gặp gỡ, đối thoại với người có công với cách mạng và nhân dân tại 13/14 huyện, thành phố từ ngày 03/3/2017 và kết thúc vào ngày 09/7/2017. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người có công và thân nhân của người có công khi về điều dưỡng tập trung luân phiên tại Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh.
Qua gặp gỡ, đối thoại với trên 1.000 người có công và thân nhân tại 13/14 huyện, thành phố và tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, với khoảng trên 375 lượt ý kiến, kiến nghị của công dân.
Kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị: Lãnh đạo: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Chính trị/Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thường trực Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh, các Hội liên quan; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã trả lời những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, như: việc giải quyết hồ sơ mai táng phí, cấp thể bảo hiểm y tế cho đối tượng là thanh niên xung phong, Hội viên Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/NĐ-CP còn chậm; việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm...; chưa kịp thời kiểm tra, xử lý những trường hợp man khai hồ sơ để được xác nhận, hưởng trợ cấp ưu đãi người có công gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Thông qua đối thoại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời và kịp thời can thiệp, hướng dẫn giải quyết những hồ sơ còn vướng mắc, như: hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đối với trường hợp ông ông Phạm Bảy, ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (ý kiến của bà Lê Thị Năm); hồ sơ đề nghị giải quyết công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đối với ông Trần Trừu, ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi (ý kiến của ông Trần Xuân Thụ)...Qua trả lời, giải thích của đại diện các cơ quan, đơn vị cơ bản đa số người có công với cách mạng và nhân dân đều đồng tình. Một số nội dung chậm trễ trong giải quyết xác nhận hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Uỷ ban nhân dân và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố cũng được nêu ra tại các cuộc đối thoại, qua đó người đứng đầu cũng thấy được trách nhiệm, khuyết điểm của mình trong việc chậm giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho công dân.
Đánh giá kết quả đối thoại: Qua đối thoại, các ý kiến góp ý của nhân dân chân tình, mang tính xây dựng, thể hiện sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; là một trong những kênh tuyên truyền, hướng dẫn các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công sát nhất, là cấu nối giữa tổ chức với công dân để giải đáp, xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn tại mà người có công với cách mạng và thân nhân của họ còn vướng mắc, phản ảnh; giúp các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các địa phương thực hiện tốt việc nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội, giải quyết tương đối sát yêu cầu, thông tin đến đông đảo nhân dân về những vấn đề được xã hội quan tâm; thấy được những vướng mắc trong cơ chế, chính sách để tổng hợp, kiến nghị, đề xuất với các Bộ, Ngành Trung ương xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ý thức, tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức; hạn chế tình trạng sách nhiễu gây phiền hà đối với nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng chính sách cũng kiến nghị việc quy định xác nhận thương binh, liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày phải đảm bảo điều kiện về giấy tờ theo quy định tại các văn bản hiện hành thì không thể xác lập được hồ sơ. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể và cho thực hiện xác lập hồ sơ theo người xác nhận như trước đây, trường hợp không còn người xác nhận thì tiến hành xác minh, Hội đồng xác nhận người có công cấp cơ sở và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trong việc xác nhận đối tượng, có như vậy mới sớm hoàn thành được giải quyết xác nhận thương binh, liệt sĩ, tù đày, vì thực tế vẫn còn một số trường hợp có tham gia cách mạng, có bị thương, hy sinh hoặc bị địch bắt tù đày nhưng không có đủ điều kiện về giấy tờ để giải quyết.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học do bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính chỉ tiếp nhận hồ sơ khi có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30/4/1975 ghi nhận bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên. Quy định này là không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, vì hầu hết họ đã tham gia kháng chiến, nay không có hoặc còn lưu giữ loại giấy tờ này. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách, quy định trên cơ sở: người nào đã trực tiếp tham gia chiến trường tại vùng Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam, hiện nay bị mắc bệnh thì được giải quyết hưởng trợ cấp ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
Vì vậy, các đối tượng đề nghị Nhà nước cho giám định, xác định lại tỷ lệ thương tật đối với những trường hợp bị thương, được Hội đồng giám định Y khoa cấp có thẩm quyền giám định kết luận tỷ thương tật dưới 21% để họ có cơ hội nâng tỷ lệ lên từ 21% trở lên và được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh đó, mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (500.000 đồng/năm), mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khoẻ đối với người có công (tại gia đình là 1.110.000 đồng/lượt; tập trung luân phiên là 2.220.000 đồng/lượt) là quá thấp. Đề nghị Trung ương quan tâm nâng mức trợ cấp này, đồng thời nên quy định mức trợ cấp này trên hệ số tiền lương cơ sở hoặc mức chuẩn trợ cấp người có công để khi Chính phủ điều chỉnh tiền lương cơ sở hoặc mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công thì các mức trợ cấp nêu trên được kịp thời điều chỉnh tương ứng cho phù hợp.