THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Quảng Ngãi: Đối thoại thực hiện chính sách người có công

Về thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học là một trong những nội dung được quan tâm và có nhiều ý kiến thắc mắc nhất tại cuộc đối thoại lần này. Ông Phạm Đình Phùng trú tại xóm 2-thôn Xuân Hòa xã Tịnh Hiệp thắc mắc khi chưa hiểu được khái niệm người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam ở vùng nào là được công nhận, vùng địch chiếm đóng, vùng tự do hay vùng giáp ranh. Hay một số ý kiến khác cho rằng có rất nhiều đối tượng ngày xưa đã từng hoạt động rất nhiều năm ở miền tây tỉnh Quảng Ngãi, là đối tượng nằm trong vùng phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng đến khi kê khai, lập hồ sơ nhưng ở khâu cuối cùng giám định y khoa lại không đạt yêu cầu để được công nhận và hưởng chế độ...

Trả lời vấn đề này, ông Đinh Xuân Sâm-PGĐ Sở LĐ-TB&XH cho biết: Phạm vi để công nhận là vùng nhiễm chất độc hóa học ở Việt Nam là tính bắt đầu từ vĩ tuyến 17 trở vào, đối tượng được xét hưởng chế độ này là những người tham gia kháng chiến từ năm 1961 đến 30/4/1975. Những đối tượng khi khám, xét nghiệm phải có 2 bệnh lý là đái tháo đường túp 2 và viêm thần kinh ngoại biên.

Với trường hợp nhiều đối tượng đã từng có nhiều năm tham gia kháng chiến ở vùng miền tây tỉnh Quảng Ngãi là vùng phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng lại không đủ tiêu chuẩn để công nhận là nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, ông Sâm cho biết đa phần các trường hợp không đủ tiêu chuẩn là qua xét nghiệm đái tháo đường không đạt ngưỡng 11 chấm, nên không được công nhận. Với những trường hợp này sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh có cơ chế trợ cấp ưu tiên trên cơ sở đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng chính sách.

Ông Đinh Xuân Sâm(đứng)-PGĐ sở LĐ-TB&XH giải đáp những vướng mắc về chính sách người có công. ảnh: Đông Hải 

Tại cuộc đối thoại, nhiếu ý kiến cho rằng qui định về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học còn nhiều bất hợp lý, dẫn đến kết quả giải quyết còn có nhiều ý kiến thắc mắc, so bì; qui định về tình trạng dị tật, dị dạng đới với con đẻ của người tham gia kháng chiến còn chung chung nên các địa phương còn lúng túng trong việc hướng dẫn xác lập, xét duyệt hồ sơ.   

Giải thích điều này đại diện sở LĐ-TB&XH cho biết Thông tư liên tịch số 20 qui định người tham gia kháng chiến xác lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp chất độc hóa học với bệnh mắc phải là "thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính" thì phải có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30/4/1975 ghi nhận bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên. 

Ông Trương Quang Tâm(ảnh)-trú tại thôn Xuân Hòa xã Tịnh Hiệp thắc mắc: hiện nhà ông đang thờ 2 liệt sĩ và 2 người họ hàng đã từng tham gia tiền khởi nghĩa trước năm 20145. Hiện nay nhà của ông đã dột nát xuống cấp, vậy có được hưởng chính sách gì về hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới nơi thờ cúng liệt sĩ hay không. Tại buổi đối thoại rất nhiều câu hỏi đã xoay quanh việc hỗ trợ, sửa chữa nhà ở đối với người có công cũng như kinh phí xây dựng bia, vỏ mộ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ chôn theo họ tộc. 

Ông Đinh Văn Hải-Trưởng phòng chính sách người có công thuộc Sở cho biết:  Huyện Sơn Tịnh đã có 229 hộ xây mới và 224 hộ sửa chữa thuộc Đề án hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với kinh phí trên 13 tỷ đồng. Hiện nay, Trung ương chưa hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để tiếp tục thực hiện Đế án này. Để giải quyết bức xúc của một số hộ NCC, nhân dịp 70 ngày TB-LS, tỉnh đã tạm ứng từ ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới 500 căn nhà cho NCC, riêng huyện Sơn Tịnh có 21 căn nhà với kinh phí là 840 triệu đồng.  

Với những trường hợp phát sinh ngoài đề án, hiện chưa có chủ trương cùa các cơ quan Trung ưng có thẩm quyền. Nội dung này phải chờ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Về hỗ trợ kinh phí xây bia, vỏ mộ đối với liệt sĩ chôn theo họ tộc theo qui định là 2,5 triệu nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẩn của Bộ LĐ-TB&XH cũng như việc phân bổ kinh phí từ các cơ quan trung ương. Về phía sở LĐ-TB&XH cũng đã kiến nghị đến các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Ông Đặng Ngọc Dũng-PCT UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại cuộc đối thoại. ảnh: Đông Hải 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Đặng Ngọc Dũng đã chia sẻ những thắc mắc, trăn trở của các đối tượng chính sách về một số chế độ hiện hành, xem đây là những ý kiến quí báu để các ngành chức năng ở tinh kiến nghị lên cấp trên nhằm sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với thực tiễn hơn và điều quan trọng là tạo sự công bằng, lan tỏa đến mọi tượng người có công.

Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao công lao hy sinh của các đối tượng chính sách và gia đình của họ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Những chế độ, chính sách cũng mới chỉ phần nào bù đắp những mất mát, tổn thương mà các đối tượng chính sách và gia đình của họ vẫn gánh chịu. Chính vì vậy, để chế độ chính sách ngày càng đi vào cuộc sống, đáp ứng hầu hết nguyện vọng, nhu cầu của các đối tượng là việc mà từ các cấp địa phương đến Trung ương đang từng ngày hoàn thiện. Chúng ta có quyền hy vọng rằng cùng với sự phát triển của đất nước thì chế độ, chính sách của người có công cũng sẽ được nâng lên xứng tầm hơn. Ông Đặng Ngọc Dũng đã phát biểu chia sẻ và kết thúc cuộc đối thoại.

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh