CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:31

Quảng Bình: Tập trung ưu tiên các nguồn lực cho giảm nghèo bền vững

 

Huy động mọi nguồn lực cho giảm nghèo

Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Để đạt được mục tiêu này, Quảng Bình đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ được tỉnh triển khai hướng tới người nghèo, người cận nghèo, tạo việc làm cho người lao động góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm các hộ nghèo, hộ chính sách tại xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là một trong hai chương trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh về kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Qua ba năm thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân mỗi năm 2,42%. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ, toàn diện từ chính sách giảm nghèo chung đến các dự án đặc thù của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ðến năm 2018, NHCSXH thực hiện 20 chương trình tín dụng với dư nợ đạt hơn 2.957 tỷ đồng, cho hơn 84 nghìn lượt hộ vay, trong đó dư nợ hộ nghèo hơn 1.789 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ khác như bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, các Chương trình 30a, 135 cũng đã giúp tỉnh đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh Quảng Bình vẫn còn ở mức cao (năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 6,9%) so với bình quân chung cả nước. Số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chiếm 33,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (cao gấp đôi bình quân chung cả nước). Ðời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã cải thiện nhưng vẫn khó khăn, khả năng tự tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống của bà con còn hạn chế. Ðây là lực cản trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Để từng bước XĐGN bền vững cho người dân miền núi, bãi ngang ven biển. Trong những năm vừa qua, thông qua nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ  đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vực. Đến nay, tất cả xã ở miền núi Quảng Bình có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí. Nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ được tỉnh triển khai hướng tới người nghèo, người cận nghèo, tạo việc làm cho người lao động góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. 

6 tháng đầu năm giảm 2.077 hộ nghèo

Từ đầu năm đến nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2018. Dự kiến tính đến 30/6/2019, hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2.077 hộ, tương đương giảm 0,84%; tổng số hộ nghèo là 15.211 hộ, chiếm 6,14% trong tổng số hộ toàn tỉnh (đạt 42% kế hoạch). Tham mưu UBND tỉnh Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Dự kiến phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình giảm nghèo - giải quyết việc làm của tỉnh năm 2019; hướng dẫn các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức 01 lớp tập huấn tại huyện Minh Hóa về công tác giảm nghèo cho cán bộ các xã 30a, thuộc Chương trình 135 và các xã vùng bãi ngang ven biển.

 

Hỗ trợ bò cho hộ nghèo huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình

 

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo, đó là: Huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong công tác giảm nghèo; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiệu quả nhằm đa dạng hóa thu nhập; phát triển kinh tế trang trại… Ngoài ra, hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho người nghèo gắn với việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp; tăng cường công tác nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và cán bộ ở các xã nghèo; phát triển thị trường lao động, động viên người lao động tự tạo việc làm; khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương; tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và chủ động giải quyết việc làm.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo và thu được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, trở thành vấn đề thách thức cho Quảng Bình, bởi xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không chỉ có ý nghĩa thực hiện mục tiêu chung của Quốc gia mà còn có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời hội nhập với các vùng khác trong khu vực và cả nước. 

Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình giảm nghèo, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của bà con dân tộc thiểu số theo hướng "bắt tay, chỉ việc" giúp họ tự tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết thêm: “Chính quyền cơ sở phải xác định được các ưu tiên trọng tâm trong thực hiện chương trình giảm nghèo trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo của từng hộ, phải định lượng được bao nhiêu hộ có khả năng thoát nghèo để xác định nội dung hỗ trợ phù hợp, cụ thể”.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình cho biết: “Sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ngành, địa phương, đoàn thể và sự nỗ lực của người nghèo cùng với việc thực hiện tốt các chính sách, dự án giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo đã giúp đời sống của người dân cũng như cơ sở hạ tầng vùng nông thôn trong tỉnh được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh, giai đoạn 2018-2020 bình quân giảm hơn 2%/năm. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được hỗ trợ đầu tư tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang vùng biển, hàng chục ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở…

Từ nay đến cuối năm 2019, ngành LĐ-TB&XH Quảng Bình tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo tại các địa phương. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết về chính sách hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và bãi ngang ven biển giai đoạn 2019 - 2021. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo; tiếp tục hướng dẫn các địa phương truyền thông, thông tin về giảm nghèo và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Với những mục tiêu, giải pháp đã đề ra, tin rằng, công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm giai đoạn 2016-2020 của tỉnh sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả, góp phần xây dựng Quảng Bình ngày càng đổi mới và phát triển.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh